Phóng sự - Ký sự

Bên 9 miệng Rồng - Kỳ 6: Nội lực Cung Hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở cuối cù lao, nơi sông Cổ Chiên hòa vào biển Đông với tên gọi cửa Cung Hầu, người dân xã Long Hòa thích nghi và xem nước mặn là tài nguyên. Với những vụ tôm - lúa hữu cơ luân phiên qua mỗi mùa mặn - ngọt, thu nhập của bà con nơi đây tăng lên nhiều so với trước, đời sống được cải thiện đáng kể.

Cù lao tôm - lúa

Long Hòa là một trong hai xã cù lao nằm giữa sông Cổ Chiên - một nhánh lớn của sông Tiền, khởi đầu từ Vĩnh Long và đổ ra biển ở cửa Cung Hầu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Dòng Cổ Chiên cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Trước đây, trên cù lao chỉ có xã Long Hòa, đến năm 1985 chia làm hai xã Long Hòa và Hòa Minh. Xã Long Hòa nằm ở nửa cuối cù lao, với hai mặt giáp sông và một mặt giáp biển. Từ thành phố Trà Vinh, theo quốc lộ 53 đến huyện Châu Thành, được sự tận tình chỉ dẫn của lãnh đạo huyện, chúng tôi đến phà Bãi Vàng (còn có tên Bảy Vàng) vượt sông Cổ Chiên để đến Long Hòa.

Diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần một nửa diện tích tự nhiên của xã Long Hòa. Ảnh: Cảnh Kỳ
Diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần một nửa diện tích tự nhiên của xã Long Hòa. Ảnh: Cảnh Kỳ

Ven những con đường rải nhựa, đường bê tông theo những vuông tôm, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Long Hòa. Gặp phóng viên giữa buổi chiều nắng gắt, sau cái bắt tay ân cần và thân thiện, Chủ tịch UBND xã Long Hòa Nguyễn Thanh Cần gọi ngay 3 ly nước mía. Từng kinh qua vị trí cán bộ Đoàn, rồi chuyển sang làm công tác Đảng, chính quyền, Chủ tịch Cần vẫn mang trong mình nét “thanh niên”. “Chiều nay có trận bóng, nhưng mấy khi các em qua đây, để anh dẫn đi một vòng thăm cửa sông nhé”, anh Cần nói. Mấy năm nay, Long Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, đường sá đi lại cũng thuận tiện. Trên địa bàn xã, vài sân bóng cỏ nhân tạo còn mới. Cứ mỗi buổi chiều, sân lại rộn tiếng nói cười, món ăn tinh thần “xa xỉ” trước đây giờ thành phong trào.

Chủ tịch UBND xã Long Hòa Nguyễn Thanh Cần cùng PV Tiền Phong khảo sát khu vực bãi nghêu khu vực cửa Cung Hầu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Chủ tịch UBND xã Long Hòa Nguyễn Thanh Cần cùng PV Tiền Phong khảo sát khu vực bãi nghêu khu vực cửa Cung Hầu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Bàn giao công việc cho cán bộ xã, anh Cần dẫn chúng tôi tham quan một vòng đê bao và rừng phòng hộ quanh xã rồi ra cửa Cung Hầu. Lên một chiếc tàu của hợp tác xã, phóng viên Tiền Phong được anh Cần giới thiệu rừng bần ven cửa Cung Hầu. Phía xa xa, một vài cánh quạt điện gió bên tỉnh Bến Tre thấp thoáng. “Mấy rặng bần nhỏ kia là đợt trước xã vừa trồng. Tranh thủ nước cạn, anh em trồng thêm để chống sạt lở”, anh Cần nói. Nhìn vào màu nước, ngư dân đi chung trên tàu bảo, đang vào đợt xâm nhập mặn, nước xanh chảy ngược vào sông. Nhờ những dòng nước này, người dân xã Long Hòa bao đời nay làm ăn khấm khá. Nhiều hộ ăn nên làm ra đã mua xe hơi. Do đi lại qua phà không tiện, họ mua luôn đất dựng gara để xe bên đất liền, qua phà là lên xe phóng đi.

Với diện tích hơn 5.200 ha, xã Long Hòa có khoảng gần 11.000 người. Bà con nơi đây chủ yếu nuôi trồng thủy sản như tôm sú, tôm thẻ, cua và trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh. Chủ tịch xã Nguyễn Thanh Cần cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt gần 2.300 ha, chiếm gần một nửa diện tích tự nhiên của xã. Thu nhập của người dân từ nuôi trồng thủy sản bình quân 150-400 triệu đồng/ha/năm. Diện tích trồng lúa những năm gần đây giảm dần và chuyển sang trồng lúa hữu cơ, chất lượng cao, xuất khẩu đi thị trường châu Âu. “Trồng lúa hữu cơ chỉ một vụ trong năm, có xen nuôi tôm càng, còn nuôi tôm sú, tôm thẻ thì quanh năm, có thâm canh, có quảng canh. Xã cũng đang lo việc phát triển nóng nuôi thâm canh sẽ thiếu bền vững, rủi ro đầu ra và cả vấn đề môi trường. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không phát triển ồ ạt, đồng thời quy hoạch lại diện tích theo từng loại cho phù hợp và bền vững”, anh Cần nói.

