Bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ra viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trưa ngày 5-9, tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Hứa Cẩm Tú- người bị cắt nhầm thận tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, sau đó được Bệnh viện Trung ương Huế ghép thận trở lại thành công đã được ra viện về nhà sau 6 tháng điều trị. Trong buổi gặp mặt trước khi ra viện, chị Tú, gia đình cùng đội ngũ y, bác sĩ đã có chung niềm vui, hạnh phúc tột cùng. Chị Hứa Cẩm Tú xúc động: “Tôi đã hoàn toàn bình phục. Được ra viện, vui lắm, mừng lắm, hạnh phúc lắm… Về lại quê nhà ở Cần Thơ, sẽ cùng chồng làm nghề đúc chậu kiểng kiếm tiền nuôi con”.

Niềm vui của chị Tú, gia đình cùng giáo sư Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trong buổi gặp mặt khi ra viện. Ảnh: Bùi Oanh

Chị Tú lần đầu được mổ ghép thận ngày 10-7-2012 tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó, chị Tú có thêm 9 lần mổ nhỏ nữa để hoàn chỉnh việc ghép thận. Giáo sư Bùi Đức Phú-Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: Đây là ca mổ phức tạp nhất trong lịch sử mổ ghép thận và là sự cố y khoa hiếm gặp ở Việt Nam. Ca đầu tiên cách đây 25 năm bệnh nhân có một thận bị cắt bỏ do chẩn đoán nhầm sau đó chuyển ra nước ngoài ghép thận nhưng không thành công.

Bên cạnh đó, áp lực từ dư luận xã hội là rất lớn. Vì vậy, những lần mổ cho chị Tú đều phải chịu một áp lực trách nhiệm cực kỳ lớn. Nhưng đến nay, chị Tú đã bình phục hoàn toàn sau khi phải mổ lại đến 10 lần. Điều đó cho thấy, việc điều trị cho chị Tú đã thành công về mọi phương diện. Cũng theo Giáo sư Phú, ca ghép thận của chị Tú quá khó và quá phức tạp khi phải mổ đi mổ lại nhiều lần và nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Bệnh nhân đã được mổ nội soi cắt thận có bơm hơi khoang sau phúc mạc, đã tạo sự dính gây khó khăn cho lần mổ ghép thận. Điều này trở thành yếu tố dễ gây chảy máu khoang sau phúc mạc do phải bóc tách. Trong quá trình chờ ghép thận, bệnh nhân lại bị rối loạn nội tiết, rối loạn yếu tố đông máu và lên cơn phù phổi cấp, dễ dẫn đến nhiều biến chứng sau mổ như chảy máu, suy hô hấp, nhiễm trùng…

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kiêm Tiến thăm và tặng quà bệnh nhân Hứa Cẩm Tú sau ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Các kỹ thuật cầm máu ngoại khoa tiên tiến đều được áp dụng, kỹ thuật vô trùng được tuân thủ nghiêm ngặt trong 10 lần mổ cũng như giai đoạn hậu phẫu và quá trình chuẩn bị phẫu thuật. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, phác đồ mới điều trị rối loạn đông máu và phác đồ dự phòng thải ghép thể dịch một cách an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, vấn đề chuyền máu và điều chỉnh rối loạn đông máu cho bệnh nhân Tú hết sức phức tạp.

Tổng cộng số máu được chuyền là: Hồng cầu rữa: 10,4 lít, Tiểu cầu khối đậm đặc (filtre lọc BC): 31 đơn vị, Huyết tương tủa lạnh: 17 đơn vị, Huyết tương tươi: 7 đơn vị. Vì thế, để hạn chế nguy cơ thải ghép thể dịch, ngân hàng máu tại Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế phải huy động nhóm người cho máu đặc biệt như là nam giới chưa chuyền máu lần nào, không mắc các bệnh mãn tính và luôn trong tình trạng sẵn sàng cung ứng ngay khi có nhu cầu.

Ngoài ra, bệnh nhân Hứa Cẩm Tú còn xuất hiện đái tháo đường sau ghép thận do thuốc ức chế miễn dịch cũng đã được xử trí lúc đầu bằng Insulin, sau đó chuyển qua thuốc viên hạ đường huyết, đồng thời điều chỉnh giảm liều corticoid nhanh hơn (sẽ đánh giá lại việc tiếp tục corticoid vào 6 tháng sau ghép). Hiện tại đường máu của bệnh nhân được kiểm soát tốt với thuốc viên hạ đường huyết. Kế từ lần mổ cuối cùng đến nay, chị Tú hoàn toàn ổn định, vết mổ khô, không còn tụ máu khoang sau phúc mạc, không nhiễm trùng, không còn rối loạn đông máu, không xuất hiện hiện tượng thải ghép, chức năng thận tốt. Bệnh nhân đi lại, ăn uống và tiểu tiện bình thường. Bệnh nhân được phép xuất viện ngày 5-9 và tiếp tục điều trị ngoại trú chống thải ghép tại BV Đa khoa Cần Thơ theo phác đồ của BV Trung ương Huế.

Bùi Oanh
 

Có thể bạn quan tâm