Phóng sự - Ký sự

Bí ẩn bảo vật, di sản quốc gia (*): Gò Đống Đa-Di tích đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tết Kỷ Dậu 1789, khu vực Gò Đống Đa là chiến trường ác liệt khi vua Quang Trung tiến vào giải phóng Thăng Long
Gò Đống Đa, Hà Nội - di tích gắn liền với chiến thắng lừng lẫy của nhà Tây Sơn đại phá quân Thanh xâm lược trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa, vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.
Gò lịch sử
Nhà văn hóa nổi tiếng, nhà Hà Nội học Doãn Kế Thiện, trong cuốn "Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội" cho rằng sau khi chiến thắng quân Thanh, theo lời tâu của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung cho thu nhặt xác quân lính Mãn Thanh từ trại Thịnh Quang đến trại Nam Đồng chất thành 12 cái gò. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), người ta mở đường, mở chợ ở cánh đồng giáp giới 2 làng Thịnh Quang và Nam Đồng. Khi đào đất thì thấy hàng đống hài cốt chồng chất lên nhau, họ thu nhặt chôn vào một hố, rồi đắp thành gò cùng một dãy với 12 gò kia tạo thành 13 gò. Khi người Pháp hoàn toàn làm chủ Bắc Kỳ, mở rộng phố phường, đã phá nhiều làng xóm, san bằng nhiều gò đống ở khu vực ngoại thành Hà Nội và các gò Đống Đa đã bị phá thành bình địa trong thời gian ấy.
 
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức vào mùng 5 tháng giêng hằng năm Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Theo dân gian, vì 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng và ở trong khu vực có tên là "xứ Đống Đa". Vì trên các gò có nhiều cây đa mọc um tùm nên dân gian quen gọi tên là Gò Đống Đa. Đến năm 1851, do mở đường, mở chợ, quá trình đào xẻ thấy có nhiều hài cốt giặc, người dân đã thu nhặt chôn vào một hố to, sau đó đắp cao lên thành gò cạnh núi Ốc (Loa Sơn). Dần dần, ngôi gò mới này được đắp rộng và cao thêm, dính liền vào núi Ốc và cũng được gọi là Gò Đống Đa. Sau khi chiếm thành Hà Nội, thực dân Pháp đã bạt đi 12 gò, chỉ còn lại gò ở núi Ốc. Do đó, Gò Đống Đa hiện nay thực chất là chiếc gò thứ 13 còn sót lại. Đây cũng là chiến trường ác liệt diễn ra vào Tết Kỷ Dậu 1789 lúc vua Quang Trung tiến vào giải phóng Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh khỏi bờ cõi.
TS Vũ Văn Bằng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường, người nổi tiếng với việc nghiên cứu về các trường vật lý địa chất (tia đất) - đã từng dùng máy đo "tia đất" để nghiên cứu về Gò Đống Đa. TS Bằng từng đưa ra quan điểm toàn bộ Gò Đống Đa nằm trên một đống xương khổng lồ với mật độ dày đặc.
Các nhà sử học nói gì?
Tuy nhiên, các nhà sử học lại không có chung quan điểm như vậy. Nhà sử học Lê Văn Lan, khi trả lời về Gò Đống Đa, đã khẳng định Gò Đống Đa là gò thiên tạo chứ không phải núi xương như nhiều câu chuyện đã được xây dựng, dù đúng là dưới gò có hài cốt. Theo nhà sử học này, trong "Chiến dịch giải phóng Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789", những trận kịch chiến ở Khương Thượng (hay Đống Đa) và Ngọc Hồi là lớn nhất, ác liệt nhất, mang tính quyết định trong toàn bộ chiến dịch Bắc tiến đánh quân Thanh của Quang Trung. Vì vậy, dù chiến dịch phá quân Thanh còn nhiều trận đánh khác nhưng đời sau vẫn thường gọi trận chiến này là trận Ngọc Hồi - Đống Đa, cho dù địa điểm diễn ra trận đánh này thực chất là diễn ra ở Loa Sơn, nay là khu vực phía sau của Trường Đại học Thủy lợi, gần khu vực Gò Đống Đa bây giờ.
GS Lê Văn Lan cũng cho rằng không có chuyện vua Quang Trung cho đắp xác giặc Thanh thành 12 quả gò như nhiều tài liệu đã viết bởi vị hoàng đế này là một "nhân tướng". Bằng chứng là trong "Chiếu phát phối hàng binh nội địa" do Ngô Thì Nhậm phụng thảo, vua Quang Trung đứng tên và cho ban hành đã thể hiện rất rõ lòng xót thương những người chết trận, sự nhân hậu đối với các hàng binh. Theo GS Lê Văn Lan, bằng chứng để chứng minh Gò Đống Đa là một cao điểm tự nhiên chính là tấm bia chùa Càn An, phía Bắc Gò Đống Đa được xây dựng vào năm 1621. Trên tấm bia có ghi: "Trước mặt (chùa) có ngọn núi đất (thổ sơn) ở về phía Nam". Ngôi chùa này được xây dựng trước đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) rất xa. Vì thế, chắc chắn rằng Gò Đống Đa đã có từ trước năm 1789 và nó là gò thiên tạo. Lý giải thêm về những hài cốt phát lộ dưới chân Gò Đống Đa, GS Lê Văn Lan cho rằng 12 gò hài cốt quân Thanh là do Tổng đốc Đặng Văn Hòa, vào thời Thiệu Trị (1840-1847) - sau thời Quang Trung cả nửa thế kỷ - đã cho gom đắp nên.
TS Nguyễn Hồng Kiên - Viện Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp khai quật di tích đàn tế Xã Tắc ở gần Ô Chợ Dừa - khẳng định khu vực đàn tế, Gò Đống Đa và cả Gò Đống Thây ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội)... là các gò cao tự nhiên có tuổi thành tạo địa chất tố cách ngày nay tới 4.000 năm. Theo TS Kiên, nếu lấy mốc bề mặt di tích thời kỳ nhà Lê (+ 6, 267 m) so sánh với địa hình xung quanh thì có thể thấy rõ địa hình có xu thế thấp dần về phía Tây Bắc, Tây và Nam. Các điểm có độ cao lân cận trong khoảng cách 1 - 1,5 km đều thấp hơn, chỉ cao từ 4,5 - 6,1 m.
Theo bản đồ địa hình khu vực Hà Nội năm 1926 của người Pháp, khu di tích đàn Xã Tắc nằm trên một dải địa hình cao hơn xung quanh có hướng chủ đạo gần Tây Bắc - Đông Nam. Kết hợp đặc điểm trầm tích của tầng đất nâu, nâu gụ nằm sát dưới di tích được xác định tuổi Holoxen muộn có nguồn gốc thành tạo do sông, có thể xác định đàn tế Xã Tắc được người xưa xây dựng trên một gò tự nhiên mà gò này còn sót lại của bãi bồi cao được thành tạo khoảng 4.000 năm trước đây; trường hợp Gò Đống Đa cũng như vậy. 
Trao bằng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa

Lễ trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa sẽ diễn ra trong lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa do TP Hà Nội tổ chức. Đây là lễ hội truyền thống của Hà Nội, được tổ chức vào mùng 5 tháng giêng hằng năm. Năm nay, lễ hội được tổ chức cấp TP, diễn ra từ 8 giờ đến 21 giờ ngày 9-2. Phần lễ dự kiến có các hoạt động: Dâng hoa, hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Lễ trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa cũng được thực hiện tại buổi lễ. Phần hội của lễ kỷ niệm gồm các hoạt động nghệ thuật chào mừng, các trò chơi dân gian.

Kỳ tới: Di sản trên kiến trúc cung đình Huế
Yến Anh (Người lao Động)

Có thể bạn quan tâm