Multimedia

Emagazine

Giá trị lịch sử-văn hóa nổi bật của các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê

E-magazine Giá trị lịch sử-văn hóa nổi bật của các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Trong các năm 2015-2019, cán bộ Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã phát hiện gần 30 di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê. Trong đó, 4 di tích Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7 đã được khai quật, nghiên cứu có hệ thống. Một loạt bài báo trong nước và quốc tế về kết quả khai quật khảo cổ thời đại Đá cũ ở An Khê đã được công bố. Hai hội thảo quốc tế về kỹ nghệ Đá cũ An Khê đã được tổ chức, thu hút nhiều chuyên gia khảo cổ học hàng đầu thế giới đến tham quan, trao đổi, thảo luận và viết bài trên các tạp chí khoa học quốc tế.

 

Trong các hố khai quật đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật đá, minh chứng cho sự hiện diện của kỹ thuật và loại hình công cụ cổ xưa nhất của nhân loại, trong đó có mũi nhọn tam diện, rìu tay ghè đẽo thô sơ. Những công cụ này nằm trong địa tầng sơ kỳ Cánh tân, cách đây trên dưới 1 triệu năm. Nằm cùng các công cụ này là những viên thiên thạch (tektite) rơi từ hành tinh khác vào tầng văn hóa của cư dân tiền sử. Hai mẫu tektite được phân tích niên đại bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Kali-Argon (40K/40Ar)cho kết quả là  806.000±22.000 năm và 782.000±20.000 năm BP. Nhiều báo chí trong nước và quốc tế xem đây là phát hiện khảo cổ học chấn động giới nghiên cứu lịch sử loài người.

 
 

Nghiên cứu tổng thể các hiện vật thu được trong các hố khai quật, các nhà khảo cổ xác nhận ở đây đã tồn tại một kỹ nghệ chế tác công cụ đá cổ xưa nhất của nhân loại với những đặc trưng độc đáo, mang tên kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê. Kỹ nghệ này có đặc trưng ổn định cao về chất liệu, kỹ thuật, loại hình và chức năng công cụ.

 

Về chất liệu, công cụ đều được làm từ cuội sông, suối, đá thạch anh biến tính (quartzite) với độ cứng rất cao, độ dẻo lớn, có thể chặt cây, xẻ thịt thú rừng.

Về kỹ thuật chế tác công cụ đều bằng thủ pháp ghè trực tiếp, đá ghè đá, tách ra các mảnh tước lớn trên các hạch đá đa diện và không có sự chuẩn bị diện ghè. Đây là một loại kỹ thuật chế tác đồ đá thô sơ nhất, đặc trưng điển hình nhất cho giai đoạn sơ kỳ Đá cũ của nhân loại.

 

Về loại hình, ngoài nhóm công cụ chặt đập thô sơ (chopper-chopping tools) với số lượng lớn, thường được chế tác đơn giản, ghè trực tiếp trên các hòn cuội, kích thước to, thô còn có một số công cụ mảnh tước tạo ra những chiếc nạo dạng hình răng cưa (denticulated scrapers), nạo rìa lưỡi lõm (notched scrapers), công cụ cắt (cutting/engraving tools) cùng với các hạch đá (cores) đa diện.

Trong các loại công cụ đá của kỹ nghệ An Khê, một loại hình công cụ khá nổi bật là những mũi nhọn lớn hình khối tam diện (mặt cắt ngang hình tam giác), công cụ ghè hết một mặt (unifaces) với chức năng đào bới hoặc chặt.

 

Công cụ mũi nhọn tam diện ở An Khê chiếm tỷ lệ cao với thân hình khối tam diện (ba mặt phẳng) kẹp một đầu nhọn chắc khỏe, có tay cầm to và thô, được làm từ đá cuội quartzite, trung bình thân dài 19,8 cm, rộng 11,9 cm, dày 8,07 cm và nặng 2,32 kg. Loại hình công cụ này đặc trưng cho kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê và hầu như ít gặp trong các di tích sơ kỳ Đá cũ châu Âu.

Đáng chú ý hơn cả là các công cụ ghè hai mặt (bifaces) và đặc biệt nhất là những chiếc rìu tay (handaxes). Rìu tay An Khê có 7 chiếc, đang làm hồ sơ bảo vật quốc gia, tuy số lượng không nhiều nhưng mang một số đặc trưng của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại.

Những rìu tay An Khê được làm từ đá cuội quartzite, kích thước lớn, thân hình mũi lao với một đầu thuôn nhọn và một đốc cầm tròn; vết ghè tập trung ở 2/3 thân kể từ đầu nhọn, ghè 2 mặt, hướng tâm, tạo ra một đường nổi cao chạy từ đầu nhọn đến gần đốc cầm, dày ở giữa và mỏng dần về hai rìa. Các vết ghè nhỏ, đan nhau, tạo rìa lưỡi zích zắc; có kích thước trung bình thân dài 20,7 cm, rộng 11,9 cm, dày 7,4 cm, nặng 1,9 kg. 

 

Những rìu tay An Khê gợi lại kỹ thuật và hình thái rìu tay của kỹ nghệ Acheulean (Pháp), vốn được xem là đặc trưng tiêu biểu cho sơ kỳ Đá cũ châu Âu và châu Phi, có tuổi từ 500.000 năm đến 300.000 năm BP. Điểm khác là ở chỗ, rìu tay Acheulean được làm từ đá lửa, ghè hai mặt, có một lưỡi mỏng nhọn, đốc cầm rộng và dày, thân có các kiểu hình tam giác, trái tim, quả hạnh nhân, mũi lao, hình trứng, hình đĩa và hình elíp, tiêu biểu nhất là hình quả hạnh nhân và hình mũi lao. 

Ở châu Á, rìu tay cũng đã tìm thấy ở một số di tích sơ kỳ Đá cũ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Trong đó, rìu tay trong kỹ nghệ Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và rìu tay trong kỹ nghệ An Khê có một số đặc điểm giống nhau về chất liệu, kỹ thuật, loại hình và tương đương về niên đại đồng vị Kali-Argon. Niên đại kỹ nghệ Bách Sắc là 732.000±39.000 năm BP và 803.000±30.000 năm BP. 

 

Nhìn chung, tổ hợp công cụ đá ở An Khê đã hội tụ đặc trưng của một phức hợp kỹ thuật: Công cụ chặt thô/công cụ ghè hết một mặt/mũi nhọn-mũi nhọn tam diện/ghè hai mặt-rìu tay. Trong đó, công cụ chặt thô, mũi nhọn tam diện nổi trội bên cạnh rìu tay và các loại công cụ ghè hai mặt với kỹ thuật chế tác nguyên thủy lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam. Sự hiện diện của tổ hợp đá cuội nguyên liệu, hạch đá, công cụ, mảnh tước, hòn ghè chứng minh quy trình chế tác công cụ tại chỗ. Các yếu tố kỹ thuật chế tác công cụ đá ở đây rất cổ xưa, mang đặc trưng sơ kỳ thời đại Đá cũ thế giới. 

 

Con người xuất hiện lúc nào thì lịch sử được bắt đầu từ đó. Trước đây, thời điểm mở đầu cho lịch sử Việt Nam được lấy từ sự kiện di tích sơ kỳ Đá cũ Ở Núi Đọ (Thanh Hóa), có tuổi 0,4 triệu năm, Xuân Lộc (Đồng Nai) là 0,5 triệu năm hoặc xuất hiện người đứng thẳng (Homo erectus) ở hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) là 0,5 triệu năm BP. Với phát hiện di tích Đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở khẳng định niên đại mở đầu lịch sử Việt Nam là 0,8 triệu năm BP. 

 

Từ kết quả khai quật các di tích ở An Khê, chúng ta có thêm tư liệu mới, nhận thức về thành tựu văn hóa nhân loại. Tại di tích Rộc Tưng 1 có hiện tượng nhiều viên đá cuội, thạch anh được gom thành một số cụm đất cao, có thể liên quan đến kiến trúc lều trại của cư dân tiền sử. Trong địa tầng di tích Rộc Tưng 4 đã tìm thấy hàng ngàn mảnh tước, nhiều hạch đá, hòn ghè và một số công cụ chưa hoàn thiện, đã gợi ý về sự xuất hiện di chỉ-xưởng (workershop-side) của cư dân thời này.

Năm 1948, một học giả Mỹ là H.Movius cho rằng, ngay từ sơ kỳ Đá cũ đã có sự đối lập giữa 2 vùng văn hóa đại diện cho phương Đông và phương Tây. Theo đó, ở phương Tây phổ biến rìu tay, dáng cân đối, ghè đẽo quy chuẩn, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông tồn tại kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper-chopping, thô sơ, phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của nhân loại. Quan điểm này tồn tại khá dài và đã được nhiều nhà khảo cổ Âu-Mỹ tán thành. Nhưng với những phát hiện kỹ nghệ ghè hai mặt và rìu tay ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã bác bỏ quan điểm trên và chứng minh rằng, ngay từ sơ kỳ Đá cũ, con người ở mỗi vùng địa lý khác nhau đã có những sáng tạo khác nhau, thích ứng với môi trường để tồn tại và phát triển. Các công cụ đá trong kỹ nghệ An Khê thích hợp cho việc chế tạo tre, gỗ vốn phổ biến ở vùng này.

 

Người đứng thẳng (Homo erectus) được xem là tổ tiên của người hiện đại (Homo sapiens). Đa số ý kiến cho rằng, những Homo sapiens đầu tiên được hình thành ở châu Phi, sau đó phát tán sang lục địa Á-Âu vào khoảng 70.000 năm BP. Việc phát hiện kỹ nghệ An Khê của người đứng thẳng và các di tích hóa thạch Homo sapiens sớm trên lãnh thổ Việt Nam là tư liệu quan trọng cho việc tiếp tục tìm hiểu quá trình tiến hóa của loài người trên các địa bàn khác nhau, trong đó có Việt Nam. 

 

 

Có thể bạn quan tâm