Phóng sự - Ký sự

Bảo vật quốc gia: Bộ sưu tập công cụ đá 800.000 tuổi độc nhất vô nhị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê (Gia Lai) 800.000 tuổi đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (ở TP.Pleiku, Gia Lai) là minh chứng khẳng định VN là một trong những cái nôi của loài người.

NHỮNG PHÁT HIỆN TỘT QUÝ

Bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê gồm 10 hiện vật: 4 chiếc rìu tay, 5 công cụ mũi nhọn và 1 chiếc rìu ghè một mặt, được công nhận bảo vật quốc gia vào tháng 1.2023.

Theo hồ sơ của Bảo tàng tỉnh Gia Lai, những hiện vật này được đoàn khảo sát hợp tác VN - Liên bang Nga phát hiện trong quá trình thám sát, khai quật khảo cổ từ năm 2014 - 2019 tại TX.An Khê, Gia Lai. Ở đây, các nhà khảo cổ đã thu được hàng ngàn hiện vật bằng chất liệu đá với những giá trị tột quý. Trong đó, 10 công cụ đá nói trên là hiện vật tiêu biểu của kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê, nằm trong địa tầng có niên đại địa chất sơ kỳ Pleistocene và niên đại đồng vị phóng xạ trung bình là 800.000 năm cách ngày nay.

Bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê.

Bộ sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê.

Các công cụ đá trong bộ sưu tập được công nhận bảo vật quốc gia đều có một đầu nhọn. Các mũi nhọn đều được làm từ cuội sông suối, với chất liệu là đá quartzite, có cấu trúc dạng khối rắn chắc, hạt mịn, độ dẻo cao. Thành phần chủ yếu là silic, thích hợp cho việc chặt, đâm khi giết mổ gia súc. Phần mũi của công cụ đá được làm từ kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, đá ghè đá, ghè một mặt với vết ghè lớn, xen vết ghè nhỏ, đều đặn và đan xen nhau. Các vết ghè tập trung cao ở đầu nhọn và hai rìa công cụ.

Theo đánh giá của các nhà khảo cổ Nga và VN, mũi nhọn là công cụ lao động của cư dân sơ kỳ Đá cũ An Khê có kích thước lớn, nặng và có một đầu nhọn lý tưởng. Đầu nhọn này có thể sử dụng bằng những cú đâm cực mạnh tạo ra các lỗ thủng liên tiếp xuyên qua lớp da dày động vật như: trâu, bò, rừng, hươu, nai, voi… Thực nghiệm cho thấy, mũi nhọn tam diện là công cụ hữu dụng để giết mổ động vật lớn, có bộ da dày. Ngoài ra, mũi nhọn còn có thể dùng đào đất tìm củ, tìm con mồi...

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (người cầm hiện vật) có công lớn trong quá trình thám sát, khảo cổ ở An Khê

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (người cầm hiện vật) có công lớn trong quá trình thám sát, khảo cổ ở An Khê

Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, cho biết: "Sở dĩ chúng tôi lựa chọn sưu tập 10 công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê đăng ký bảo vật quốc gia, bởi đây là những chiếc rìu tay/công cụ ghè một mặt/ghè hai mặt nguyên vẹn, độc bản, không giống với bất kỳ công cụ nào do người nguyên thủy chế tác cách đây 800.000 năm ở An Khê nói riêng và VN nói chung".

HÉ MỞ NHIỀU GIÁ TRỊ LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI

Kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê được đặc trưng bởi tổ hợp công cụ đá làm từ cuội sông suối tại địa phương, kích thước lớn, đá cứng, hạt mịn. Công cụ được ghè đẽo thô sơ, gồm các loại công cụ tiêu biểu là tổ hợp công cụ ghè hai mặt, rìu tay, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện và công cụ chặt thô. Trong đó, công cụ chặt thô chủ yếu tìm thấy trong các di tích sơ kỳ Đá cũ châu Á, công cụ ghè hai mặt và rìu tay nổi trội cho Đá cũ phương Tây, còn mũi nhọn tam diện đặc trưng cho sơ kỳ Đá cũ vùng An Khê.

Đặc biệt, 4 chiếc rìu tay ở An Khê được xem là tiêu biểu, điển hình không chỉ cho sơ kỳ Đá cũ An Khê, mà cả Đá cũ châu Á. Chủ nhân những chiếc rìu tay và công cụ mũi nhọn An Khê là những người đứng thẳng (Homo erectus), tiền thân của người hiện đại (Homo sapiens).

Các chuyên gia Đá cũ trên thế giới tham dự hội thảo quốc tế "Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh kỹ nghệ ghè hai mặt châu Á" vào tháng 3.2019 tại Gia Lai đều thừa nhận đây là công cụ độc đáo, tiêu biểu cho kỹ nghệ sơ kỳ nơi đây. Những công cụ đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật ghè hai mặt, một cách tân lớn trong kỹ nghệ chế tác công cụ đá, đồng thời thể hiện năng lực thích ứng thông minh của con người ở đây với môi trường giàu tre, nứa như VN. Công cụ ghè một mặt/ghè hai mặt trong kỹ nghệ Đá cũ An Khê cũng có những nét khác biệt, độc đáo đáng kể so với phần còn lại của khu vực Á - Âu, xứng đáng có mặt trong bản đồ phân bố kỹ nghệ ghè hai mặt sơ kỳ Đá cũ thế giới.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học VN), từ trước đến nay, ở VN chưa phát hiện được bằng chứng nào về sơ kỳ Đá cũ có niên đại cổ nhất như ở An Khê. Trước đây, thời điểm mở đầu lịch sử VN được xác định là 500.000 năm với sự xuất hiện người đứng thẳng (Homo erectus) ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn). Với phát hiện bộ rìu tay An Khê và niên đại ở 2 di tích Gò Đá và Rộc Tưng với hàng ngàn di vật, thời điểm mở đầu của lịch sử xuất hiện con người trên lãnh thổ, lãnh hải VN được xác nhận cổ hơn rất nhiều, cách ngày nay khoảng 800.000 năm. Các công cụ này đều không khác gì so với các công cụ được phát hiện ở châu Âu, châu Phi và phía nam Trung Quốc.

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng, việc phát hiện sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê đã bác bỏ quan điểm sai lầm của một số nhà nghiên cứu chia lịch sử nhân loại thành 2 vùng Đông và Tây đối lập nhau: Ở phương Tây, phổ biến rìu tay có hình dáng cân đối, quy chuẩn, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động; còn phương Đông, tồn tại lâu dài kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper - chopping, thô sơ và phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì vào sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng những hiện vật được phát hiện ở An Khê đã tự nhiên phản bác, bác bỏ lại quan điểm trên.

"Các hiện vật được phát hiện ở An Khê chứng tỏ đã có sự phát triển rất cao về trình độ của cộng đồng cư dân trên mảnh đất này. Chúng ta rất tự hào ở VN đã tìm thấy một hệ thống di tích sơ kỳ thời đại đá cũ mang tầm vóc của thế giới, của nhân loại", PGS-TS Nguyễn Khắc Sử nói.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm