Phóng sự - Ký sự

'Bánh vẽ' sâm Ngọc Linh: Bài 1 - Dự án có nhiều vi phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 'bánh vẽ' sâm Ngọc Linh, thông qua Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông, Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) có trụ sở ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), đã huy động rất nhiều người đầu tư góp vốn vào dự án trồng sâm Ngọc Linh. Liên quan vụ việc này, Cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh.

Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty MHG) được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cấp chủ trương đầu tư năm 2016 (số 1626/QĐ-UBND). Đến năm 2018, tỉnh Kon Tum có quyết định điều chỉnh dự án. Dự án có quy mô 46 ha thực hiện tại hai xã Măng Cành và Đăk Long, huyện Kon Plông.

Hơn 2,5 ha đất rừng tự nhiên bị biến thành đất trống

Vườn sâm dây của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh tại Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Vườn sâm dây của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh tại Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 36 ha trồng cây dược liệu (sâm dây, đương quy) cùng các loại hoa, rau, cây cảnh, cây gia vị…

Tuy nhiên, khi thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, Đoàn Thanh tra tỉnh Kon Tum phát hiện tại các lô 2, 5 khoảnh 9, lô 15 khoảnh 5, lô 6 khoảnh 15 tiểu khu 474 xã Măng Cành, có hơn 2,5 ha đất trống. Kết quả đối chiếu hiện trạng rừng đã cho thuê, diện tích đất trống trên là đất rừng tự nhiên TXB, TXN, TXK (Kết luận số 3337/KL-UBND ngày 7/10/2022 do ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ký).

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện trạng đất rừng tự nhiên (TXB, TXN, TXK) là đất rừng thường xanh, có cây rừng tự nhiên. "Nhà nước giao hoặc cho thuê diện tích rừng, Công ty được phép thực hiện các hoạt động sản xuất theo luật. Đồng thời, Công ty phải có nghĩa vụ bảo vệ, bảo vệ nguyên vẹn với diện tích rừng tự nhiên đang có", ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khẳng định.

Tiếp cận hiện trường, tại khu vực trồng sâm dây, nhiều cây rừng bị ngã đổ, một số cây rừng có đường kính lớn bị xẻ tại chỗ, chỉ còn trơ gốc... Theo lãnh đạo một công ty trồng dược liệu ở Kon Tum, khi trồng dược liệu như sâm dây, đương quy hay hoa, diện tích trồng phải sạch, không trồng dưới tán rừng vì các loại cây dược liệu trên ưa ánh sáng. Tại dự án, từ cổng vào, một hồ nước được đào khá rộng. Chủ dự án còn bố trí cả máy bơm, đường ống để hút nước phục vụ tưới tiêu.

Theo kết luận thanh tra, việc để hơn 2,5 ha đất rừng tự nhiên thành đất trống, chủ đầu tư đã không quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ, dẫn đến thiệt hại một phần diện tích đất rừng tự nhiên, không giữ gìn, bảo vệ hiện trạng được giao ban đầu. Chủ dự án tự ý phát dọn thực bì dưới tán rừng, vi phạm điểm a, Khoản 2, Điều 79 Luật Lâm nghiệp.

Kết luận số 3337/KL-UBND do ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ký từ tháng 10/2022, nhưng đến nay, việc xử lý trách nhiệm chủ đầu tư vẫn chưa được thực hiện.

Về các sai phạm trong việc "biến" đất rừng tự nhiên thành đất trống, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: Quan điểm là xử lý nghiêm, sai đến đâu xử đến đó. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm nói riêng và các cơ quan được giao nhiệm vụ thụ lý, xử lý vụ việc đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, dự án thay đổi chủ doanh nghiệp, thay đổi người đại diện pháp lý. Lực lượng chức năng nhiều lần đến làm việc, nhưng chủ dự án cử người làm việc không là người đại diện pháp luật, không cung cấp được các hồ sơ, tài liệu liên quan có tính pháp lý, tài liệu xác định chủ dự án.

Ngoài việc "biến" đất rừng tự nhiên thành đất trống, thanh tra còn phát hiện nhiều sai phạm khác tại dự án này, như xây dựng thêm nhà kho, nhà làm việc, công trình phụ, bể chứa nước, sân phơi. Tất cả hạng mục trên chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế. Chủ dự án không thực hiện báo cáo hình hình hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát đầu tư theo quy định (Kết luận số 3337/KL-UBND).

Dự án lớn - Đầu tư nhỏ giọt

Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2016. Tuy nhiên, đến hiện tại, chủ đầu tư mới chỉ xây dựng được nhà làm việc cấp 4 rộng 160 mét vuông, nhà ở công nhân, nhà kho; bể chứa nước trung gian; các công trình phụ trợ, nhà vệ sinh. Các hạng mục chính, trồng dược liệu để phục vụ dự án thì đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng.

Theo Kết luận số 3337/KL-UBND do ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ký, diện tích trồng các loại cây sâm dây, đương quy, hoa chiếm 5,6 ha; trồng dược liệu dưới tán rừng có 10 ha; còn 20 ha dưới tán rừng nhà đầu tư chưa trồng cây dược liệu.

Một dự án lớn hiện gần như bỏ hoang. Cổng chính đóng, khóa thường xuyên. Bên trong dự án, vườn hoa hồng cỏ dại mọc cao hơn hoa, xen kẽ vườn cà phê không được chăm sóc, diện tích sâm dây tự sinh tồn.

Dự án có quy mô ban đầu 46 ha, nhưng không có công nhân làm việc. Anh A Ngoan, bảo vệ Công ty cho biết: “Lúc trước có nhiều người làm hơn, giờ chỉ còn 3 người làm, trong đó có hai bảo vệ.” Anh A Ngoan đã làm việc tại dự án hơn 1 năm, chỉ có 2 lao động nhưng Công ty đang nợ lương 2 tháng.

Trước thực tế trên, ngày 19/6/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã có thông báo về việc chấm dứt một phần hoạt động Dự án nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông, diện tích mặt đất dự kiến sử dụng là 9 ha với mục tiêu chuyên trồng rau, hoa, quả theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là giai đoạn 2 của dự án, dự kiến triển khai từ quý I đến quý IV năm 2019; thời gian vận hành, sản xuất kinh doanh và cung cấp sản phẩm từ quý I/2020. Tuy nhiên, đến năm 2022 dự án vẫn chưa triển khai (chậm hơn 2 năm). Việc chậm trễ đầu tư giai đoạn II của dự án đã vi phạm tiến độ đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư và chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên thực tế, thuộc trường hợp quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.

---------------------

Bài 2: Những nghi vấn từ dự án

Có thể bạn quan tâm