Người không có bảo hiểm y tế "nặng gánh" khi áp giá viện phí mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Thới Văn Đạo-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Gia Lai chia sẻ: Từ ngày 1-6 tới, khi Thông tư số 02/2017/TT-BYT chính thức có hiệu lực thì các cơ sở y tế sẽ áp dụng giá viện phí mới cho người không có bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, nhiều giá dịch vụ y tế tăng chủ yếu tập trung vào tăng giá khám bệnh và giá ngày, giường nằm điều trị… Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành.

Nhiều dịch vụ tăng giá

Theo BHXH Gia Lai, Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế vừa ban hành quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám-chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám-chữa bệnh trong một số trường hợp.

 

Ông Thới Văn Đạo-Giám đốc BHXH Gia Lai thăm và tặng quà cho 1 bệnh nhân. Ảnh: N.N
Ông Thới Văn Đạo-Giám đốc BHXH Gia Lai thăm và tặng quà cho 1 bệnh nhân. Ảnh: N.N

Theo đó, mức giá hơn 1.900 dịch vụ y tế bao gồm mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khỏe; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… đã được công bố. Cụ thể, so với trước, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) tăng gấp 4 lần ở bệnh viện hạng IV (từ 7.000 đồng/lượt lên 29.000 đồng/lượt); bệnh viện hạng III từ 10.000 đồng/lượt lên 31.000 đồng/lượt. Đối với bệnh viện hạng II tăng từ 15.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng I và bệnh viện hạng đặc biệt tăng gần 2 lần, từ 20.000 đồng/lượt lên 39.000 đồng/lượt.

Bên cạnh đó, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực (chưa bao gồm chi phí máy thở nếu có) tại bệnh viện hạng đặc biệt từ 354.000 đồng tăng lên 677.100 đồng; bệnh viện hạng I từ 354.000 đồng tăng thành 632.200 đồng. Bệnh viện hạng II từ 350.000 đồng lên 568.900 đồng. Đối với giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc cũng tăng từ 169.000 đồng/ngày lên 362.800 đồng/ngày (bệnh viện hạng đặc biệt); từ 169.000 đồng/ngày lên 335.900 đồng/ngày (bệnh viện hạng I); bệnh viện hạng II tăng từ 115.000 đồng/ngày lên 279.100 đồng/ngày. Các bệnh viện hạng III, bệnh viện hạng IV tăng tương ứng từ 81.000 đồng/ngày lên 245.700 đồng/ngày và 61.000 đồng/ngày lên 226.000 đồng/ngày...

Trong đợt áp dụng giá viện phí mới này, ngoài giá tiền khám tối đa, giá ngày, giường điều trị tăng cao thì một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành và tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT. Trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất đắt đỏ như dịch vụ chụp PET/CT tăng từ 19.246.000 đồng lên 20.114.000 đồng; chi phí chụp PET/CT mô phỏng xạ trị từ 19.746.000 đồng lên 20.831.000 đồng. Ngoài ra, những dịch vụ trong điều trị ung thư hay thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị chi phí rất lớn mà những người không có BHYT sẽ phải chi trả 100% như điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng hạt phóng xạ I-125 có chi phí tối đa là 15.090.000 đồng, chi phí xạ phẫu bằng Cyber Knife có giá hơn 20 triệu đồng, xạ phẫu bằng Gamma Knife là hơn 28 triệu đồng và hơn 28 triệu đồng là chi phí cho dịch vụ xạ trị bằng X Knife... Các dịch vụ khác như phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý về gan mật, bệnh lý lồng ngực; bệnh lý tiết niệu… từ 80 triệu đồng đến hơn 90 triệu đồng…

Cần tăng chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh

Tính đến ngày 7-4-2017, toàn tỉnh có 1.153.489 người tham gia BHYT, chiếm 80,11% dân số. Như vậy, còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp do áp dụng giá viện phí mới… Năm 2017, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 83,04% dân số. Trước đây, do giá viện phí thấp, nhiều người dân chưa quan tâm đến việc tham gia BHYT. Tuy nhiên, khi tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, người không có BHYT tất nhiên sẽ chịu chi phí cao trong khám-chữa bệnh, trong khi đó những người tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả. Đến lúc này, sự chênh lệch giữa có BHYT và không có BHYT là rất lớn, buộc người dân phải tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi cho mình.

“Đối với những người thu nhập thấp, hộ gia đình cận nghèo không tham gia BHYT nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật rất dễ rơi vào cái bẫy nghèo trở lại. Vậy nên, mỗi hộ gia đình cần tham gia BHYT để hưởng quyền lợi khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe khi ốm đau. Tất nhiên, việc tăng giá viện phí cũng phải đi kèm với việc tăng chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người bệnh; không có sự phân biệt đối xử giữa khám-chữa bệnh BHYT và không có BHYT… có như vậy mới khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT tăng lên trong thời gian đến”-ông Thới Văn Đạo-Giám đốc BHXH Gia Lai cho biết.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm