Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong bài viết, “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.


Đại tá, TS Nguyễn Hữu Lập - Chủ nhiệm khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Ảnh: T.Vương
Đại tá, TS Nguyễn Hữu Lập - Chủ nhiệm khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Ảnh: T.Vương



Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhìn lại quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhắc tới bài học cần phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Trao đổi với Lao Động về việc cần làm thế nào để không bị dao động trước những thông tin xấu độc, đại tá, TS Nguyễn Hữu Lập, Chủ nhiệm Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, cho hay, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là công việc rất quan trọng và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đối với việc tiếp nhận thông tin, trước hết, cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất, tư tưởng chính trị vững vàng, không bị dao động trước những thông tin thiếu căn cứ của các thế lực thù địch, những thông tin mang tính chất kích động, chia rẽ từ mạng xã hội và các trang thông tin thiếu căn cứ.

Cán bộ đảng viên phải thường xuyên học tập để nâng cao nhận thức về chủ trương đường lối của Đảng. Đồng thời, phải chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và điều lệ, quy định của Đảng. “Từ đó, cán bộ, đảng viên có được niềm tin, nắm rõ bản chất vấn đề, nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng, nắm chắc tính khoa học của vấn đề và tránh để những thông tin suy diễn. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên sẽ phát huy được vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng” - Đại tá, TS Nguyễn Hữu Lập nói.

Cũng theo ông Lập, các cơ quan chức năng cũng nên có các biện pháp kỹ thuật để sàng lọc những thông tin xấu, thông tin độc hại, thông tin thiếu chính xác xuất hiện trên môi trường mạng. Với những trường hợp người dùng cố tình chia sẻ, đưa những thông tin thất thiệt, những tin gây ảnh hưởng thì cần phải có xử lý. Đối với người dùng mạng xã hội thì trước hết cần phải có ý thức trong tiếp cận thông tin. Cần phải nhận biết được những trang thông tin chính thống. Người dùng thông minh sẽ biết được đâu là thông tin thật, thông tin giả. Từ đó có thái độ ứng xử cho phù hợp. Khi không tin, không tương tác với những thông tin xấu, thông tin độc thì những tin tức nếu có xuất hiện cũng sẽ bị trôi đi.

Xử lý nghiêm những trường hợp tung tin đồn thất thiệt

Cùng trao đổi về việc này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh phát triển của khoa học kỹ thuật, của các phương tiện truyền thông đại chúng thì thông tin ngày càng được truyền tải và chia sẻ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ở đó cũng xuất hiện một “rừng” thông tin mà tính chính xác còn khó kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin xuất hiện trên mạng xã hội, trên các trang mạng không đăng ký tại Việt Nam. Điều đó càng đòi hỏi, công tác tư tưởng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của chúng ta phải ngày càng được nâng cao. Trước hết trong cán bộ, đảng viên và người dùng mạng xã hội cần phải đủ tỉnh táo để nhận diện và phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả.

Ông Thuyết cũng cho rằng, để tin tức giả, tin tức xấu độc không có đất sống trước tin công tác thông tin chính thống cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng, minh bạch, kịp thời. Những trang báo chính thống cũng cần có những thông tin chính thức để người đọc nắm bắt được, tránh bị những thông tin xấu, thông tin độc hại dẫn dắt.

“Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải phản bác lại những thông tin sai trái, bác bỏ những tin đồn. Ngay trên môi trường mạng xã hội, nếu đưa ra được phân tích về những chi tiết sai, thông tin sai thì người đọc cũng sẽ không còn tin vào những thông tin đồn đoán, thiếu căn cứ đó nữa. Đồng thời, ông Thuyết cũng cho rằng, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, với những thông tin thất thiệt, thông tin bịa đặt gây hoang mang dư luận hoàn toàn có thể xử lý được” - ông Thuyết nói.

Ở góc độ người dùng, góc độ bạn đọc, ông Thuyết cho rằng cần phải tỉnh táo, nhận diện được đâu là tin thật, đâu là tin nhảm thiếu căn cứ. Với những thông tin đồn đoán, không rõ nguồn gốc, người dùng thông minh không nên tin vào những tin tức “siêu vỉa hè” như vậy.

 


Theo một khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng… đang trở nên đáng báo động, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế, với sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mạng xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin được chia sẻ một cách nhanh chóng, tạo nên sự cộng hưởng, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy cộng đồng hành động. Tuy nhiên, không gian mạng xã hội cũng có nhiều rủi ro do tính thiếu xác thực của thông tin. Đặc biệt, vào những dịp đặc biệt như Đại hội Đảng toàn quốc có những thế lực lợi dụng môi trường truyền thông số để tìm cách dựng chuyện, bôi nhọ cán bộ, kích động chia rẽ nội bộ… Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng thường đưa các thông tin mập mờ về đời tư lãnh đạo, đời tư các nhân sự, đưa nhiều đồn đoán về tình hình nhân sự của đất nước trước thềm đại hội Đảng. Những trang tin như “Quan làm báo” “Dân làm báo”… một thời rộ lên với những đồn đoán thất thiệt, gây nên nhiều cách suy diễn ảnh hưởng tới uy tín, mất niềm tin của nhân dân.

https://laodong.vn/the-gioi/vu-khung-bo-119-o-my-nhung-con-so-thiet-hai-choang-vang-835059.ldo



Theo VƯƠNG TRẦN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm