Quen nhau qua mạng xã hội, đến với nhau bằng một hợp đồng tiền hôn nhân, song mối tình trung niên của Đỗ Ngọc Anh và bà Đặng Thị H kết thúc bằng việc một người không thấy xác, kẻ phải nhận mức án tử hình.
Đỗ Ngọc Anh (bên phải) bị tuyên án tử hình với cáo buộc sát hại vợ. Ảnh: V.Dũng |
Hôn nhân hợp đồng kết thúc chóng vánh
Trong hai ngày 31.8 và 1.9, Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa bị cáo Đỗ Ngọc Anh (56 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) ra xét xử với cáo buộc sát hại rồi phân xác bà Đặng Thị H - vợ của ông ta. Đây là vụ án mạng gây rúng động dư luận gần hai năm trước.
Bị cáo vốn góa vợ từ năm 2016, còn bà H một mình nuôi các con, làm chủ nhà nghỉ. Số phận run rủi, qua mạng xã hội, hai người đã quen biết nhau và đến với nhau để chăm sóc khi tuổi trung niên đến.
Trước khi đăng ký kết hôn, bị cáo và bà H thỏa thuận: Bên nào phản bội sẽ phải bồi thường cho bên còn lại từ 500 triệu - 1 tỉ đồng. Sau đó, bị cáo và bà H kết hôn.
Những lời khai nhận về mối tình với bà H được bị cáo trình bày bình thản trước hội đồng xét xử hôm đó. Sau khi kết hôn, bị cáo sống tại nhà vợ. Cuộc sống của hai người diễn ra bình thường, không có phát sinh gì.
Trong quá trình chung sống, sau khoảng 3 tháng kết hôn, nghi Ngọc Anh có quan hệ ngoài luồng, đến tháng 7.2018, bà H bán chiếc ôtô, từ chối sang tên mảnh đất. Ngọc Anh sau đó bỏ về nhà riêng ở Đông Anh, tìm cách trả thù.
“Bị cáo đã ủy quyền tài sản thì bà H được bán xe chứ?” - thành viên trong Hội đồng xét xử hỏi, bởi đây là nguyên cớ, mâu thuẫn dẫn đến tội ác của bị cáo. “Nhưng bà H không làm thủ tục sang tên đất như đã cam kết cho bị cáo” - Ngọc Anh đưa ra lý lẽ của mình.
Tiếp đó, bị cáo cho rằng vợ nghi ngờ ông ta có phụ nữ khác, nhưng hoàn toàn không có chuyện đó. “Bị cáo gọi điện thoại không nghe, nhắn tin không trả lời nên bị cáo vô cùng tức giận” - Ngọc Anh nói.
Cáo trạng cáo buộc về hôm xảy ra án mạng và có nêu: Khoảng 3h ngày 31.1.2019, bị cáo lái xe bán tải sang nhà bà H rồi trèo vào theo lối tường nhà hàng xóm, nằm chờ ở kho trống cạnh vườn.
Trước tòa, bị cáo giải thích, hôm ấy, sắp Tết âm lịch. Bị cáo đến nhà lấy quần áo về ăn Tết âm lịch chứ không phải đến để đánh nhau với bà H. Hôm đó, bị cáo đỗ xe ngoài tường, trèo qua tường vào cổng phụ.
“Bị cáo lẻn vào vì nếu bà H biết sẽ không gặp mặt” và tìm một phòng để đợi (bà H kinh doanh nhà nghỉ). Sau đó, đến khoảng 8h sáng, bị cáo thấy bà H ra vườn rau, bị cáo đứng gần đó, đứng sau và đẩy bà vào nhà kho.
“Ở đó là gần cửa nhà kho. Bị cáo đứng chặn ở cửa, buộc bà H nói chuyện. Hỏi tại sao bán xe mà tiền không trả, đất không chuyển. Bà H nói "xe đã ủy quyền cho em rồi thì em muốn làm gì thì làm”. Giữa hai người đã xảy ra giằng co, theo lời khai tại tòa của bị cáo.
Chỉ vì tranh chấp tài sản mà giết vợ
Trong khi đó, cáo trạng cho rằng, lúc giằng co, bị cáo lấy thanh sắt dưới nền nhà, đánh vợ dẫn tới tử vong. Sau đó, ông ta vào nhà dập cầu dao để ngắt kết nối camera, lái xe về nhà ở huyện Đông Anh (Hà Nội).
22h cùng ngày, bị cáo quay lại hiện trường, đưa thi thể lên xe đi về phía cầu Đông Trù, huyện Đông Anh, phi tang nhiều phần xuống sông. Ông ta đốt chăn, ga, quần áo của nạn nhân cùng hung khí. Ngày 4.2.2019, bị cáo ra đầu thú.
Ngọc Anh phủ nhận mọi cáo buộc trên khi đứng trước hội đồng xét xử. Ngay sau đó, ở hàng ghế dưới, con gái và người thân của bà H phẫn uất, phản ứng. Bỏ mặc mọi xáo động phía sau lưng, bị cáo cho rằng, bản thân bị ép cung trong quá trình điều tra.
Giọng rành rọt, bị cáo trình bày: 4h ngày 31.1.2019 (26 Tết âm lịch), cần lấy quần áo còn lại ở nhà bà H nên quay lại. Tôi đi chở hàng, dậy sớm thức khuya chưa ăn gì nên rất mệt, không khống chế được nên lấy thanh sắt đánh bà ấy chảy máu nhẹ. Sau đó, bị cáo bỏ đi.
Tuy nhiên, nhớ ra chiếc ví nhưng không thấy, bị cáo đã quay lại nhà bà H tìm khi đêm khuya. Trước lời khai này, chủ tọa gay gắt thẩm vấn vì sao bị cáo 2 lần lén lút đến nhà bà H lúc sáng sớm và đêm khuya. “Ngày Tết, đường đông nên tranh thủ đi sớm, tranh thủ lấy khăn lau các vết máu do xô xát từ sáng, do không muốn người ngoài biết vợ chồng cãi nhau nhỏ nhặt” - bị cáo đáp và cho rằng tất cả lời khai tại tòa là sự thật.
Trước khẳng định này của bị cáo, chủ tọa hỏi: “Lá đơn bị cáo viết ở cơ quan điều tra tự thú?”. “Do bị đánh đập tàn bạo, nên đành phải nhận để thoát khỏi sự tra tấn dã man của cán bộ điều tra . Nhưng cáo trạng đó không đúng sư thật” - bị cáo trả lời.
Thậm chí khi chủ tọa hỏi bị cáo có cần đọc lại những gì đã khai khi ra tự thú, song ông ta cho rằng đơn này không đúng thực tế và do bị cáo khai man. Tuy nhiên, tòa đã công bố nhiều bút lục bị cáo khai, tường trình về việc đánh, sát hại bà H, vứt xác xuống sông.
Bị cáo nói: Tất cả bản khai ở ngoài đều không đúng, chỉ trừ các văn bản ở trại giam thì mới nhận. Trên cơ thể của bị cáo có các vết tích, thâm tím bị đánh đập.
“Tôi đã giết và ném xác bà Hải, đến giờ tôi thấy rất ân hận” - chủ tọa công bố một bút lục thể hiện lời khai của bị cáo, song ông ta nhắc đi nhắc lại khoảng 10 lần rằng, bản thân bị mớm cung, ép cung.
Ngồi hàng ghế phía sau, đầu chít khăn tang, cầm theo di ảnh của người đã mất, chị H - con gái bà H - giọng nghẹn ngào, bức xúc. Chị H cho hay, không thể tưởng tượng được hành vi tàn ác, gây hậu quả của bị cáo cho gia đình mình.
Chị H chia sẻ, từ ngày bị cáo bị bắt giữ, khai nhận đã phân xác mẹ, cả gia đình đến nay vẫn tìm kiếm bà, mất nhiều tiền của, công sức và tổn hại tinh thần. Thế nhưng, đến giờ, ra tòa, bị cáo không ăn năn, hối lỗi, thể hiện con người đã không còn cải tạo được. Chị đề nghị tòa xử lý nghiêm minh với bị cáo. Cùng với đó, chị đề nghị bị cáo phải bồi thường hơn 700 triệu đồng, ngoài ra cấp dưỡng cho em trai khuyết tật.
Bị cáo nghe vậy đã đáp rằng người nhà và cơ quan điều tra "chắc chắn không bao giờ tìm ra xác", vì ông ta không giết người nên không thể biết xác nạn nhân ở đâu để chỉ.
Chủ tọa cắt ngang, hỏi bị cáo thấy có trách nhiệm gì với gia đình bị hại không, Ngọc Anh cho rằng lỗi do bà H chứ không phải ông ta, rằng bà H đã bán chiếc xe của bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa nhấn mạnh, bị cáo chối tội là vô nghĩa, bởi toàn bộ kết quả điều tra, vật chứng và giám định đã đủ căn cứ buộc tội. Thái độ bất hợp tác của bị cáo gây rất nhiều khó cho cơ quan điều tra trong suốt 4 tháng dùng tàu dò tìm dọc sống Đuống, nhưng chưa đem lại kết quả.
Cả vị kiểm sát viên và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại khuyên bị cáo thành khẩn, "đừng nghĩ không tìm thấy xác, quanh co chối tội thì pháp luật không có cơ sở xử lý". Ngọc Anh đáp lại: "Tôi nghe rõ. Có tội, tôi sẽ nhận".
Trong bản luận tội đưa ra sau hơn nửa ngày thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát xác định: Hành vi của bị cáo coi thường mạng sống của người khác, coi thường pháp luật. Việc đập nhiều nhát vào đầu nạn nhân có khả năng làm chết người. Hành vi phân xác để phi tang của bị cáo làm cho quá trình truy tìm thi thể nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Việc bị cáo che giấu nạn nhân có sự tính toán trước. Chỉ vì tranh chấp nhỏ trong tài sản mà bị cáo đã giết người. Theo đó, đề nghị tuyên tử hình với bị cáo.
Trong phần bào chữa, hai luật sư của bị cáo đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án, tiếp tục điều tra, do chưa tìm thấy con dao và cũng chưa tìm ra xác nạn nhân, việc buộc tội như vậy chưa đủ căn cứ.
Sau nghị án kéo dài đến sáng 1.9, hội đồng xét xử đã bác đề nghị trên của các luật sư bào chữa cho bị cáo. Theo tòa, ngoài lời tự thú, khai nhận, tường trình của bị cáo tại cơ quan điều tra, còn có các dấu vết thu thập, cùng với lời khai của nhân chứng. Qua đó, tòa xác định, bị cáo đã có hành vi đánh chết bà H rồi phân xác phi tang xuống sông.
“Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, cần phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội” - tòa nhận định. Theo đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo tử hình về tội Giết người. Nghe xong mức án, cả bị cáo và người nhà bà H đều lặng thinh.
Cũng ngay sau phần tuyên án, lực lượng dẫn giải nhanh chóng đưa bị cáo ra xe thùng về trại tạm giam theo lối cửa sau của phòng xử.
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bi-kich-chet-nguoi-cuoc-hon-nhan-hop-dong-833179.ldo
Theo Việt Dũng (LĐO)