Chờ đột phá

Người dân xã Long Hòa thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Cảnh Kỳ

Người dân xã Long Hòa thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo chân anh Cần, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Danh (70 tuổi), nguyên Chủ tịch xã Long Hòa những năm 1980. Sau khi bị thương mất một bàn tay trong thời kỳ hoạt động kháng chiến chống Mỹ, ông Danh về làm công tác chính quyền. Với uy tín của mình, ông là một trong những cán bộ đi đầu trong huy động sức người, sức của tham gia xây dựng cơ sở vật chất, đường sá đi lại ở cù lao từ lúc còn khó khăn trăm bề. Ông Danh kể, lúc đó, vật liệu xây dựng trên cù lao rất đắt đỏ. Để có cầu, đường cho bà con đi lại, ông đi vận động các hộ dân hiến đất cát chở đến đắp nền đường, thu gom cây trên cù lao làm cầu. Bản thân ông cũng xắn tay cùng bà con bắc những cây cầu khỉ, cầu ván…

Hoàng hôn đổ bóng, mặt trời gần khuất, anh Cần lấy 3 bộ áo phao, nổ máy chiếc xuồng nhỏ đưa phóng viên vượt một nhánh của sông Cổ Chiên sang cồn Phụng. Cồn Phụng nhỏ, giống như một “chiếc lá” nằm giữa sông. Nơi đây là một ấp thuộc xã Long Hòa, có chưa đến trăm nóc nhà. Sau khoảng 15 phút dập dềnh trên sông, chúng tôi cập bến căn nhà lá nơi trông giữ vuông tôm của gia đình anh Cần. “Bên này cũng có điện lưới rồi, đi ngầm dưới sông đó”, anh Cần giới thiệu. Vài chiếc lu lớn trữ nước ngọt đặt ở khoảnh sân nhỏ để nấu nướng và tắm rửa. Có “khách quý”, anh Cần kiếm một con cá ngát, xách theo nồi niêu, xoong chảo, đích thân trổ tài nấu nướng.

Cũng như ở cù lao lớn Long Hòa, cồn Phụng là nơi bà con mưu sinh với những vuông tôm. Một số ít luân phiên, mùa mặn thả tôm, nước ngọt thì trồng lúa. Tất nhiên ngọt ở vùng cửa sông không phải ngọt hẳn, giống lúa ở đây phải chịu được độ mặn nhất định. “Bà con ở cồn ngày nay làm ăn, sản xuất ổn định và thu nhập khá hơn trước nhiều. Nói giàu thì không dám nhưng không lo nghèo đói nữa, chỉ cần bỏ sức chịu làm là sống khỏe”, ông Lê Văn Tư, sống cạnh vuông tôm nhà anh Cần chia sẻ.

Theo Chủ tịch xã và người dân nơi đây, cái khó nhất, cản trở nhất hiện nay đối với bà con là chưa có cây cầu nào nối nhịp với đất liền. Kinh tế phát triển, đời sống nâng lên nhưng giao thông vẫn còn cách trở vì phải “lụy phà”. Chưa có cầu, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh vẫn ở mức cao, đẩy giá thành sản xuất lên và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm xứ cồn. Công trình xây dựng, giá vật tư phải cộng thêm giá vận chuyển qua phà, làm tăng chi phí.

Trong bữa cơm tối bên vuông tôm, những câu chuyện cứ nối dài. Dưới ánh sáng trăng rằm, thấp thoáng vài người dân soi đèn đi bắt ba khía. Tiếng ca vọng cổ của anh Cần và nhóm bạn loang theo tiếng gió, lẫn vào tiếng sóng dập dìu trên dòng Cổ Chiên yên bình trong đêm vắng…

Cung Hầu là một trong những cửa biển lớn quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh Trà Vinh nói riêng. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà văn Sơn Nam từng viết, dưới thời nhà Nguyễn, cửa này có tên là Cồn Ngao, sau này do Pháp viết trật thành cửa Cung Hầu. Trên thực địa hiện nay có một cồn nhỏ nằm lệch theo hướng Đông Nam của cửa Cung Hầu, có tên là cồn Nghêu (ngao), người dân thường gọi là Cồn Bần, mấy chục năm trước chỉ có vài cây nhưng nay đã thành rừng.

Có thể bạn quan tâm