Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên: Tập trung thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-11, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã khai mạc Hội nghị lần thứ 2 (mở rộng) để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và giải quyết một số nhiệm vụ theo thẩm quyền. Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá

Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn thông tin: Năm 2020, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, song Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy tinh thần đoàn kết, hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, đã có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung


Theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch phù hợp (nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,01%, công nghiệp-xây dựng chiếm 27,57%, dịch vụ chiếm 33,28%, thuế sản phẩm chiếm 3,14%). Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 ước đạt 30.186 tỷ đồng (đạt 100,52% kế hoạch, tăng 5,84% so với năm 2019). Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 22.519 tỷ đồng (bằng 98,26% kế hoạch, tăng 6,61% so với năm 2019). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 75.000 tỷ đồng (bằng 93,75% kế hoạch, tăng 7,78% so với năm ngoái), đạt 100% kịch bản tăng trưởng sau dịch Covid-19. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 30.000 tỷ đồng (bằng 100% nghị quyết, tăng 15,39% so với năm 2019)...

Dự kiến, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ước đạt 2,54% (tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 6,25%. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí…

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung


Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên ở cơ sở được nâng cao; thực hiện tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy. Năm 2020, toàn tỉnh kết nạp được 1.407 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 61.171 đồng chí. Công tác cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm.

Tại hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi về những kết quả đạt được trong năm 2020. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 68 dự án xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn đã thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2019 đứng thứ 30 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của tỉnh đứng thứ 41/63 tỉnh, thành.

“Đó chính là một trong những yếu tố giúp số lượng dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư tăng so với cùng kỳ. Đến nay, tỉnh đã có 56 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 43.700 tỷ đồng”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung


Nhiều đại biểu cũng nhận định, tuy một số chỉ tiêu dự ước không đạt nghị quyết (gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; số lao động được tạo việc làm mới) nhưng hầu hết kết quả đều nằm ở mức tiệm cận, tăng so với năm trước và đạt chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng sau dịch Covid-19. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2020 tăng 6,3% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 580 triệu USD (tăng 16%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.628 tỷ đồng (tăng 1,8%)...

Đánh giá về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Năm 2020, trong điều kiện phải đối mặt với những khó khăn như: dịch Covid-19, bạch hầu, thiên tai… đã tác động đến các mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh nhưng chúng ta đã nỗ lực vượt khó để đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Với những hạn chế và khuyết điểm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu cần nghiêm túc nhìn nhận và tìm giải pháp khắc phục.

“Những tồn tại thuộc lĩnh vực của đơn vị nào, đề nghị đơn vị đó giải trình, làm rõ. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các giải pháp để đề xuất triển khai thực hiện trong năm 2021. Trong đó, lưu ý tham mưu tích cực những giải pháp liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể năm 2021, tạo tiền đề, động lực để triển khai thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025)”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.

Quán triệt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021

Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ và cởi mở, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trần Dung


Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận tại hội nghị là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng nhận định: Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 được Trung ương giao dự kiến là 4.552 tỷ đồng, còn địa phương cũng đã xây dựng dự toán là 5.047 tỷ đồng. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các đơn vị, địa phương cần phân tích, đánh giá toàn bộ những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và các phát sinh để định lượng, xây dựng dự toán thu ngân sách, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng nêu các giải pháp thu ngân sách năm 2021. Ảnh: Trần Dung


Đề cập đến vấn đề xây dựng sản phẩm OCOP của các địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Đến nay, ngành đã triển khai đánh giá 104 sản phẩm OCOP của các địa phương; dự kiến cuối năm nay có thêm 80 sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên con số 122. Đây là tiền đề để các địa phương tiếp tục lựa chọn những sản phẩm khác đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã, chỉ dẫn địa lý trong năm 2021.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: “Mặc dù tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đang tăng lên rõ rệt nhưng chúng ta vẫn chưa tiệm cận được với chỉ tiêu chung của cả nước. Đặc biệt, sản phẩm OCOP trong các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất ít. Chúng ta cần tính toán và có giải pháp cụ thể để sản phẩm OCOP phát triển nhanh hơn”.

Trước tình hình công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn, Bí thư Huyện ủy Kông Chro Phan Văn Trung lý giải: “Việc quản lý bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn do xuất hiện một số nhóm đối tượng lợi dụng người dân tộc thiểu số tại chỗ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Mặt khác, việc truy tìm thủ phạm phá rừng cũng rất khó...”.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập phải chăng do công tác quản lý chưa tốt, một bộ phận cán bộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm? Cần làm rõ cụ thể trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị chủ rừng và xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng mới mong mang lại hiệu quả thiết thực.

Quán triệt, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ: Đối với nhiệm vụ năm 2021, các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể căn cứ vào 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” về phòng-chống dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế; tạo điều kiện hơn nữa cho công tác cải cách hành chính, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động các nguồn lực tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng đời sống của người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch; triển khai chương trình xúc tiến kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai năm 2021.

“Chúng ta cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Theo từng cương vị công tác phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, cùng với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội đoàn kết thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

 TRẦN DUNG
 

Có thể bạn quan tâm