Bên Vườn Quốc gia Yok Đôn...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đak Lak và Đak Nông, diện tích 116.000 ha, được đánh giá là Vườn Quốc gia rộng nhất nước. Với hơn 90% diện tích là rừng khộp. Mùa mưa, rừng xanh tươi với hàng hàng lớp lớp thân cây thưa thoáng thẳng đứng trên mặt đất bằng đầy thảm cỏ.

Loại rừng đặc hữu này của Tây Nguyên trải dài từ Cư Jút (Đak Nông) đến Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo (Đak Lak) và Chư Prông, Đức Cơ (Gia Lai); tất cả rộng hơn 400.000 ha, được xem là điển hình rừng khộp của 3 nước Đông Dương. Chen giữa Vườn Quốc gia quanh năm xanh màu rừng tầng thấp, rừng tầng giữa và rừng tầng cao là dòng sông Sêrêpôk tô điểm vườn rừng lớn nhất nước với đủ đầy vẻ đẹp thơ mộng.

 

Khách du lịch cưỡi voi ở Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đak Lak). Ảnh: internet
Khách du lịch cưỡi voi ở Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đak Lak). Ảnh: internet

Du khách bước chân vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để thăm thú rừng cây suối nước có thể được phiêu diêu ngắm kỳ đà, chim công, tai nghe chim rừng gọi nhau thánh thót dưới tán cây xanh. Du lịch Buôn Đôn gắn liền với Vườn Quốc gia Yok Đôn và dòng sông lớn Sêrêpôk. Từ bến nước buôn làng dõi về bìa rừng khộp bên kia sông, mùa mưa lá xanh, mùa khô lá vàng, lòng người không khỏi trào dâng sự biết ơn vì tạo hóa đã ban tặng một vùng rừng đặc hữu cho con người. Du khách có thể ngồi trên lưng voi vượt dòng nước mùa khô, bước chân đủng đỉnh vào bên trong rừng, thỏa thích nhìn ngắm muôn vàn bóng cây cành lá, thảm cỏ xanh và suối nước trong lành...

Tôi đã một lần ngồi thuyền độc mộc trên sông giữa đôi bờ Sêrêpôk đầy cây ngàn bóng cả, được ngắm đàn chim công thanh thản qua lại dưới tán lá xanh. Thác Bảy nhánh trên sông Sêrêpôk đẹp tráng lệ kỳ vĩ làm sao. 7 nhánh thác cuồn cuộn đổ dòng nước dài trắng xóa quanh co qua từng gành đá nhấp nhô bên bìa rừng Yok Đôn. Tôi và những người bạn Hà Nội rong chơi trên thuyền xuôi dòng dọc Vườn Quốc gia rộng lớn, đêm ở lại thác Bảy nhánh, uống rượu cần bên ngọn lửa củi đêm rừng, nghe âm nhạc cồng chiêng hòa điệu múa uyển chuyển thân tình, nhịp nhàng bước chân của nam nữ thanh niên buôn làng. Điều đáng mừng đáng trọng là hàng chục buôn làng sống kề cạnh Vườn Quốc gia mà không hề chặt phá rừng, dù chỉ là cành nhánh cây tươi. Ngày ngày bếp lửa nhà sàn luôn được giữ lửa bởi những cành khô nhặt nhạnh quanh bìa rừng. Người người giữ rừng như giữ gìn văn hóa. Sắc màu vật chất, tinh thần có được từ rừng là tâm linh, tình cảm thủy chung bao đời.

Những buôn làng dân tộc Ê Đê, Mnông, Lào... tọa lạc ven sông Sêrêpôk bên bìa rừng Vườn Quốc gia Yok Đôn từ bao đời qua sống yên lành tình nghĩa với thiên nhiên xanh, rừng với người như là một. Rừng cho người từ vật chất đến tinh thần, người trân trọng gìn giữ rừng; đời sống văn hóa tâm linh cũng từ đó thấm đậm sắc màu. Người sống chân thật với người, san sẻ buồn vui cho nhau bên bến nước rừng cây.

Vườn Quốc gia Yok Đôn còn là quê hương của nhiều loại chim thú quý hiếm, đặc biệt là voi, hổ, báo, trâu rừng, bò rừng, vượn, khỉ, nai, chim công, phượng hoàng, kỳ đà nước, gà lôi... nằm trong Sách đỏ thế giới. Những năm gần đây, tiếc thay, Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng chung số phận sông cạn rừng tàn trước sự tàn phá vô tâm vì lợi ích riêng tư của những ai thông đồng bắt tay nhau bán rẻ biển bạc rừng vàng. Bên trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, hàng vạn cây gỗ quý đã trơ trụi gốc từ năm nào, cả những cây cổ thụ họ dầu giữa mênh mông rừng đặc dụng qua tháng năm đã biến mất, chỉ còn lại đất sỏi khô cằn, sau mùa mưa không còn cây rừng giữ nước. Rừng mất dần, nhiều loài chim đi không trở lại. Các loài thú thiếu thức ăn nước uống, sống buồn thiếu vắng cảnh quan xanh bến nước đầy nên chết trước tuổi, chưa kể vấn nạn kinh hoàng là đêm ngày phải đối diện với những họng súng săn bắn thú rừng.

Sợ rằng có một ngày du khách trở lại Yok Đôn sẽ nuối tiếc trước sự đổi thay của cảnh quan, môi trường bởi sự tác động tiêu cực của con người. Vẻ hoang sơ bị mai một, tàn tạ khi con người không gìn giữ, bồi đắp màu xanh của rừng…

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm