Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Biển đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với những đứa trẻ lớn lên trên cao nguyên như chúng tôi, biển là niềm yêu thích lớn lao. Chúng tôi khao khát được nhìn thấy biển. Chúng tôi tha thiết được nghe tiếng sóng ì oạp. Và khát khao được đẫm mình, được quẫy mạnh trong làn nước xanh rì của biển. Với tôi, khi đêm xuống, biển lại càng cuốn hút hơn. Nó mang một dáng dấp riêng, một không khí độc đáo và khác lạ cùng những trải nghiệm thú vị, nhất là vào những ngày trăng lên.

Đêm trăng, biển hắt lại ánh vàng của trăng, loang loáng, sáng rực. Cứ mỗi đợt sóng rào rạt vào bờ là chất lỏng lấp lánh tràn lên, vẽ thành những đường cong thật mềm rồi tan ra giữa cái ngà ngà của nền cát. Biển cũng say mê vẽ nên tác phẩm của riêng nó. Vẽ rồi lại xóa. Xóa rồi lại vẽ. Nó muốn cho người thấy, rồi dùng dằng, lại không. Phải chăng, biển đang mang một niềm tâm sự? Không gian khoáng đạt, gió mát trăng thanh, yên bình trong tiếng rì rào ào ạt, làm tôi nhớ đến người con gái năm xưa, có lẽ đã ngồi trước khung cảnh này mà bồi hồi tha thiết: “Những đêm trăng hiền từ/Biển như cô gái nhỏ/Thầm thì gửi tâm tư/Quanh mạn thuyền sóng vỗ” (Thuyền và biển-Xuân Quỳnh).

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuổi trẻ là cái chân cứ muốn chạy. Ngắm biển nghĩ vẩn vơ rồi lại chạy theo cuộc vui… bắt còng. Ngày nhỏ, tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao gọi là còng với cua? Rồi sự hiếu kỳ chẳng được lâu, tôi quên bẵng đi câu hỏi đó. Mãi đến bây giờ, “dân núi” mới khám phá ra sự khác biệt của con còng với cua, cái sự đặc biệt của con còng mà nó được tận tay bắt. Bắt còng ở trên cát, còn bắt cua phải lặn, phải bủa lưới ngoài biển. Vì còng nhỏ, vỏ mềm nên còng nướng lên có thể nhai rồm rộp nguyên con. Còn cua lớn hơn, vỏ cứng hơn nên phải đập bỏ vỏ. Nếu ăn cua chỉ có thể cảm nhận vị béo ngậy của thịt thì ăn còng còn thấy được cái giòn tan, bùi bùi của vỏ. Đấy, thế là còng nhỏ mà có võ hơn cua nhé!

Thêm nữa, còng là món tiện lợi. Tiện lợi vì nó có sẵn, tiện lợi trong khâu bắt, tiện lợi trong khâu chế biến. Tối tối đi dạo biển, cầm điện thoại, bật đèn flash lên là có ngay đèn bắt còng. Cứ đi vài bước là thấy đụn cát. Cạnh đụn cát thể nào cũng có hang còng. Thò tay vào hang, khều khều lừa nó chui ra rồi… chụp. Thi thoảng có vài cụ còng to, đào hang sâu, nằm im trong đáy bắt chúng tôi đào sâu vào mà rước. Có nhiều khi còng chạy nhanh quá, chưa kịp nhìn là nó lao xuống biển, sóng cuốn mất tăm. Đi bắt còng đêm rằm còn có một điều thú vị khác: rải rác vỏ ốc trên cát.

Người không biết và không để ý thì cứ tưởng đó chỉ là một vỏ ốc bình thường. Một là con ốc chết trôi dạt từ biển vào. Một là vỏ ốc của người nào đã ăn ném lăn lóc trên bờ biển. Nhưng anh trai tôi nhặt lên, đặt gần miệng rồi huýt gió. Lạ thật, đêm khuya mà lại huýt gió, ở nhà kiểu gì cũng bị người lớn la ầm ĩ lên. Nhưng thật bất ngờ. Càng huýt gió thì con cua ở trong vỏ ốc càng trồi ra, ngọ nguậy. A ha! Ốc mượn hồn!Cái loài mà theo anh trai tôi nói thì chỉ mùa hè mới có, xuất hiện nhiều trong những ngày rằm. Cái loài mà tôi cứ nghĩ rằng người ta chỉ tưởng tượng ra cái thân hình “cua chẳng ra cua, ốc không ra ốc” để minh họa cho ý nghĩa câu chuyện thôi. Hóa ra cái thân hình lạ lùng ấy có thật mà mãi đến giờ tôi mới được thấy tận mắt. Bắt được nhiều còng rồi thì ngồi đốt lửa. Lửa cũng tiện lợi, chẳng mất công tìm kiếm nhiều. Lá dương khô, cành dương khô, những miếng xốp là chất đốt, gió biển thổi vi vu làm quạt nữa, thế là lửa cháy đượm. Nướng còng lên là đã có một món nhâm nhi cùng những bài hát, những câu chuyện đêm khuya.

Biển đêm mang lại cho tâm hồn sự yên bình, thanh thản, nhưng cũng làm dậy nên những tâm tư bâng khuâng. Biển đêm khiến ta như trẻ lại, vô tư, hồn nhiên và tự do giữa mênh mang đất trời. Khi trở về cao nguyên rồi, chẳng lúc nào khỏi hết bâng khuâng nhớ biển.

Nguyễn Đức Hiền

Có thể bạn quan tâm