(GLO)- Một buổi sáng nắng nhạt, trời cao nguyên se lạnh, tôi vượt qua đỉnh Hàm Rồng đi về hướng biên giới Đức Cơ. Tháng cuối cùng của năm 2014 gần hết, mùa Noel đang đến, không khí ở vùng biên cương vẫn chưa có gì sôi động, hai bên đường vẫn lặng lẽ những hàng cây cao su thẳng tắp xanh biếc màu thời gian đang ẩn chứa nhiều “tâm trạng” khi thị trường đang trong cơn biến động khiến ngôi thứ của “người đẹp” trên đất bazan này có phần rớt điểm. Những người trồng tỉa chưa kịp trải niềm vui trọn vẹn trên tấm thảm xanh cao su chiếm gần trọn vùng biên giới của tỉnh Gia Lai thì nỗi lo thường trực “được mùa… mất giá” lại ập đến khiến họ lao đao.
Cũng may mắn đối với đa số người nông dân biết phòng xa, họ không bao giờ đi một chân mà bên cạnh những vườn cây chủ lực còn phát triển thêm các loại cây lợi thế khác đang hấp dẫn trên thị trường trong và ngoài nước. Dường như nhà nào cũng có vườn cà phê, vườn tiêu; tuy không phải là năm được mùa nhưng những sản phẩm được xem là “phụ” ấy đã phần nào bù đắp cho họ trang trải trong cuộc sống khi mà cao su đang thời rớt giá.
Chuối rừng là loài cây có công dụng làm dược liệu trong Đông y. Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Uống vội tách cà phê sáng ở trung tâm thị trấn Đức Cơ, tôi và các đồng nghiệp tiến thẳng về Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đã hơn 10 giờ nhưng trời biên giới không nắng gắt; cái gió, cái lạnh ở Pleiku dường như không còn đeo bám đến dải đất biên cương này. Chẳng mấy ai qua lại đường biên mà xúng xính với chiếc áo lạnh. Tôi cảm nhận được cái nóng của mùa khô đã bắt đầu râm ran trên da thịt. Không khí vùng cửa khẩu mùa này khá vắng lặng; cảnh mua bán tấp nập như những năm trước đây dường như chững lại qua một mùa mưa dài. Thỉnh thoảng có vài ba chiếc xe con mang biển số Việt Nam và Campuchia dừng lại ở trạm cửa khẩu làm thủ tục xuất-nhập cảnh; dăm ba xe container của các doanh nghiệp đang nằm bãi phía Việt Nam, có lẽ đang chờ hàng.
Giải thích với tôi về sự yên ắng trong giao thương ở cửa khẩu vào dịp cuối năm, anh Võ Văn Sung-bạn tôi, người “trấn ải” biên cương ở Đức Cơ từ lâu, cũng là người phiên dịch tiếng Campuchia khá lưu loát cho các đoàn của tỉnh, trung ương qua lại thăm hỏi, cho rằng: Hàng hóa buôn bán giữa ta và Campuchia, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc, chủ yếu là hàng tiêu dùng và nông sản. Gần đây, quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan ấm dần lên nên giao thương của họ tăng cao; mặt hàng tiêu dùng của Thái khá phong phú và chất lượng hơn Việt Nam và được người Campuchia ưa chuộng nên ta khó cạnh tranh; ngược lại, từ đó mà hàng nông sản của Campuchia cũng chảy về Thái nhiều hơn. Nhiều năm trước đây, ở Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, việc giao thương tấp nập hơn vài năm nay, có lẽ là do nạn buôn lậu hoành hành, đặc biệt là thuốc lá và gỗ... Nhưng nay tệ nạn này đã giảm dần do ta có chủ trương chống triệt để hàng lậu qua biên giới; đồng thời nguồn hàng tự nhiên như gỗ, động vật hoang dã từ Campuchia cũng đã vơi cạn vì rừng ngày càng lùi xa con người.
Nguồn hàng của các tỉnh Đông Bắc Campuchia nhập khẩu lớn sang ta vào mùa khô hàng năm là mì lát, loại nông sản dễ trồng và cho năng suất cao ở vùng đất này. Từ sau Tết Dương lịch sẽ là mùa thu hoạch mì cao điểm và hàng ngàn tấn mì khô được nhập về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đây có lẽ là mùa giao thương nhộn nhịp nhất trong năm. Bên cạnh loại hàng nông sản chủ lực này, chúng ta còn nhập về đậu tương, hạt điều… Theo nhiều thương nhân ở địa phương thì năm nay, nguồn đậu tương ở Campuchia bị các doanh nghiệp Thái cạnh tranh nên lượng hàng nhập qua cửa khẩu phía Đức Cơ sẽ giảm đáng kể.
