Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Đức Cơ cần tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 22-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Những kết quả tích cực

Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Phạm Văn Cường-Bí thư Huyện ủy Đức Cơ-cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, sự điều hành của chính quyền và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, kinh tế-xã hội địa phương có sự phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững, đời sống người dân ngày càng nâng lên. Giá trị sản xuất năm 2021 đạt 5.796 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm 40,7%, công nghiệp-xây dựng chiếm 20,2%, dịch vụ chiếm 39,1%. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,23 triệu đồng, tăng 2,63 triệu đồng so với năm 2020. Toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng đạt được một số kết quả tích cực. Đến cuối năm 2021, huyện có 3/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Ia Dom, Ia Nan, Ia Krêl), 6 xã còn lại đạt 11-15 tiêu chí. Toàn huyện có 13 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện giải ngân hơn 36 tỷ/104 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 34,7% kế hoạch. Huyện cũng bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư các công trình có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển như: đường Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Văn Linh, đường Trường Chinh (thị trấn Chư Ty) và các trường học, nhà văn hóa ở các xã... Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 71,71 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách là 69,7 tỷ đồng, đạt 114,4% kế hoạch. Hiện nay, huyện có 2.923 hộ nghèo, chiếm 15,21%. Trước thực trạng đó, Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động giảm nhanh hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3,5% trở lên, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số hàng năm từ 7% trở lên.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực. Trong đó, trọng tâm là lãnh đạo thực hiện nghị quyết chuyên đề về xây dựng dự án liên kết sản xuất trong nông nghiệp và nghị quyết về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; xây dựng 3 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện và 5 chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện kết nạp được 193 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 2.980 người. Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có 30 đồng chí (khuyết 6 đồng chí), Ban Thường vụ Huyện ủy có 9 đồng chí (khuyết 2 đồng chí). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng kiểm tra, giám sát được 21 tổ chức và 17 lượt đảng viên.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đức Cơ đã nêu lên một số tồn tại, khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định cho biết: Huyện Đức Cơ có nhiều tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển cây điều và sản phẩm từ hạt điều. Huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh với 26.678 ha đang kinh doanh. Đến nay, huyện đã phát triển 2 sản phẩm hạt điều đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chất lượng hạt điều của huyện cao hơn so với các địa phương trong tỉnh, thậm chí là cao hơn cả tỉnh Bình Phước.

“Theo xu hướng, một số địa phương sẽ giảm diện tích điều để lấy đất phát triển đô thị và khu công nghiệp. Nguồn cung giảm cũng chính là cơ hội cho việc phát triển cây điều của huyện. Chính vì thế, chúng tôi mong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh thống nhất chủ trương để huyện Đức Cơ xây dựng dự án phát triển cây điều và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Gia Lai tại huyện Đức Cơ. Đồng thời, đề nghị cho chủ trương quy hoạch và cập nhật dự án xây dựng nhà máy chế biến hạt điều, các sản phẩm từ quả điều và vỏ hạt điều trên địa bàn huyện, đưa vào danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh”-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ đề nghị.


Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, song huyện Đức Cơ vẫn còn một số “lực cản” cần tháo gỡ. Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Cường cho biết: Việc giải phóng mặt bằng ở Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, huyện đề nghị tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ về đất, tài sản trên đất đối với các trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường để bù đắp một phần thiệt hại và chi phí các hộ dân đã đầu tư vào đất, giúp các hộ này ổn định cuộc sống. Hiện nay, đa số các hộ dân đang sử dụng đất trồng các loại cây công nghiệp lâu năm và có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn.

Cùng với đó, huyện kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; xây dựng nhà máy xử lý rác để xử lý rác thải của các nhà máy, doanh nghiệp, người dân tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và cho người dân các xã, thị trấn của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Xuân Thưởng cho rằng: Khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch là 155,12 ha; đến nay đã giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh hơn 80 ha. Tại đây có 32 nhà đầu tư thực hiện 39 dự án với tổng vốn đăng ký là 441,8 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã đi vào hoạt động, 19 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang làm thủ tục.

“Một số diện tích đất quy hoạch đã bị người dân lấn chiếm, trước đây thuộc diện tích của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ đã được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Chính vì thế, huyện cần phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương giải phóng mặt bằng để bàn giao”-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nêu ý kiến.

Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du cho biết: Để giải phóng mặt bằng tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Sở đã tham mưu UBND huyện, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiến hành khảo sát để hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân có cây trồng lâu năm trên diện tích này. Vấn đề còn lại là hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ như thế nào, chúng ta cần phải xác định rằng đây là hỗ trợ chứ không phải đền bù.

Một vấn đề nữa được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là tổ chức chợ phiên tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, kết nối du lịch, qua đó tạo động lực để kinh tế huyện Đức Cơ phát triển. Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho hay: Tổ chức chợ phiên là một trong những việc làm hay, không chỉ quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương mà còn kết nối các điểm du lịch liên vùng. Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh có cơ chế, chính sách để hỗ trợ địa phương. Riêng đối với Sở sẽ cân đối nguồn kinh phí từ trung ương để hỗ trợ các hộ tham gia hoặc sản phẩm tham gia chợ phiên.


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Cơ đạt được trong thời gian qua. Theo Bí thư Tỉnh ủy, trong 2 năm qua, kinh tế-xã hội huyện Đức Cơ có sự phát triển mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đức Cơ có tiềm năng, thế mạnh, có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là một lợi thế, cùng với các đơn vị kinh tế đứng chân trên địa bàn tạo thuận lợi để thu hút lao động.

Tuy nhiên, huyện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện cần tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác giảm nghèo; xây dựng thị trấn Chư Ty xanh, sạch, văn minh gắn với sự phát triển của Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Huyện cũng cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại nhân dân để thắt chặt tình đoàn kết với chính quyền và người dân Campuchia phía đối diện. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung nghiên cứu về cơ chế, chính sách để giúp đỡ huyện hoạch định các chính sách.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền huyện Đức Cơ cần đoàn kết, thống nhất, tận dụng tiềm năng, lợi thế để huy động sức dân vào việc phát triển kinh tế-xã hội. Bám sát các chương trình trọng tâm của tỉnh, nhất là lồng ghép các chương trình mục tiêu của tỉnh, của quốc gia. Thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt, muốn đề xuất, thay đổi phải đánh giá cẩn trọng, không vì lợi ích trước mắt mà điều chỉnh. Phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là đẩy mạnh công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng lộ trình, phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh khai thác hiệu quả Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Huyện Đức Cơ cần tăng cường mối quan hệ giữa địa phương và các đơn vị kinh tế-quốc phòng đứng chân trên địa bàn; thực hiện tốt đoàn kết nội bộ; quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền phải năng động, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; tập trung kiện toàn các chức danh còn khuyết trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Ban Thường vụ Huyện ủy. Bí thư Tỉnh ủy cũng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cùng các sở, ngành nghiên cứu những đề xuất của huyện để báo cáo Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

 

VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm