Phóng sự - Ký sự

Bảo vật quốc gia: Bộ sưu tập trang sức vàng ngàn năm tuổi ở Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi đang lưu giữ 3 bảo vật quốc gia, gồm: tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng có niên đại thế kỷ 9 - 10, bộ sưu tập 18 bình gốm đất nung Long Thạnh khoảng trên dưới 3.000 năm tuổi và bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 - Lâm Thượng có từ thế kỷ 10 - 12.

TƯỢNG TU SĨ CHĂM NẶNG 500 KG

Tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng không phải được tìm thấy trên đất Quảng Ngãi nhưng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi nhờ "cơ duyên" đặc biệt.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, năm 1994, những người buôn bán đồ cổ trái phép dùng ô tô chở tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng đi ngang qua Quảng Ngãi. Phát hiện có dấu hiệu khả nghi, lực lượng tuần tra Công an tỉnh Quảng Ngãi "ách" xe lại để kiểm tra, phát hiện tượng trên xe nên đã chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý. Công an tỉnh Quảng Ngãi nhờ TS Đoàn Ngọc Khôi giám định niên đại của pho tượng nói trên.

Pho tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi. ẢNH: PHẠM ANH

Pho tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi. ẢNH: PHẠM ANH

Lần đầu thấy pho tượng, TS Đoàn Ngọc Khôi trào lên cảm xúc đặc biệt, vì kiểu tượng này trên thế giới đến nay chỉ có hai bản, trong đó một ở Indonesia (khác về phong cách chế tác so với pho tượng này) và pho tượng vừa được Công an tỉnh Quảng Ngãi thu giữ.

Sau đó, pho tượng được đưa về Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi để bảo vệ, giữ gìn. Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, giới nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi khẳng định pho tượng tu sĩ này có nguồn gốc từ tháp Chăm Phú Hưng ở Quảng Nam, có niên đại từ thế kỷ 9 - 10. Năm 2018, tượng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Trong văn hóa Chăm, 3 vị thần tối cao được tôn thờ là Shiva, Brahma, Vishnu. Trong đó, thần Shiva được xem là thần của các vị thần. Thần thường cưỡi bò thần Nandi, hiện thân dưới nhiều hình dạng khác nhau và tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng là một hiện thân của thần Shiva.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng cao 57 cm, bề ngang 47 cm, nặng khoảng 500 kg; được tạo tác dạng tượng tròn trong tư thế tĩnh tọa trên bệ đá hình gần vuông và dựa lưng vào tấm tựa phía sau cách điệu đền tháp Champa, đầu có hào quang hình búp sen, khuôn mặt hiền từ, thanh tú. Đầu tượng đội Kirita-mukuta hình chóp nón cụt nhưng để lộ rõ phần chân tóc với vầng trán rộng, tai dài, đôi mắt lớn và đuôi mắt dài, mí lộ rõ nằm dưới hàng chân mày rậm hình vòng cung, mũi thẳng, cánh mũi nở. Miệng rộng, đôi môi dày với hàng ria mép rậm, cằm thể hiện bộ râu dài, thẳng, chóp nhọn, đặc tả từng sợi râu.

Pho tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng trưng bày hạn chế vì cơ sở chưa đảm bảo lưu giữ. ẢNH: PHẠM ANH

Pho tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng trưng bày hạn chế vì cơ sở chưa đảm bảo lưu giữ. ẢNH: PHẠM ANH

Thân tượng ở dạng khỏa thân vô tính, mặc trang phục sampot lộ rõ ba đường gấp với phần trên là thấy rõ, còn phần bên dưới thì có thân dài, thòng xuống gót chân phải và vắt qua hông phải, chân tay đầy đặn, bụng to lộ rõ lỗ rốn… Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, tượng tu sĩ Chăm Phú Hưng là một tác phẩm độc đáo đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của người Chăm. Đây là một tác phẩm điêu khắc đặc sắc, đại diện cho phong cách nghệ thuật Trà Kiệu muộn, là độc bản, trên các đền tháp Chăm ở miền Trung chưa có tiêu bản thứ hai.

DI TÍCH CỔ NGÀN NĂM

Theo Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, năm 1978, khi khai quật di tích cổ Long Thạnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) và tiếp đến là cuộc thám sát năm 1994, giới khảo cổ phát hiện 29 bình gốm đất nung trong các mộ chum tại đây. Sau đó, 18 bình gốm đẹp nhất, hoàn hảo nhất đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bình gốm hoa Long Thạnh. ẢNH: PHẠM ANH

Bình gốm hoa Long Thạnh. ẢNH: PHẠM ANH

Bộ sưu tập gồm 18 bình gốm Long Thạnh có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm, thuộc giai đoạn sơ kỳ đồng thau (giai đoạn sớm). Cư dân Sa Huỳnh ngày ấy đã chế tác những bình gốm này bằng kỹ thuật nặn tay kết hợp với dải cuộn. Chất liệu làm gốm là đất sét được lọc kỹ pha cát mịn. Các bình gốm đều có xương gốm mỏng tương đối chắc, áo gốm màu đỏ, kiểu dáng thanh thoát, hoa văn trang trí phong phú.

Đặc biệt, áo gốm được trang trí những hoa văn khắc vạch, in văn sò, dập thừng, tô ánh chì cùng hoa văn hình chữ S gợn sóng, mô tả cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh gắn liền với biển cả. Bộ bình gốm này được cho là giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ đã đạt đến đỉnh cao của cư dân Sa Huỳnh.

Năm 2010, khi dự án hồ chứa nước Nước Trong sắp hoàn thành, thung lũng Trà Veo (thuộc xã Trà Xinh, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) có nguy cơ ngập toàn bộ và vùi lấp theo nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh. Vì vậy, TS Đoàn Ngọc Khôi xin khai quật khảo cổ tại đây. Qua khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật giá trị, trong đó có mộ đất của một người có quyền lực, ngoài vũ khí dao, giáo sắt, hạt thủy tinh Indo-Pacific, đồ gốm, còn tìm thấy 1 khuyên tai vàng, 1 nhẫn vàng. Niên đại mộ được xác định ở thế kỷ 12.

Ngoài ra, qua khai quật tại thôn Lâm Thượng (xã Đức Phong, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) còn phát hiện những trang sức giống như hiện vật ở thung lũng Trà Veo, nhưng có niên đại thế kỷ 10.

Bộ trang sức Trà Veo 3 - Lâm Thượng. ẢNH: PHẠM ANH

Bộ trang sức Trà Veo 3 - Lâm Thượng. ẢNH: PHẠM ANH

Tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng bộ sưu tập trang sức chung, gọi là bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 - Lâm Thượng (được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020), gồm 15 hiện vật: khuyên tai, hoa tai và nhẫn. Bộ khuyên tai 10 chiếc có nhiều kiểu dáng, như: khuyên tai hình đĩa có các kiểu thân cong, thân dẹt và thân thẳng đứng; khuyên tai hình vành khăn có dáng cong, tròn.

Bộ hoa tai được trang trí hình hoa cúc đối đỉnh, các cánh hoa đều nhau, cân xứng hài hòa. Còn bộ nhẫn vàng 3 chiếc, trong đó có một chiếc được đính đá quý trên mặt.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, bộ trang sức này là hiện vật gốc, độc bản và đầy đủ nhất với nhiều loại hình khác nhau. Qua đó, có thể nhận định cư dân sống ở vùng đất Quảng Ngãi vào thế kỷ thứ 10 đã chế tác trang sức từ vàng tự nhiên bằng phương pháp thủ công, đạt đến đỉnh cao tuyệt mỹ.

Có thể bạn quan tâm