Phóng sự - Ký sự

Bên 9 miệng Rồng - Kỳ 3: Đổi khác Ba Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mở chiếc điện thoại, anh Trần Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị (Bình Đại, Bến Tre) vào ngay phần camera giám sát cống ngăn mặn Ba Lai. 'Việc vận hành, quản lý cống Ba Lai rất chặt chẽ, vì là công trình rất quan trọng đối với đời sống xã hội của cả khu vực', anh Minh nói, đồng thời bảo, từ khi cống đi vào hoạt động hơn 20 năm trước, đời sống người dân đã thay đổi nhiều.

Ngăn mặn, trữ ngọt

Giữa tháng 5, những cánh cửa sắt cống ngăn mặn Ba Lai cắm sâu xuống lòng sông Ba Lai, ngăn hai nửa mặn, ngọt. Phía xa xa, vài con thuyền nhỏ giăng câu mạn cửa sông giáp biển. Phía trong cống, nơi hướng vào đất liền, vài con tàu lớn nằm im ắng nghỉ ngơi. Mấy công nhân đang hàn xì, sửa chữa vài chi tiết nhỏ trên thân cống.

Ông Nguyễn Văn Thừa mưu sinh trên dòng Ba Lai. Ảnh: Hòa Hội

Ông Nguyễn Văn Thừa mưu sinh trên dòng Ba Lai. Ảnh: Hòa Hội

Anh Trần Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị (Bình Đại) chia sẻ, việc đóng mở cống ngăn mặn Ba Lai không phải chuyện đơn giản. “Mở hay đóng cống sẽ liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất, đời sống của cả một vùng”, anh Minh nói, đồng thời cho biết, thời gian này, trong giai đoạn đang có xâm nhập mặn, việc giám sát đóng, mở cống, hay những yếu tố ảnh hưởng đến an toàn cống đập Ba Lai đều rất được chú ý thông qua kiểm tra thực địa cũng như giám sát qua hệ thống trực tuyến.

Tính đến nay, cống đập Ba Lai đã hơn 20 tuổi, vẫn bền bỉ hoạt động, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cả vùng rộng lớn của tỉnh Bến Tre. Năm 2002, với 70 tỷ đồng - số tiền khổng lồ thời điểm đó, trên đập Ba Lai dài gần nửa cây số, một cống gồm 10 cửa, khẩu độ 84 mét hoàn thành, vận hành bằng van tự động hai chiều, làm nhiệm vụ đảm bảo cung ứng nước ngọt cho hơn 115 nghìn ha đất canh tác của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành và ngay cả thành phố Bến Tre. Một nhiệm vụ còn quan trọng hơn, việc ngọt hóa dòng Ba Lai còn cung cấp nước ngọt cho người dân các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre, đồng thời kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ và cải tạo môi trường sinh thái cả vùng.

Công trình cống đập ngăn mặn Ba Lai

Công trình cống đập ngăn mặn Ba Lai

“Cuộc sống thay đổi nhiều”, ông Lê Văn Bạc, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị (Bình Đại, Bến Tre) nói trong lúc pha ấm trà, lấy kẹo dừa - sản vật đặc trưng của Bến Tre mời phóng viên Tiền Phong. Nhà ở cách cống Ba Lai một đoạn ngắn, bản thân ông Bạc hiểu rõ nhất những thay đổi khi cống đập Ba Lai đi vào hoạt động. “Bên nước ngọt thì trồng cây ăn quả dễ hơn, canh tác thuận tiện hơn, không còn lo xâm nhập mặn như ngày xưa. Cây trái cũng dễ sống, đa dạng hơn”, ông Bạc nói. Còn bên ngoài cống đập Ba Lai, nước mặn vẫn còn, những người dân thuộc vùng này vẫn tiếp tục canh tác, nuôi trồng thủy, hải sản, hoặc tiếp tục đánh bắt thủy, hải sản ngoài cửa biển, hoặc vươn khơi xa, đánh bắt lớn… “Hồi đó, công trường có đến hàng trăm, hàng nghìn người, chủ yếu là người ngoài Bắc vào, làm việc không kể ngày đêm. Nhiều lúc, đêm hôm mà cả khu vực sáng trưng như ban ngày. Nhiều hàng quán cũng mọc lên. Một số công nhân sau đó còn ở lại, lập gia đình, sinh sống tại địa phương”, ông Bạc nói. Thời điểm đó, ông Bạc bảo, chính quyền cũng họp dân, vận động sự đồng thuận. Dân nghe có nước ngọt, cuộc sống thay đổi theo hướng tốt lên, đều đồng thuận cả.

Băn khoăn “số phận con rồng”

Anh Trần Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị (Bình Đại) theo dõi camera giám sát cống ngăn mặn Ba Lai. Ảnh: Hòa Hội

Anh Trần Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị (Bình Đại) theo dõi camera giám sát cống ngăn mặn Ba Lai. Ảnh: Hòa Hội

Ba Lai là một trong 9 nhánh sông Cửu Long trên đất liền Việt Nam. Sông nằm trọn trong địa phận tỉnh Bến Tre, dài 55 km, chảy từ ranh giới các xã Tân Phú và Phú Đức, huyện Châu Thành ra đến Biển Đông tại cửa Ba Lai (Bình Đại). Ông Bạc kể, trước khi có cống Ba Lai, vùng này 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt. Người dân trong vùng chủ yếu sản xuất nông nghiệp với cây lúa, cây dừa nhưng sản lượng bình quân đầu người thấp vì xâm nhập mặn. Nguồn nước ngọt dùng sinh hoạt lại khan hiếm trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Hàng năm, người dân phải đổi lấy nước ngọt từ thượng nguồn sông Ba Lai chở về và từ nơi khác, thậm chí từ tỉnh lân cận. Người dân cũng tích trữ nước mưa, nhưng ngặt nỗi, lúc hết mà trời chưa mưa thì lại phải… đi xin.

“Lúc đó cuộc sống khó khăn. Mỗi năm 1 vụ lúa, làm lúa xong tháng 11 âm lịch là mặn tràn vào luôn đến tháng 5 âm lịch năm sau”, ông Bạc nói. Còn giờ, có cống Ba Lai, bên trong đập đã xây dựng nhiều nhà máy nước sạch phục vụ nước máy đến tận nhà. Phó Chủ tịch xã Trần Anh Minh bảo, trên địa bàn xã Thạnh Trị có 2 nhà máy nước là Trung Thành và N.I.D cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, trên sông Ba Lai còn có nhiều nhà máy nước như nhà máy nước Thới Lai, nhà máy Long Định, nhà máy nước Tân Mỹ, nhà máy nước Ba Lai phục vụ sinh hoạt và nước nuôi trồng thủy sản cho người dân các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm...

Nhưng cống đập Ba Lai cũng mang tới những nỗi niềm với không ít người dân. Chiều giữa tháng 5/2023, ánh nắng gay gắt vừa hạ nhiệt là lúc ông Nguyễn Văn Thừa (Năm Thừa, 67 tuổi) cùng con trai 10 tuổi vừa kết thúc buổi giăng lưới trên sông, vội chạy về bến tại cống đập Ba Lai bán cho thương lái. “Hôm nay trúng mánh, cha con tôi đi từ sáng sớm đến chiều được 30 kg cá mề gà, bán được trên 600.000 đồng”, ông Năm Thừa tươi cười nói. Hai cha con ông ăn, ngủ, mưu sinh bằng nghề câu lưới trên chiếc ghe khoảng hơn 1 tấn ở sông Ba Lai.

Ông Năm Thừa quê xã Thới Lai (huyện Bình Đại) sống với nghề câu lưới mấy chục năm. Ông nắm quy luật thời tiết, cũng như vào mùa nào sẽ có cá thích hợp để sử dụng ngư cụ đánh bắt. Có khi ông đánh bắt bên ngoài cống, khi cống mở cửa thì vào bên trong cống giăng câu lưới, nhưng cá giảm rất nhiều so với vài năm trước. Ông Năm Thừa kể, thời điểm cá nhiều vào những năm 1980 - 2000, chưa xây cống đập cá nhiều vô số kể, không chỉ dân vùng này mà ghe từ nhiều nơi khác cũng kéo đến giăng câu lưới trên con sông này. Tuy nhiên, giờ khai thác ngày càng nhiều, chưa kể đánh bắt bằng điện khiến nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng cạn kiệt.

Ba Lai là một trong 9 nhánh sông Cửu Long trên đất liền Việt Nam. Sông chảy trọn trong địa phận tỉnh Bến Tre, dài 55 km, chảy từ ranh giới các xã Tân Phú và Phú Đức, huyện Châu Thành ra đến Biển Đông tại cửa Ba Lai (Bình Đại).

Từ khu cống đập Ba Lai, dọc theo đường ven sông, phóng viên Tiền Phong tìm về khu vực nơi sông Ba Lai đổ ra biển trên địa bàn xã Thới Thuận. Qua 1/4 thế kỷ, dưới tác động của cống đập Ba Lai, dòng chảy sông ngày càng nhỏ. Quan sát trên bản đồ Google Map có thể thấy một màu xanh bạt ngàn của những rừng bần, rừng đước bao quanh khu vực sát cửa sông. Nhiều cánh quạt điện gió cũng bắt đầu mọc dày đặc nơi cửa biển, xen lẫn với những trụ sở công ty, xưởng sản xuất... Ven một con kênh nhỏ dẫn ra cửa sông Ba Lai, đình thần Thới Thuận - nơi thờ cá Ông đang được người dân nâng cấp, sửa chữa. Họ bảo, từ khi cống đập Ba Lai được xây dựng, mép nước cứ lùi xa, lùi xa dần… Cá tôm trên sông cũng ngày một ít đi. Người dân dần chuyển sang làm phụ hồ, công nhân, ít người còn bám biển. Họ lo ngại một ngày, khu vực cửa Ba Lai sẽ mất…

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm