Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Báo chí Gia Lai tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 28-10, Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Báo chí Gia Lai với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. 
Nhận diện nguy cơ
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-cho rằng: Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức phá hoại, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng hòng làm giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trước tình hình đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông và đội ngũ người làm báo giữ vai trò quan trọng, trực tiếp, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trong đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Trần Quốc Anh nêu rõ: Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch bên ngoài tăng cường cấu kết với các đối tượng phản động trong nước, sử dụng các kênh thông tin phát thanh, truyền hình và mạng xã hội làm công cụ, tạo lập diễn đàn, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. “Âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thể tóm tắt trong một số điểm chính như: xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận thành tựu, khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong phát triển kinh tế-xã hội; lợi dụng các sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống cách mạng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để gia tăng hoạt động chống phá; triệt để lợi dụng lực lượng cơ hội, phản động trong tôn giáo, tín ngưỡng, mượn danh dân chủ, núp bóng nhân quyền, hình thành và hậu thuẫn các hội, nhóm dưới chiêu bài “xã hội dân sự” nhằm gây bất ổn về chính trị, an ninh, an toàn xã hội”-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh thông tin.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Thụy
Bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Thị Thu Hương cho rằng: Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước không ngừng sử dụng một số cách thức, chiêu trò để chống phá Đảng và Nhà nước. Trong đó, chúng đã lợi dụng triệt để sự phát triển của internet, mạng xã hội nhằm tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc, bịa đặt, thật giả lẫn lộn hòng gây nhiễu loạn thông tin, gieo rắc tư tưởng hoài nghi làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, chúng cố tình rêu rao nhằm xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, ngợi ca một chiều chủ nghĩa tư bản, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc về những thành tựu to lớn của đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới. Duy trì âm mưu “diễn biến hòa bình” mà chúng đã thực hiện nhiều thập niên qua, đặc biệt là âm mưu phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng và khi có thời cơ, chúng sẽ kích động người dân biểu tình, bạo loạn, gây bất ổn chính trị hòng lật đổ chính quyền. Đồng thời, chúng đưa ra các “kiến nghị” nhằm hướng lái dư luận theo ý đồ xấu; triệt để lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của một số người dân, tung ra những thông tin lập lờ giữa đúng và sai để gây hoài nghi cho người dân; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta…
“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”
Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định đây là nhiệm vụ trọng yếu của toàn hệ thống chính trị, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, báo chí giữ vai trò xung kích, đấu tranh công khai trên mặt trận này.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Nhà báo Lê Văn Nhung-Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Gia Lai-thông tin: “Thời gian tới, Báo Gia Lai tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, tiếp tục tăng cường số lượng, chất lượng các bài viết tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi bài viết phải có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn chắc chắn, luận điểm, luận cứ sâu sắc, mang tính thời sự và có giá trị định hướng về nhận thức, tư tưởng đối với người đọc, sao cho mỗi tác phẩm báo chí thực sự là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đất nước, chế độ. Trong tuyên truyền, đấu tranh cần có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa “xây” và “chống”; trong đó, “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” là cấp bách, thường xuyên. Tập trung xây dựng các tuyến tin, bài đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, các thông tin xấu, độc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các ấn phẩm của báo và trên các nền tảng mạng xã hội”. 
Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo. Ảnh: Đức Thụy
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương gồm Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và 25 cơ quan báo chí trung ương, ngành, địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động độc lập.
Để phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn trong công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cơ sở, ông Phạm Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ-đề xuất: “Cần tăng cường tuyên truyền, lan tỏa những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tại cơ sở, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của địa phương, đất nước. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, biên tập, duyệt tin bài; phương tiện chuyển tải đa dạng cả trên sóng phát thanh, truyền hình và trên nền tảng mạng xã hội để thông tin nhanh nhất đến quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên để có năng lực tác nghiệp nhạy bén, kịp thời, có thông tin, bài viết sâu sắc và thuyết phục trong tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Còn bà Lê Thị Phương Loan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai thì cho rằng: Để công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở địa phương đạt hiệu quả cao cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của đài truyền thanh cơ sở. Không ngừng nâng cao chất lượng nội dung thông tin trên sóng phát thanh, đảm bảo phong phú, nhanh, mới và thiết thực. Ngoài ra, cần tập trung đổi mới và đẩy mạnh những hình thức tuyên truyền mũi nhọn, trong đó tập trung báo nói, báo hình, hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của huyện, trang mạng xã hội; tăng cường thời lượng phát sóng, duy trì và xây dựng chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, phát sóng ở khung giờ vàng có nhiều người theo dõi...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc nhấn mạnh: Qua hội thảo này, báo chí Gia Lai sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những khó khăn, vướng mắc, góp phần vào việc bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những mô hình phát triển kinh tế-xã hội điển hình nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”… Đồng thời, công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo. Các cơ quan báo chí cần chủ động tìm tòi, nghiên cứu để đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, nhất là xu hướng báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ số để tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm