Phóng sự - Ký sự

Bên 9 miệng Rồng - Kỳ 8: Đâu rồi Ba Thắc!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Cửa Ba Thắc ngày xưa rộng lắm, tàu ghe qua lại tấp nập. Sau này, tự nhiên nổi lên bãi bồi, rồi lớn dần thành cái cồn án ngữ. Cửa biển ngày xưa giờ biến thành cửa sông nằm sâu trong cù lao vẫn đang bị bồi lấp dần', ông Lâm Văn Định, cư dân vùng cửa Ba Thắc (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) nói.

Những dấu tích xưa

Chúng tôi đến Cù Lao Dung những ngày cuối tháng 5. Con đường đê ven biển ở xã An Thạnh Nam, nơi cuối cù lao dẫn vào xóm Đáy đầy sình lầy, trơn trượt sau cơn mưa. Xóm Đáy như một hoài niệm còn sót lại của Nông trường 30 tháng 4 ngày nào gắn với tên tuổi Anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng. Từ một vùng đất bãi bồi hoang sơ, nhiều người từ các nơi đến đây khai khẩn đã hình thành một nông trường ăn nên làm ra (Nông trường 30 tháng 4 thành lập năm 1982). Tuy nhiên, thời gian trôi đi, hoàn cảnh đổi thay, năm 2007, nông trường giải thể, nhiều người bỏ đi nơi khác sinh sống, cái tên Nông trường 30 tháng 4 ngày nào cũng chìm dần vào dĩ vãng.

Đi vòng quanh đảo khỉ, khám phá cửa Ba Thắc. Ảnh: Cảnh Kỳ

Đi vòng quanh đảo khỉ, khám phá cửa Ba Thắc. Ảnh: Cảnh Kỳ

Anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng (1925-2000) sinh ra tại Cần Thơ, tham gia cách mạng từ những năm 1944, được kết nạp Đảng năm 1945. Đến năm 1975, ông mang quân hàm thiếu tá, giữ chức Chính ủy Trường Quân chính Quân khu 9. Một năm sau ông chuyển ngành về làm Phó Ty Nông nghiệp Hậu Giang. Tháng 4/1979, ông tình nguyện xây dựng và làm giám đốc Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) kiêm giám đốc Nông trường 30 tháng 4 (Sóc Trăng). Nông trường Sông Hậu do ông xây dựng từ vùng đất hoang hóa đã trở thành đơn vị hai lần đạt danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985 và 1999)…

Xóm Đáy nay chỉ còn khoảng chục căn nhà lá đơn sơ, nằm ẩn mình ngoài con đê, lấp ló giữa rừng phòng hộ ven biển. Vùng đất Nông trường 30 tháng 4 ngày ấy nay thuộc xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cù Lao Dung nằm giữa sông Hậu kéo dài ra tận biển, tạo nên cửa Định An phía Trà Vinh và cửa Trần Đề bên tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt hơn, trên cù lao này, ngày xưa có sông Ba Thắc rộng lớn đổ ra biển với tên gọi cửa Ba Thắc, 1 trong 9 cửa của dòng Cửu Long. Mảnh đất cuối cù lao ngày nay chính là bãi bồi mọc lên, lấp kín dần cửa Ba Thắc.

Sau một vài câu chuyện, biết chúng tôi muốn mục sở thị cửa Ba Thắc đang bị quên dần, Phó Chủ tịch HĐND xã An Thạnh Nam Lư Vĩnh Phúc dẫn chúng tôi lên tàu tại bờ kênh cách trụ sở xã không xa. Tài công Lâm Văn Định nổ máy chở ba chúng tôi hướng ra cửa biển, rồi vòng ngược luồng sông Hậu để “đi tìm” cửa Ba Thắc. Vừa ra tới sông lớn, mây đen phủ kín rồi cơn mưa mịt mùng ập đến. Với 40 năm trong nghề, từ chạy đò dọc, lái sà lan, tàu biển, tài công Lâm Văn Định mặc áo mưa ngồi điềm tĩnh cho tàu rẽ sóng băng băng tiến về phía trước mặc cho mưa ngày càng nặng hạt. “Mưa không lâu đâu, tới đó là tạnh thôi”, ông tỉnh bơ.

Cửa Ba Thắc ngày nay được nhắc đến là hai cửa Vàm Hồ lớn và Vàm Hồ nhỏ. Ảnh: Cảnh Kỳ

Cửa Ba Thắc ngày nay được nhắc đến là hai cửa Vàm Hồ lớn và Vàm Hồ nhỏ. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tàu chạy được khoảng 30 phút, mưa ngớt, cũng là lúc chúng tôi đến được nơi cần đến. Từ hướng biển nhìn vào, một “hòn đảo” nằm án ngữ trước sông Cồn Tròn (sông Ba Thắc), tạo ra hai cửa Vàm Hồ lớn và Vàm Hồ nhỏ. “Trước đây, cửa Ba Thắc này sâu, rộng lắm, tàu bè qua lại nhộn nhịp. Nhiều năm chạy đò dọc theo tuyến sông này, ngày 2 buổi đưa rước khách từ xã An Thạnh Ba đi huyện Long Phú (Sóc Trăng) nên tôi đâu lạ gì nơi đây” - tài công Định chia sẻ. Thời hoàng kim, mỗi chuyến đò ông chở đầy ắp người cùng hàng hóa, thu nhập sống khỏe.

Tàu rẽ vào cửa sông, ông Định kể, khoảng năm 1975, nơi đây bắt đầu thấy nổi lên ụ cát, rồi từ từ rộng ra thành cái cồn như ngày nay. “Gia đình tôi về đây sinh sống hơn 30 năm. Thời đó, đây là bãi cát nhưng nay đã là hòn đảo phủ kín rừng bần với diện tích gần 30ha và đang tiếp tục nở dần qua phía cồn Tròn thuộc xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung). Cửa này giờ chỉ có tàu bè nhỏ qua lại, còn tàu lớn vào được khi thủy triều dâng cao”, Phó Chủ tịch HĐND xã Lư Vĩnh Phúc tiếp lời.

Phát triển du lịch xanh

Tàu đưa chúng tôi vào Vàm Hồ nhỏ rồi vòng qua Vàm Hồ lớn, đi đủ một vòng quanh hòn đảo rồi trở ra luồng lớn phía biển. Với tên gọi đảo khỉ (do có nhiều khỉ sinh sống), hòn đảo này được bảo vệ với tư cách là rừng nguyên sinh, con người không can thiệp. Sông Ba Thắc, tức sông Cồn Tròn cũng hẹp dần do quá trình bồi lắng. Thời còn là nông trường, cư dân các nơi đến nên cũng ít ai am hiểu về tên gọi cửa Ba Thắc này, khi cửa bị bồi lấp dần thì càng ít người biết đến. Thế nên, có câu 9 cửa sông (Cửu Long) giờ còn 8 cửa. Tên Ba Thắc được định nghĩa nhiều nhất đến nay là tên gọi của người Khmer, là Basac.

Nằm giữa sông Hậu và kéo dài ra tới biển, “huyện đảo” Cù Lao Dung tiếp giáp với 3 cửa (Định An, Ba Thắc, Trần Đề) trong 9 cửa dòng Cửu Long. Xã An Thạnh Nam là doi đất chót cù lao tiếp giáp biển. “Lâu rồi, cửa Ba Thắc không còn hiện hữu, cũng không còn được mấy người nhớ đến. Phần lớn diện tích xã An Thạnh Nam ngày nay nằm giữa miệng sông Ba Thắc ngày trước”, ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung nói, đồng thời cho rằng, chính việc bồi lấp, hình thành nên đảo khỉ và rừng nguyên sinh nơi cuối cù lao mở ra hướng phát triển mới cho địa phương về du lịch bên cạnh hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ bấy lâu. Huyện Cù Lao Dung đang kêu gọi đầu tư, hình thành khu du lịch sinh thái nơi cửa sông Ba Thắc này.

Ông Đương bảo, phía ngoài rừng phòng hộ của xã An Thạnh Nam là một bãi nghêu mang lại giá trị kinh tế cao. Gần đây, chưa rõ nguyên nhân, sản lượng nghêu giống đã giảm đáng kể. Huyện đã kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ có đề tài nghiên cứu về loại nghêu giống này để có giải pháp duy trì, bảo tồn và phát triển. Đồng thời, xã đã hình thành được Hợp tác xã nghêu, đề xuất UBND tỉnh cho thuê mặt nước trên diện tích bãi bồi cát 830ha để làm bãi nghêu giống. Riêng cư dân khu vực cửa Ba Thắc, theo ông Đương, do định hướng sản xuất làm nông nghiệp, chủ yếu khai thác ven bờ, việc cửa Ba Thắc bị bồi lấp dần theo tự nhiên cũng không ảnh hưởng đến tư duy, định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Lê Minh Đương (phải) chia sẻ với PV Tiền Phong về ký ức Ba Thắc trên bản đồ internet. Ảnh: Cảnh Kỳ

Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Lê Minh Đương (phải) chia sẻ với PV Tiền Phong về ký ức Ba Thắc trên bản đồ internet. Ảnh: Cảnh Kỳ

Hơn nữa, Cù Lao Dung có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế biển, giao thương với các tỉnh vùng ĐBSCL qua 2 cửa biển Định An và Trần Đề. Huyện còn ở vị thế “đắc địa” - là điểm kết nối giữa tỉnh Sóc Trăng với Trà Vinh đi TPHCM. Mai này, dự án cầu Đại Ngãi qua sông Hậu, nối Cù Lao Dung với đất liền tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh được triển khai sẽ giúp tháo gỡ nút thắt về chia cách, tạo điều kiện thuận lợi phát triển, tạo đột phá cho địa phương.

(Còn nữa)

Sông Ba Thắc (xưa là sông An Thạnh Nhì) vốn rất rộng lớn, xẻ đôi cù lao rồi đổ thẳng ra biển gọi là cửa Ba Thắc. Lần theo dấu vết thực địa và những thông tin có được từ chính quyền, cư dân nơi đây, chúng tôi cũng may mắn tìm ra được một số bản đồ xưa từ Thư viện Quốc gia Pháp online về mảnh đất cù lao cuối nguồn sông Hậu. Từ bản đồ, sông An Thạnh Nhì, cửa Ba Thắc hiện ra. Và rồi, theo dòng thời gian, Cù Lao Dung như một dải phù sa được bồi đắp từ sông mẹ bao đời, tạo nên một hòn đảo xanh cứ lớn dần vươn ra biển.

Có thể bạn quan tâm