Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình trong ký ức người thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm nay, tôi thường trở lại Quy Nhơn (Bình Định) thăm gia đình 2 người con gái của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Bình (Đẳng), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Trong ngôi nhà bình yên ở phố Trần Độc, chúng tôi cùng nhau lật giở bao hồi ức đẹp đẽ về ông. Và, lần nào cũng vậy, mấy chị em lại lặng dừng trước những hình ảnh cuối cùng của đời ông. Đó là một tang lễ nồng ấm giữa vòng tay đồng đội, đồng bào nơi đại ngàn.
Họ tên đầy đủ là Trần Văn Bình, sinh ngày 5-9-1922, tại xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định nhưng phần lớn những người sống và chiến đấu trong căn cứ địa Krong trước 1975 đều quen gọi ông là Đẳng. Với người Bahnar vùng này, bok Đẳng là cái tên thân quen và trìu mến nhất.
Ít người biết rằng, những năm tháng tuổi trẻ, ông từng có mặt tại một số đồn điền, cơ sở sản xuất của Pháp. Dù không phải lao động trực tiếp, nhưng ở vị thế của một người mất nước đi làm thuê, hẳn ông đã chứng kiến nhiều bất công thường xuyên giáng xuống đầu đồng bào của mình. Giã từ vùng đất Bắc Tây Nguyên, từ tháng 4-1945, ông đã chọn đi theo cách mạng làm con đường dấn thân cho cả cuộc đời mình. Tháng 2-1946, ông là Chủ nhiệm Việt Minh xã; đến tháng 11, ông được kết nạp vào Đảng… 
Ông bắt đầu gắn bó cuộc đời mình với Tây Nguyên thêm một lần nữa, cho đến những ngày cuối cùng, từ tháng 8-1950, khi được điều lên tỉnh Gia Kon. Đây là giai đoạn hoạt động sôi nổi của ông khi được trui rèn qua nhiều vị trí lãnh đạo, ở huyện Kon Plông (nay thuộc Kon Tum), huyện Vĩnh Thạnh (Gia Kon, nay thuộc Bình Định) rồi Đội trưởng Đội vũ trang, tuyên truyền 111 Tây Bắc Kon Tum… Sau Hiệp định Genève 1954, ông là 1 trong 134 cán bộ ở lại của tỉnh. Tháng 5-1955, ông được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư Khu 8-An Khê. Năm 1959, là Tỉnh ủy viên; năm 1961, là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; năm 1963, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Theo bản lý lịch viết tay, từ ngày 4-1-1963, ông là Bí thư Tỉnh ủy (tháng 12-1973, ông trúng cử Khu ủy viên).
Đoàn người tiễn đưa Bí thư Trần Văn Bình về nơi an nghỉ cuối cùng tại Căn cứ địa Khu 10, ngày 21-4-1974 (ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm).
Đoàn người tiễn đưa Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Trần Văn Bình về nơi an nghỉ cuối cùng tại Căn cứ địa Khu 10, ngày 21-4-1974 (ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm).
Bí thư Tỉnh ủy thời chiến tranh là người quyết định các vấn đề quan trọng về mọi mặt ở địa bàn do mình quản lý. Hơn 10 năm đảm đương cương vị này, Bí thư Trần Văn Bình đã cùng quân và dân Gia Lai vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Tiếc thay, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ gần tới ngày kết thúc, người bí thư mẫu mực một lòng một dạ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, từng 20 năm không gặp lại vợ con với một niềm tin sắt đá ngày thống nhất đã cận kề, lại lặng lẽ ra đi. Ông lâm bệnh sau một chuyến công tác trở về vào giữa tháng 3 và mất ngày 19-4-1974 trong niềm tiếc thương vô hạn của mọi người.
Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, tang lễ của Bí thư Trần Văn Bình đã diễn ra đầm ấm, trang trọng trong điều kiện chiến tranh những năm tháng ấy. Ngay sau khi ông trút hơi thở cuối cùng, lúc 8 giờ sáng ngày hôm đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ama Hnhan (Ksor Ní) đã chủ trì một cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng. Tại đây, sau khi nghe các y-bác sĩ báo cáo về toàn bộ diễn biến bệnh và quá trình cứu chữa người vừa mất, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy khẳng định phẩm chất cách mạng và những đóng góp lớn của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình cho sự nghiệp chung, hội nghị đã quyết định các nội dung liên quan đến tang lễ. 
Đến nay, người dân vùng căn cứ chưa bao giờ nguôi thương nhớ bok Đẳng. Với đồng bào, Bí thư Trần Văn Bình như người cha, người anh thân thiết. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Đến nay, người dân vùng căn cứ chưa bao giờ nguôi thương nhớ bok Đẳng. Với đồng bào, Bí thư Trần Văn Bình như người cha, người anh thân thiết. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: “Anh Đẳng là một cán bộ ưu tú. Tôi xin nêu một ví dụ: Tháng 8-1955, Ban cán sự huyện An Khê có 3 người thì 1 đầu hàng địch (Huỳnh Kỳ An), 1 bị địch bắt (Bí thư Lê Phi Hùng), 1 địch bắn bị thương (Mai Xuân Cảnh). Cơ sở bị đánh phá, nhiều người bị bắt, nhiều người sợ liên lụy né tránh cán bộ. Anh Đẳng được phân công về phụ trách An Khê trong tình hình ấy. Bằng tinh thần trách nhiệm cao, anh đã cùng cán bộ huyện bám dân, từng bước củng cố lại cơ sở. Nhờ đó, chỉ sau 2 năm, cơ sở cách mạng ở An Khê được khôi phục và phát triển, trở thành huyện có phong trào cách mạng mạnh ở Gia Lai”.

Trước 13 giờ ngày 20-4-1974, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất; 13 giờ 30 phút cùng ngày, lễ truy điệu được tiến hành trang nghiêm. Những người dự lễ không ai cầm được nước mắt. Đêm ấy, bà con Bahnar vùng căn cứ đã đến đánh chiêng quanh linh cữu bok Đẳng, người cán bộ giỏi tiếng địa phương, am hiểu phong tục và hết lòng thương yêu đồng bào. 5 giờ 30 phút sáng 21-4-1974, việc đưa linh cữu được tiến hành. Sau khoảng 3 giờ di chuyển trên những con đường mòn trong rừng sâu, vào lúc 8 giờ 30 phút, linh cữu Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình được đặt cạnh mộ huyệt trong những tiếng khóc nấc nghẹn... 8 giờ 45 phút, lễ hạ huyệt bắt đầu. Sau khi đại diện Khu ủy, đại diện Tỉnh ủy nói lời vĩnh biệt, bà con 2 làng Bahnar tiếp tục đánh chiêng quanh ngôi mộ mới đắp.
Người Bahnar vùng căn cứ đã đề nghị Tỉnh ủy cho phép các cộng đồng được làm cho bok Đẳng một ngôi mộ và tổ chức tang lễ kéo dài trong nhiều ngày theo phong tục truyền thống. Thấu hiểu và ghi nhận tấm lòng chân thành của người dân nhưng để đảm bảo bí mật, chỉ có một ngôi mộ đẹp cùng hàng rào bao quanh được bà con thực hiện sau đó, bằng tất cả tình cảm của mình.
Sau chiến tranh, mộ ông đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và trên mảnh đất này, tên ông đã thành tên đường phố, trường học. Rất nhiều người trở về từ căn cứ địa Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) vẫn nhớ về ông như nhớ về một người anh, người cha, một mẫu hình cán bộ sống hết mình cho lý tưởng cộng sản mà mình theo đuổi, vì một cuộc sống hòa bình, ấm no của Nhân dân.
NGUYỄN QUANG TUỆ
 

Có thể bạn quan tâm