Bước sang bên kia cửa khẩu phía Oyadav-Campuchia, không khí buôn bán cũng bình lặng. Đập vào mắt chúng tôi là một casino của Campuchia cao tầng sát biên giới mới được hoàn thành khá hoành tráng. Người ta đang dán thông báo sẽ khai trương casino vào trung tuần tháng 1-2015. Có lẽ đây không chỉ là nơi vui chơi, giải trí của những con bạc của người bản xứ mà sẽ là chốn thu hút không ít kẻ thích đỏ đen của người Việt, đặc biệt là dân Gia Lai. Trước nay, sòng bạc hợp pháp này của Campuchia đã từng hoạt động trong lúc casino đang khởi công…
Mùa này, hai bên đường người dân bản địa đang phơi sản vật chuối rừng, một loại chuối hạt mọc hoang thường thấy ở các vùng rừng Đông Nam Á. Đây là loài cây có công dụng làm dược liệu trong Đông y chữa một số bệnh có hiệu nghiệm nên được ưa chuộng ở thị trường miền Trung Việt Nam. Mỗi năm người dân các tỉnh phía Đông Bắc Campuchia vào thời điểm giao mùa từ mùa mưa sang mùa khô, thường lội rừng để thu hoạch chuối chín, rồi phơi khô đóng gói và xuất sang Việt Nam với số lượng hàng chục tấn. Có hai loại chuối rừng thường gặp, đó là loại chín vàng như loại chuối hạt trồng và loại chín xanh quý hiếm hơn.
Tôi về lại chợ cửa khẩu phía Việt Nam, vào thăm một “cơ xưởng” sản xuất chuối rừng và khổ qua rừng của anh Nguyễn Văn Long (thường gọi Tám Lâu), là cựu chiến binh, dân xứ “rượu Hồng Đào” vào lập nghiệp nơi biên ải này đã trên chục năm. Nói là cơ xưởng cho oai chứ thực ra là một lò sấy thủ công (đun bằng củi), nhưng mỗi năm, anh cho xuất xưởng vài tấn chuối rừng sấy khô và hàng tạ khổ qua rừng thành phẩm cung cấp cho cả Gia Lai và xứ Quảng-Đà của anh. Những sản vật này không phải qua chế biến cầu kỳ, chỉ việc giữ vệ sinh, đem sấy khô, để nguội rồi cho vào bì đóng gói (nửa ký hoặc l ký) là bỏ mối ở khắp các đại lý. Đây là loại sản phẩm theo mùa và nguyên liệu phải “nhập khẩu” từ những người nông dân nghèo ở Campuchia, vì họ là những người chịu khó hái lượm sản vật từ rừng bán sang ta để kiếm thêm thu nhập.
Cơ sở chuối sấy Tám Lâu. Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Anh Tám Lâu cho biết, ở xứ mình, các loại dược liệu này cũng có nhiều nhưng do rừng bị tàn phá nên đang cạn kiệt dần. Tôi hỏi anh, tại sao đó là nguồn dược liệu quý như thế, ta không nghiên cứu di thực về trồng để phát triển đảm bảo cung ứng nguyên liệu ổn định? Anh cho biết, đây là những thứ không thể trồng nhân rộng vì nó là loài đặc hữu của tự nhiên và chính môi trường ấy mới tạo ra các tính năng dược liệu đặc biệt. Nếu đem trồng ở vườn nhà, một là nó không ra hoa kết trái, hoặc sẽ biến thái mất dần các chất liệu vốn có, từ đó hiệu quả chữa bệnh sẽ giảm đi. Nghe anh giải thích, tôi cảm thấy có lý, mặc dù ít am hiểu về dược liệu. Chỉ có điều, tôi thấy hơi lo, vì nếu sau này những khoảnh rừng tự nhiên ở Campuchia cũng mất đi như bên ta thì liệu có còn những sản vật quý dưới tán rừng như vậy để con người sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho mình không(!).
Bữa cơm trưa ấm áp trên biên giới ở nhà riêng anh Sung với cơm gạo thơm của Campuchia, thịt heo rừng cũng của người Cam đem sang, tươi ngon lạ lùng. Anh Tám Lâu-chủ xưởng sấy “Cô Ba” đem đến ít rượu quý ngâm chuối rừng để dành đãi khách cùng vui vầy với chúng tôi bên mâm cơm gia đình. Rót thứ rượu màu nho sóng sánh như rượu Tây chính cống, anh Tám vừa đùa vừa quảng bá sản phẩm của mình: “Các anh cứ uống thử loại rượu ngâm dược liệu đặc biệt này sẽ thấy mình tráng kiện không kém các võ sĩ sumo đâu. Rượu Hồng Đào nhà em cũng chào thua so với loại “lâm tửu” made in Đức Cơ này đấy. Nhớ đừng quên quảng cáo cho loại “thực phẩm chức năng” đặc biệt của miền biên viễn này nhé!”.
Bùi Quang Vinh