Bên dòng Trà Khúc…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu Huế nổi tiếng với chùa Thiên Mụ nằm nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng, Đà Nẵng với chùa Linh Ứng tựa núi vững chãi hướng mặt về phía cánh biển bao la thì ở Quảng Ngãi, bên dòng Trà Khúc cuồn cuộn chắc chắn người đời sẽ nhớ đến một ngôi chùa yên tịnh ngự trên đỉnh Thiên Ấn đã hơn 300 năm qua.



Đỉnh núi Thiên Ấn không quá cao nhưng đủ để tách biệt với không gian ngôi chùa với thế giới bên ngoài, nơi đô thị Quảng Ngãi đang mọc lên những tòa chung cư cao nghều. Nơi đây, ngoại trừ ngôi chùa cùng tên với ngọn núi, những ngôi mộ lâu đời của các danh sĩ và tu sĩ thì hình ảnh hút mắt nhất chính là những hàng cây cổ thụ đang dang rộng những cánh tay khổng lồ che chở cho các tầng cây bé hơn. Thỉnh thoảng, chúng thanh thoát phả ra một làn khí tươi mát tràn ngập cả mặt núi. Khác hẳn hoàn toàn cái nóng rát bên dưới mặt đường kia.

Về Quảng Ngãi vãn cảnh chùa Thiên Ấn (ảnh internet)
Về Quảng Ngãi vãn cảnh chùa Thiên Ấn (ảnh internet)



Thật may khi Quảng Ngãi còn có Thiên Ấn. Không chỉ bởi giá trị trường tồn theo lịch sử, mà khi bước đến nơi đây tâm hồn con người như trút bỏ được sầu niệm. Ngước ánh nhìn theo những hàng dây leo phủ kín một bên tường thành, ta sẽ phát hiện những chỏm màu hồng nhạt của hoa rừng chớm nở bám trên những thân cây cao. Bên dưới những phiến đá ngổn ngang bị cỏ mọc phủ phân nửa, rêu đã bọc kín những bức tượng dang dở. Âm thanh của tiếng chuông đồng vang vọng bên cánh rừng càng làm không gian nơi đây trở nên hoài cổ, u tịch.

Đỉnh Thiên Ấn là nơi hiếm hoi ở Quảng Ngãi có thể yên tĩnh ngắm nhìn dòng Trà Khúc thả mình uốn uốn lượn lượn tìm đường hòa mình về Biển Đông. Trông cứ ngỡ như đứa trẻ mải chơi xa cuối ngày mệt mỏi tìm đường về với vòng tay mẹ. Ai đó mải mê ngắm nhìn cảnh vật xao xuyến trước mắt chợt bồi hồi. Biết bao con người đã ăn thức ăn được đánh bắt từ dòng sông này, biết bao con người đã uống thứ nước uống được chắt lọc từ dòng sông này. Mấy ai còn nhớ, để rồi “quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…” (thơ Lê Huy Mậu).

Cúi nhặt những chiếc lá trúc vàng rụng, thuận theo chiều gió thả chúng rơi tự do. Những chiếc lá khô nhẹ tênh không rơi xuống đất ngay mà xoay xoay theo hướng gió, lúc lên lúc xuống, bập bềnh như con thuyền đang cố vượt đầu sóng để căng buồm ra khơi. Dõi theo những chiếc lá trúc men theo triền đồi rồi lại bị cuốn ra xa đến khuất tầm mắt, chẳng khác nào như chính mảnh đất này đang dõi theo những người con của nó lớn lên từng ngày, rồi lại sải cánh bay đi tìm bầu trời mới. Muốn lưu luyến, muốn ấp ôm, muốn chở che nhưng vẫn luôn thấu hiểu một điều: Ra đi là để trưởng thành.

Từ Thiên Ấn đưa tầm mắt ra phía xa hơn, chỉ tháng nữa thôi, giữa lòng Trà Khúc đang xanh thẳm ấy sẽ bắt đầu xuất hiện lác đác vài bóng dáng nhấp nhô trên những mạn thuyền, thay phiên ngụp lặn dưới lòng sông để mang lên những ống tre đầy cá bống hay những nhủi tre ngập don. Rồi khắp các ngóc ngách trong làng dọc hai bên bờ Trà Khúc sẽ bắt đầu tụm năm tụm ba, rôm rả tiếng nói cười át luôn cả âm thanh lách cách cạy don, lẫn tiếng bì bạch của những thúng cá bống liên tục được thả xuống trước hiên nhà.

Ấy nhưng, mặc cho hai bên dòng Trà Khúc xôm tụ mỗi mùa nước lên hay cuộc sống nhộn nhịp giữa lòng thành phố, vẫn có một Thiên Ấn điềm nhiên đứng đó, lẳng lặng hướng mắt về dòng Trà Khúc ngày qua ngày. Như cậu học trò thuộc lòng từng con nước Trà Khúc, như một người tri kỷ dành cả đời để yêu thương từ xa…

Ngắm nhìn dòng sông một lần nữa, bất chợt thu hồi tất thảy những cảm xúc vừa rời khỏi, để đầu óc tự do chìm trong cái mát lạnh của cây cỏ, của từng luồng gió mang theo hương hoa cuối mùa thơm lừng. Thật khó kìm lòng để rồi mỉm cười rồi bật ra những ca từ da diết trong ca khúc “Quảng Ngãi ta về” của nhạc sĩ Từ Tấn Lực: “Giờ em về Quảng Ngãi với anh nghe/Mùa tháng Chạp nước sông Trà xanh lắm/Tuổi thơ anh bao lần đứng ngắm/Thuyền lá nưa trôi lãng đãng giữa dòng…”.

MINH ÚC

Có thể bạn quan tâm