Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Năm 2022 phải tạo được sự chuyển biến trong thu hút, triển khai phương án đầu tư (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 7-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức. Báo Gia Lai điện tử xin trân trọng trích đăng bài phát biểu này.

Bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh và đại hội Đảng bộ các cấp trong điều kiện có thuận lợi nhưng cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp đã tác động rất lớn đến mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống của Nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song với sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh, sự ủng hộ đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự chủ động của chính quyền các cấp, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND các cấp, Gia Lai chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

 Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2021. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng 9,75%, là một trong những địa phương tăng cao trong cả khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên thu ngân sách của tỉnh với đạt mốc 7.880 tỷ đồng (đạt 173,1% dự toán Trung ương giao); GRDP bình quân đầu người đạt 56,21 triệu đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 55,99 triệu đồng).

Thứ hai, nhiều dự án có suất đầu lớn được triển khai trên địa bàn như các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh đã quan tâm đến địa phương chúng ta, đặc biệt là quan tâm đến các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xu thế Gia Lai tới đây có thể là trung tâm của khu vực về chăn nuôi, trồng cây ăn trái. Điều có thể thành hiện thực.

Thứ ba, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được các nhà đầu tư đánh giá ghi nhận cao, chỉ số cải cách hành chính (Pax Index) của tỉnh tăng 20 bậc so với năm 2020 (đứng đầu Tây Nguyên, đứng thứ 21 cả nước).

Thứ tư, các giá trị về tự nhiên, văn hóa lịch sự được quốc gia và thế giới công nhận: Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn thượng đạo, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra, người dân cũng phát hiện một số điểm du lịch mới trên địa bàn.

Thứ năm, đã quan tâm quyết liệt trong chỉ đạo đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ ở tất cả địa phương, nhất là khu vực đô thị được đầu tư khang trang hơn; vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hiện nay đã được đầu tư mới, sửa chữa cải tạo các tuyến đường. Chúng ta có quyền tự hào đến nay đường bê tông, nhựa đến các trung tâm xã và tiến đến các thôn, làng vùng xa.

Thứ sáu, bộ máy cơ quan các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn với đầy đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, trách nhiệm... sau bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026. Và lần đầu tiên trong năm đầu của nhiệm kỳ, chúng ta đã thảo luận và ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề để thực hiện 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội, bổ sung thêm 1 Nghị quyết về thực hiện chuyển đổi số của tỉnh và 1 chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể nói, năm 2021 là năm là cả Tỉnh ủy, HĐND và UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành, các cấp quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện và cụ thể hóa các chương trình trọng tâm của Đại hội bằng các văn bản cụ thể.

Thứ bảy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã rất quyết liệt trong công tác phòng-chống dịch Covid-19, đến nay, cơ bản đã được kiểm soát. Qua cuộc chiến với đại dịch này, chúng ta càng tự hào và quý trọng đến tinh thần đoàn kết, tình cảm yêu thương đùm bọc của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự san sẻ yêu thương của cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm, kiên trì, linh hoạt, sự hy sinh của các lực lượng y tế, quân đội, Công an... trong tuyến đầu chống dịch. Kết quả của công tác tiêm chủng hiện nay cũng đạt theo kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh theo chủ trương tiêm chủng cho toàn dân.

Đó là kết quả trong nhiều kết quả đạt được nhờ sự chỉ đạo của cấp ủy và điều hành của UBND các cấp. Những kết quả này rất đáng trân trọng. Nhưng khách quan, thẳng thắn nhìn nhận trong năm qua, vẫn còn nhiều vấn đề mà UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cũng cần đánh giá toàn diện để rút ra những bài học sâu sắc. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm mới này sẽ làm việc riêng với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và thành viên UBND tỉnh cụ thể, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để năm 2022 đạt được nhiều kết quả toàn diện hơn.

Năm 2022 là năm được dự báo còn nhiều khó khăn của công tác phòng-chống đại dịch và tác động khác của nền kinh tế thế giới bên cạnh khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ đặt ra rất nhiều, trong báo cáo cũng rất đầy đủ, tôi xin nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phòng-chống dịch Covid với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an dân, giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cả hệ thống chính trị không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả chống dịch và tiêm chủng vừa qua. Chú trọng nâng cao chất lượng của y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Hai là, duy trì tốc độ tăng trưởng theo điều kiện cho phép của tỉnh (8,65%), cơ cấu lại các ngành kinh tế cho phù hợp, hoàn chỉnh xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định. Xây dựng điều chỉnh quy hoạch ngành lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh. Khơi dậy mạnh mẽ nội lực của tỉnh, của địa phương, của Nhân dân, doanh nghiệp và tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh. Năm 2022, phải tạo được sự  chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút, tổ chức triển khai thực hiện phương án đầu tư. Chúng ta thực hiện, kêu gọi đi đầu với hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đúng theo chủ trương, định hướng và cũng đúng theo quy định của pháp luật. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm, soát xét lại để tổ chức thực hiện cho đúng.

Đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Đức Thụy
Đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Đức Thụy


Ba là, hỗ trợ tạo điều kiện cho tất cả thành phần kinh tế của tỉnh chủ động ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Xây dựng và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bốn là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú ý hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch. Kêu gọi xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, chúng ta cũng cần có nhiều sản phẩm tinh có chất lượng của ngành Nông nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện, khuyến khích các sản phẩm OCOP, các cơ quan tỉnh hỗ trợ việc giới thiệu sản phẩm các địa phương trên thị trường.

Năm là, tích cực quảng bá đầu tư thêm cho các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Chúng ta có nhiều địa điểm nổi tiếng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Cần đặt ra câu hỏi vì sao, thời tiết khí hậu chúng ta tốt (cả 2 mùa phù hợp), có nhiều địa danh để tham quan, nghiên cứu lịch sử và du lịch... Vì vậy, cần phát huy lợi thế này thích ứng trong điều kiện dịch.

Sáu là, quan tâm nhiều hơn đến chính sách xã hội nhất là chỉ đạo công tác giảm nghèo chung của tỉnh và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng làng mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU và xã nông thôn mới đúng thực chất, phát huy và nâng cao chất lượng sống của người dân. Tích cực giữ rừng và trồng rừng mới theo chỉ tiêu kế hoạch đi đôi với tăng cường sinh kế cho người dân sống gần rừng. Thực hiện tốt chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Bảy là, chuẩn bị thật tốt các điều kiện để học sinh toàn tỉnh đều được đến trường. Thời gian qua vì dịch bệnh, chủ trương ngành Giáo dục là "ngừng đến trường nhưng không ngừng học". Tới đây, tôi đề nghị con em học sinh chúng ta "được đến trường, được học trực tiếp, được bảo vệ an toàn trong điều kiện mới".

Tám là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Nâng cao cảnh giác đối với âm mưu thủ đoạn các thế lực thù dịch và chống triệt để các loại tội phạm mới; tội phạm sử dụng công nghệ cao. Thực hiện tốt công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ năm 2022.

Chín là, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hành chính mẫn cán, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Người đứng đầu chính quyền, đứng đầu các cơ quan hành chính của tỉnh, các địa phương phải thể hiện trách nhiệm nêu gương, tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định của Đảng, của Nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chính trị đã được giao đi đôi với kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp đầy đủ đúng theo quy định của Đảng, của Nhà nước. Cố gắng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị nói chung, của các cơ quan chính quyền của tỉnh, của địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.

Nhân dịp năm mới 2022 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí đại biểu dự hội nghị, xin trân trọng các kết quả mà các đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong thời gian qua. Trong năm 2022, chúng ta sẽ tổ chức tốt hơn, đạt kết quả cao hơn, ở một tầm mới hơn.

Chúc các đồng chí năm mới cùng với gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Chúng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển.


--------------------

(*) Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

 

Có thể bạn quan tâm