Báo động hiểm họa tiết canh!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian gần đây, trong khi ở khu vực phía Bắc có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm bệnh liên cầu lợn vì ăn tiết canh thì ở phía Nam, loại bệnh có thể gây chết người này ngày càng gia tăng.

Thời gian gần đây, trong khi ở khu vực phía Bắc có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm bệnh liên cầu lợn thì ở phía Nam, loại bệnh có thể gây chết người này ngày càng gia tăng.

Số ca mắc tăng 200%

Ca bệnh nhiễm liên cầu lợn nguy kịch vừa được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cứu sống gần đây là ông Lê Tấn L. (52 tuổi, ngụ tỉnh An Giang). Trước đó, ông L. sốt, nằm nhà khoảng 3 ngày nhưng tới ngày thứ 4 thì có biểu hiện rối loạn tri giác, hôn mê nên được người nhà đưa đến BV Đa khoa An Giang cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não, chỉ định điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ một thời gian nhưng không thuyên giảm nên được chuyển lên BV Chợ Rẫy.

 

Ca nhiễm liên cầu lợn nặng vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống


PGS-TS-BS Trần Quang Bính, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho hay khi bệnh nhân nhập viện đã là ngày thứ 16 trong tình trạng không còn tỉnh táo, rối loạn tri giác, rối loạn hành vi, co giật, hôn mê. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng kháng sinh nhưng bệnh càng ngày càng trở nặng. Điều tra bệnh sử cho thấy bệnh nhân làm nghề buôn bán thịt đã 20 năm, nghi ngờ có thể bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn, các bác sĩ đã “đánh” kháng sinh đặc dụng kết hợp với hồi sức cấp cứu tích cực và cuối cùng đã cứu được bệnh nhân.

Theo bác sĩ Bính, có thể trong quá trình chế biến thịt heo, ông đã bị nhiễm vi khuẩn qua tiếp xúc trực tiếp với heo bệnh do chân, tay bị trầy xước mà không biết. “Điều đáng nói là độc lực vi khuẩn này rất mạnh. Bình thường sau khi bị nhiễm khuẩn, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng trong khoảng 1-5 ngày” - bác sĩ Bính nhấn mạnh.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đường lây của loại bệnh nguy hiểm này đang khiến cộng đồng quan ngại. Số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh công bố mới đây cho thấy trong năm 2016, toàn TP đã có 15 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, tăng 200% so với năm 2015. Đó là chưa kể những trường hợp mắc bệnh nhưng không được phát hiện. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP, cho biết số người mắc bệnh sống rải rác ở 12/24 quận, huyện và đa số là nam giới (chiếm hơn 73%). Hơn 26% bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với thịt heo, họ làm nghề buôn bán thịt heo, bán cơm, hủ tiếu; còn lại là người già, nội trợ, nghề nghiệp khác không đặc trưng… Dù số người mắc liên cầu lợn may mắn tránh được tử vong nhờ điều trị kịp thời nhưng bi kịch đối với các bệnh nhân này là những biến chứng nặng nề, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua ghi nhận, đã có gần 67% trong số người mắc bệnh nói trên bị điếc hoặc giảm thích lực.

Coi chừng tiết canh giả

 

Ổ bệnh trong chén tiết canh

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, để có thể kiểm soát tốt nguồn bệnh cũng như hạn chế ở mức thấp nhất tỉ lệ mắc, tử vong, biến chứng do liên cầu lợn, cần kiểm soát bệnh trên lợn, hoạt động chăn nuôi, giết mổ; đặc biệt là tăng cường truyền thông về nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người. “Mỗi chén tiết canh nói chung có chứa tới hàng chục loại vi khuẩn có hại khác nhau và dễ dàng gây bệnh cho con người, chưa kể con vật đó còn mang theo sán, giun xoắn, virus cúm A/H5N1...”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nhiễm liên cầu lợn nhưng rất khó phát hiện. Ngoài nguyên nhân do nghề nghiệp, thói quen ăn tiết canh là một mối nguy khác vô cùng đáng sợ. Nhiều người vẫn nghĩ tiết canh là món mát, bổ. Thậm chí, không ít người còn cho rằng đầu năm, đầu tháng ăn tiết canh mới “đỏ”, làm ăn sẽ gặp “hên” nên ăn thoải mái, không chút dè dặt, điều này dễ dẫn đến nhiễm bệnh chết người do ăn nhầm tiết canh giả.

Không có gì lạ khi các quán nhậu chuyên về vịt, tiết canh vịt lúc nào cũng đông khách. Thử hỏi tiết canh vịt ở đâu ra nhiều đến mức các quán luôn có sẵn trong các can nhựa loại 20-30 lít, sẵn sàng phục vụ khi khách có nhu cầu? Qua tìm hiểu, nhiều quán đã dùng huyết heo rồi “phù phép” thành tiết canh vịt mà người ăn không thể nào phân biệt được. “Không có loại vịt nào mà lượng huyết của nó đựng cả can nhựa hàng chục lít như thế!”, TS-BS Nguyễn Hoan Phú, Khoa Nhiễm Việt - Anh BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, thốt lên khi trao đổi với chúng tôi. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, mỗi năm BV tiếp nhận cấp cứu hàng chục trường hợp nhiễm liên cầu lợn, dù điều trị hết cách nhưng không phải bệnh nhân nào cũng thoát khỏi các di chứng sau điều trị. Ông cho biết theo nghiên cứu trên 100 bệnh nhân ở phía Nam mắc bệnh thì có 70% ăn lòng heo, tiết canh.

Các chuyên gia cho biết máu tươi có chứa nhiều protein (đạm) nên là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh sinh sống. Theo bác sĩ Trần Quang Bính, ở heo, vi khuẩn thường gặp nhất là Streptococcus, khu trú ở đường hô hấp heo.

Hiểm họa luôn tiềm ẩn trong cộng đồng nhưng có vẻ như người dân chưa sợ. Theo bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên Bộ môn Nhiễm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khi nhiễm bệnh này, nếu điều trị trễ dễ bị hoại tử lan rộng, dẫn đến phù não, tử vong hoặc những di chứng như ngớ ngẩn, động kinh, điếc... Đó là chưa kể chi phí điều trị rất tốn kém.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm