Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bia chủ quyền nơi biển đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến Trường Sa, tôi rất ấn tượng với những di tích lịch sử nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết. Những công trình này đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, là minh chứng sống động khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. 
Trên đảo  Song Tử Tây và đảo Nam Yết có nhiều công trình xây dựng quy mô như: cầu cảng, bờ kè chắn sóng, hội trường, nhà khách, chùa, trường học, khu nhà dân làng chài, âu tàu, trạm khí tượng… Những công trình sừng sững đứng trụ giữa gió mưa bão tố cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân Lữ đoàn 146 ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước. Đứng trước những công trình ấy mới thấy sức mạnh vô địch và tinh thần yêu nước mãnh liệt của người lính Cụ Hồ. 
  Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa trên đảo  Song Tử Tây.                               Ảnh: NHẬT CƯỜNG
Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Nhật Cường
Đại tá Trần Minh Thuần-Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) biết tôi làm công tác văn hóa nên đã dẫn đến thăm những cột bia chủ quyền trên đảo. Theo sử sách, ngày 22-8-1956, phái bộ quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đến thị sát và đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa. Đến nay, tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết vẫn còn 2 tấm bia chủ quyền được xây dựng từ năm 1956 và đó cũng là 2 bia cũ nhất được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa. Tại đảo Nam Yết, bia chủ quyền nằm trong khuôn viên chùa Nam Huyên, còn ở đảo Song Tử Tây, di tích này nằm ngay trên trục đường chính dẫn từ cầu cảng vào khu trung tâm hành chính của xã đảo. Dưới những tán bàng vuông và phong ba cổ thụ xòe bóng, trong khuôn viên hơn 15 m2, bia chủ quyền được bảo vệ cẩn thận bằng hàng rào gạch cao khoảng 1 m. Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết hiện chỉ còn phần thân bia với hai mặt trước sau khắc biểu tượng hải quân và chữ. Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây còn nguyên vẹn hình dáng với phần thân bia hình khối lập phương và phần chóp nhọn giống kim tự tháp. Trên các mặt của thân bia đều khắc ký hiệu hải quân. Trên mặt đá khắc lõm dòng chữ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.  
Theo thời gian cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, các bia cột mốc đã rêu phong phai bạc nhưng những giá trị về lịch sử, văn hóa thì còn mãi. Tháng 11-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xếp hạng Di tích lịch sử “Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết” là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến ngày 13-6-2014, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng di tích “Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết” là Di tích lịch sử quốc gia. Đây là 2 di tích lịch sử, là bằng chứng có giá trị quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. 
Thượng tá Vũ Duy Khánh-Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị Lữ đoàn 146-chia sẻ: “Việc xếp hạng bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa thể hiện thái độ trân trọng và tinh thần quyết tâm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước của dân tộc ta. Bia chủ quyền di tích quốc gia đã, đang và sẽ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ gìn giữ, bảo quản. Dù trong hoàn cảnh nào, người lính hải quân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung đều có ý thức rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng tôi tin tưởng rằng, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân sẽ luôn vững vàng tay súng, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
HOÀNG THANH HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm