(GLO)- Bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn dai dẳng ở một số địa phương trong tỉnh Gia Lai nên ngành Y tế đang cùng các cấp chính quyền tập trung xử lý để dập tắt hoàn toàn SXH, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 481 trường hợp mắc SXH. Bệnh xảy ra tại 35/222 xã, phường, thị trấn của 16/17 huyện, thị xã và thành phố. Các địa phương có số người mắc nhiều là TP. Pleiku với 109 trường hợp, huyện Phú Thiện 108 trường hợp, huyện Chư Sê 61 trường hợp; riêng huyện Kông Chro không ghi nhận trường hợp nào.
Phun thuốc diệt muỗi để phòng-chống sốt xuất huyết. Ảnh: K.N.B |
Giám sát dịch tễ cho thấy, SXH lưu hành ở tỉnh Gia Lai có 2 tuýp là tuýp 1 và tuýp 2. Bệnh nhân mắc SXH tập trung ở khu vực đông dân cư và những vùng có nhiều ao, hồ, mương máng chứa nước sinh hoạt, nước thải. Nguyên nhân khiến số người mắc SXH ở tỉnh còn khá cao được xác định là bởi năm 2016 trên địa bàn tỉnh bùng phát dịch SXH khiến hàng ngàn lượt người mắc; nhiều biện pháp được các huyện, ngành triển khai nhưng vẫn chưa khống chế hoàn toàn. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu diễn biến thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng; người dân chưa mặn mà với công tác tự phòng trừ dịch bệnh bằng cách ngủ màn, phát dọn môi trường sống quanh nhà.
Tình trạng người dân tự mua thuốc ở các cơ sở tư nhân để điều trị bệnh cũng là nguyên nhân khiến SXH lây lan vì ngành Y tế không phát hiện được từ đầu để xử lý bệnh. “Để dập tắt bệnh SXH phải dựa vào dân là chính. Người dân cần tự dọn vệ sinh môi trường quanh nhà để không còn nơi cho muỗi sinh sản. Tuy nhiên, chúng tôi thấy người dân chưa mặn mà lắm, cứ thấy có người mắc SXH là chỉ trông chờ phun hóa chất. Mới đây, giám sát dịch tễ ở huyện Phú Thiện, chúng tôi nhận thấy số loăng quăng ở các mương máng thoát nước thải quanh nhà dân rất nhiều, vận động dọn thì họ nói sẽ làm nhưng khi quay lại vẫn y nguyên”-ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai chia sẻ.
Trước tình trạng SXH dai dẳng, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang tiếp tục phối hợp cùng các địa phương triển khai nhiều hoạt động phòng-chống dịch, trong đó tập trung chủ yếu vào việc dọn vệ sinh môi trường, khơi mương máng, lật đổ các vật chứa nước thải, phát dọn môi trường sống; cấp 103 lít hóa chất cho các huyện phun. Đối với những địa phương có người mắc cao như TP. Pleiku, huyện Phú Thiện, Chư Sê… ngành Y tế cùng các cấp chính quyền và nhân dân tập trung xử lý các ổ dịch 2 lần. “Tuần này, chúng tôi cử cán bộ, nhân viên Trung tâm xuống các huyện, thị xã và thành phố để tập trung xử lý SXH. Mùa mưa sắp đến, nếu không dập dịch thì nguy cơ tái bùng phát bệnh SXH rất cao”-ông Hồ Ngọc Gia cho biết thêm.
Nguyễn Tú