Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bảo vệ thường dân trong xung đột là ưu tiên quan trọng của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại sứ Đặng Đình Quý lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, các cơ sở dân sự, nhất là trường học, bệnh viện, hạ tầng thiết yếu với sự sống còn của người dân như hệ thống nước, sản xuất.

 

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)




Ngày 27/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận mở thường niên về chủ đề “Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang”.

Tham gia họp trực tuyến có Tổng thống Estonia, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5/2020; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Saint Vincent và Grenadines; các Ngoại trưởng Indonesia, Tunisia, Nam Phi; Thứ trưởng Ngoại giao Anh, Đức; cùng Đại sứ, đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong năm 2019 đã có hơn 20.000 dân thường tử vong hoặc bị thương trong 10 cuộc xung đột, trong đó 90% thương vong là do vật liệu nổ tại các khu đông dân cư.

Cũng trong năm qua, hàng nghìn trẻ em đã bị buộc phải tham gia xung đột; hàng triệu người buộc phải rời khỏi nơi cư trú và hàng trăm nghìn người mất tích. Phụ nữ và trẻ em tiếp tục là nạn nhân của bạo lực giới và tình dục.

Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh có tới 135 triệu người đối mặt với nguy cơ đói ăn nghiêm trọng; hàng trăm nhân viên nhân đạo, nhân viên y tế bị giết hại, sát thương hoặc bị bắt cóc, bạo hành.

Liên quan đến đại dịch COVID-19, Tổng thư ký Guterres cho rằng đại dịch đã gây ra gánh nặng về y tế và nhân đạo, khiến việc tiếp cận nhân đạo gặp nhiều  khó khăn hơn. Mặc dù lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo của ông được nhiều bên xung đột ủng hộ rộng rãi, song chưa được triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh đó, các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nhiều nơi đã và đang tham gia bảo vệ dân thường, hỗ trợ các chính phủ ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nhân dịp này, ông Guterre kêu gọi các quốc gia xem xét lại cách tiếp cận tác chiến trong đô thị, việc sử dụng thiết bị bay không người lái trong xung đột, các khía cạnh pháp lý và đạo lý của phát triển vũ khí robot và việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu.

Theo ông Peter Maurer, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ hoạt động của các tổ chức và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Ông lên  án các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, bao gồm cả tấn công mạng.

Bà Ellen Johnson Sirleaf, nguyên Tổng thống Liberia, thành viên Nhóm trưởng lão (một tổ chức phi chính phủ có chức năng tư vấn các vấn đề quốc tế, quản trị toàn cầu với thành viên gồm nguyên lãnh đạo các nước và các nhân vật có uy tín trong các vấn đề quốc tế), nhấn mạnh cần tập trung nỗ lực ngăn ngừa, chấm dứt xung đột. Bà kêu gọi đoàn kết khu vực và quốc tế để hỗ trợ các nước nghèo, tăng cường hợp tác quốc tế, đề cao vai trò của phụ nữ.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng thương vong của thường dân trong các cuộc xung đột vũ trang, cho rằng Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa và có những hành động thiết thực nhằm làm giảm thương vong cũng như các tác động của xung đột tới thường dân.

Các nước kêu gọi ngăn ngừa và chấm dứt xung đột, duy trì hòa bình bền vững, các bên xung đột cần tuân thủ luật quốc tế về nhân đạo, nhân quyền, cần quan tâm xử lý các thách thức đối với bảo vệ thường dân như tác chiến trong đô thị, biến đổi khí hậu, vũ khí robot.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang là một ưu tiên quan trọng của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc.

Theo Đại sứ, giải pháp hữu hiệu và lâu dài nhất là ngăn ngừa và chấm dứt xung đột, duy trì nền hòa bình bền vững. Khi xung đột nổ ra, quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong bảo vệ thường dân và cần được chú trọng tăng cường năng lực hoàn thành trách nhiệm này. Các tổ chức quốc tế, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có thể hỗ trợ các quốc gia khi xảy ra xung đột nhưng họ cần được cung cấp đầy đủ nguồn lực.

Đại sứ Đặng Đình Quý lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, các cơ sở dân sự, nhất là trường học, bệnh viện, hạ tầng thiết yếu với sự sống còn của người dân như hệ thống nước, sản xuất lương thực.

Đại sứ tái khẳng định ủng hộ Lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo của Tổng thư ký Liên hợp quốc trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo Hải Vân-Vũ Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm