Phóng sự - Ký sự

Bát nháo nghệ sĩ quảng cáo: Khi nghệ sĩ trở thành nạn nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có lẽ vì hình ảnh nghệ sĩ dễ 'ăn khách' và việc các nghệ sĩ quảng cáo cũng quá phổ biến, nên nhiều đơn vị kinh doanh đã 'ăn cắp' hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo bán hàng 'thượng vàng hạ cám'.
 
Hình ảnh diễn viên Công Lý trong phim bị ngang nhiên sử dụng để quảng cáo bán dao. ẢNH: TL
Đầu năm nay, hình ảnh của một NSƯT nổi tiếng bỗng đâu được ghép với hình ảnh của những bộ trang sức được quảng cáo là “đá pha lê mặt trăng”, kèm lời rao hấp dẫn: “H.L tri ân người hâm mộ đã ủng hộ trong nhiều năm qua. Chỉ 30 chị may mắn dùng thử bộ dây chuyên đá pha lê cao cấp với giá ưu đãi 299k VNĐ, giá bán dự kiến 2.999.000 VNĐ”.
Sau đó, nghệ sĩ này phải thốt lên: “Tại sao bán pha lê mà tâm các anh chị đục như “nước cống” vậy?” và lên tiếng cảnh báo khán giả cẩn thận trước việc mà nghệ sĩ này cho rằng “lừa đảo bán hàng”.
 
Nghệ sĩ H.L bị mạo danh quảng cáo, bán hàng trực tuyến. ẢNH: TL
Cuối năm ngoái, nữ diễn viên B.T trở thành một trong những nạn nhân bị một nhãn hàng sử dụng trái phép hình ảnh. Cô khẳng định: “T. chưa bao giờ và cũng không bao giờ có ý định quảng cáo cho những nhãn hàng và sản phẩm kiểu này”.
Trước đây, vào thời điểm bộ phim Những cô gái trong thành phố vừa được phát sóng, hình ảnh Lâm “đồ tể” (NSND Công Lý thủ vai) cầm con dao đã được một nơi bán dao lấy sử dụng ngang nhiên. Không những thế, hình ảnh nam diễn viên còn từng bị “lôi” ra quảng cáo thuốc trị hói đầu trong khi anh không... bị hói.
NSƯT Thanh Loan, người thủ vai Ni cô Huyền Trang trong bộ phim Biệt động Sài Gòn, từng có thời gian bị một doanh nghiệp tự tiện lấy hình ảnh quảng cáo thuốc trị hói. “Việc đó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà cả uy tín, danh dự của người nghệ sĩ”, bà bày tỏ.
 
Diễn viên Thanh Loan từng bị một doanh nghiệp tự tiện lấy hình ảnh quảng cáo thuốc trị hói. ẢNH: TL
Cần phối hợp giữa các bộ, ngành
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho hay: “Lĩnh vực quảng cáo được giao cho ngành văn hóa quản lý. Những vi phạm của văn hóa đều có thể báo tới thanh tra các sở VH-TT để được thụ lý, giải quyết”.
Cụ thể, nghệ sĩ hay người nổi tiếng bị mạo danh, bị lấy cắp hình ảnh để quảng cáo có thể báo cáo vụ việc tới thanh tra sở VH-TT (hoặc sở VH-TT-DL) địa phương. Trong trường hợp, vi phạm xảy ra trên không gian mạng có thể báo cáo tới Sở TT-TT địa phương. Việc nghệ sĩ hay người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, người bị ảnh hưởng cũng có thể gửi báo cáo, khiếu nại lên thanh tra sở VH-TT (sở VH-TT-DL) địa phương. Ông Thái cho hay, khi có báo cáo, khiếu nại, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc.
Tiếp tay cho quảng cáo “láo”, chủ kênh YouTube, Facebook có thể đi tù
Theo luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn luật sư TP.HCM, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thuê nghệ sĩ để quay clip quảng cáo thực phẩm chức năng lừa dối người tiêu dùng và công chúng thì đơn vị đó có thể chịu mức xử phạt từ 100 - 140 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật (điểm a khoản 5 điều 51 và khoản 2 điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP), đồng thời phải cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đó. Thậm chí, doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “quảng cáo gian dối” được quy định tại điều 197 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, có thể bị phạt cao nhất đến 5 năm tù giam hoặc phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội.
Liệu chủ kênh YouTube, trang Facebook có phải chịu trách nhiệm khi đăng phát những clip quảng cáo nói về một sản phẩm, dịch vụ chưa được nhà nước cho phép lưu hành? Luật sư Thêm cho hay, trong trường hợp này, họ có thể chịu mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng khi lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin giả mạo, sai sự thật. Nếu chủ kênh YouTube, Facebook chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật đến người tiêu dùng thì mức phạt sẽ nặng hơn, từ 50 - 70 triệu đồng theo điểm a khoản 3 điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, nếu chủ kênh YouTube, Facebook đồng thời là người sản xuất, bán hàng, thì có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu nếu thuốc, thực phẩm chức năng nhập khẩu trái phép. Nếu sản phẩm chưa được lưu hành sau đó kiểm nghiệm là hàng giả, họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh.
Sỹ Đông
Về việc những nghệ sĩ, người nổi tiếng hiện nay tham gia quảng cáo không đúng sự thật, ông Phạm Cao Thái nói, về mặt nguyên tắc, nghệ sĩ hay người nổi tiếng đều phải tuân thủ pháp luật, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý.
Một cán bộ Bộ TT-TT cho biết, theo quy định hiện hành, với các quảng cáo sai sự thật về thuốc, thực phẩm chức năng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có chức năng xác định nội dung sản phẩm đúng hay sai. Nếu xác định sai hoàn toàn, có thể xử phạt theo các quy định hiện hành. Ngoài ra, việc sai phạm về nội dung sản phẩm do Bộ VH-TT-DL xử phạt theo luật Quảng cáo với các sản phẩm, đối tượng quảng cáo, doanh nghiệp quảng cáo. “Bộ VH-TT-DL là cơ quan nhà nước có thẩm quyền lớn nhất xử phạt các sự việc tương tự, theo quy định trong luật Quảng cáo. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, bởi quảng cáo trên Facebook, YouTube và các nền tảng mạng xã hội khó quản lý, do các đối tượng lợi dụng tính năng mở của các nền tảng này. Thực tế, hiện nay các quảng cáo sai sự thật rất phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội này, nhưng xử phạt còn hạn chế”, vị cán bộ này cho biết.
(còn tiếp)
Theo Ngọc Anh-Mai Hà (TNO)

Có thể bạn quan tâm