Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Biết đủ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thỉnh thoảng, trong một số tình huống, tôi vẫn nghe ai đó nhắc đến từ “tri túc”, nghĩa là “biết đủ”. Thoạt đầu, tôi có chút băn khoăn. Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người trong chúng ta đều đang nỗ lực vươn lên để đạt được thành công như mong đợi, cốt là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của chính mình. Vậy, liệu có mâu thuẫn không khi ta lại khuyên con người “biết đủ”?
Có phải “biết đủ” tức là an phận, là “giậm chân tại chỗ” hay không? Thế rồi, một ngày nọ, trong lúc ngồi nghiệm lại những thay đổi diễn ra với chính bản thân mình, tôi chợt ngẫm ra đôi điều…
Ham muốn của con người là vô tận. Sẽ chẳng có gì để tranh luận nếu tất thảy ham muốn đó đều chính đáng. Nhưng trên thực tế, đôi khi ta hay đòi hỏi, mưu cầu những thứ vượt ra ngoài khả năng của bản thân; cố gồng lên để theo đuổi điều phù phiếm và nhận về mình những phiền não không đáng có. Cứ thế, cuộc sống ngày càng trở nên nặng nề. Ta thấy mình bất hạnh. Ta thấy lòng lo âu, đâm ra ích kỷ, không khéo lại nảy sinh lòng đố kỵ và thói quen so bì thiệt hơn. Dần dà, ai cũng thấy cuộc sống này khốc liệt như một cuộc chiến. Trộm nghĩ, có phải chỉ khi có nhà cao cửa rộng, có tiện nghi vật chất và vô vàn những thứ xa hoa khác thì con người mới thấy hạnh phúc? Tréo ngoe thay, chúng ta cứ đi kiếm tìm hạnh phúc, chờ đợi để được hạnh phúc khi điều ấy thực ra đang nằm ngay trong lòng bàn tay mỗi người. Đoán biết được điều ấy, cổ nhân đã có câu: “Người không biết đủ thì dù đang ở “thiên đường” cũng không vừa ý…”.
Tôi hiểu, khẳng định giá trị sống của bản thân là cả một hành trình. Thật khó để vừa đảm bảo những điều kiện vật chất để tồn tại, lại vừa nuôi dưỡng được những cảm xúc tích cực trong tâm trí. Ở đó, quan trọng nhất là ta phải biết như thế nào là đủ. Tôi chỉ nghĩ được những điều đơn giản. Đó là sống chân chính, bằng lòng, quý trọng tất thảy những gì mình đang có và kiểm soát được những ham muốn, nhu cầu chưa thật sự chính đáng hoặc ngoài khả năng. Khép lại công việc hàng ngày, tôi tập an tĩnh để hiểu chính mình và ý thức được niềm vui cả trong hơi thở. Tôi biết mình may mắn ở nhiều lẽ và bắt đầu tự quân bình đời sống của chính tôi.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói một câu rất hay trong cuốn “Muốn an được an”: Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ nở ra nụ cười như một bông hoa để mọi người quanh ta, từ gia đình đến xã hội đều được thừa hưởng. Thiết nghĩ, khi hiểu được cội nguồn của đời sống này, ta không còn đuổi bắt những điều phù phiếm, xa hoa nữa mà chú tâm đi tìm sự thảnh thơi, tự tại trong tâm hồn. Khi ấy, ta tự nhiên thấy nhẹ nhõm trong lòng. Và biết đâu, ta dần tự tin hơn, thấu hiểu và vị tha nhiều hơn.
Tôi vẫn luôn tin rằng, sự kỳ diệu trên thế gian này có mặt ở khắp nơi, nhưng những gì mầu nhiệm chỉ xảy đến trong lúc ta thực sự “biết đủ”. Một phút biết lắng nghe mình là êm ái, một bữa cơm quây quần bên gia đình là ấm áp, một công việc có ích cho xã hội là ý nghĩa… Chúng ta cần điều gì hơn nữa đâu! Với tôi, “biết đủ” thực sự là biểu hiện của một lối sống lành mạnh, văn minh. Vì khi “biết đủ”, con người được tự do đúng nghĩa.
Tôi đang tập “biết đủ”. Bất kỳ một kết quả tốt đẹp nào trong đời sống này cũng cần có thời gian để luyện rèn. Thú thật, tôi vẫn duy trì thói quen theo dõi hoạt động giới thiệu sách của các bạn trẻ trên trang “Review sách-Trạm đọc miễn phí Gia Lai”. Một lần, tôi tình cờ đọc được câu này: “20 tuổi, khi tỉnh dậy bạn muốn tình yêu. 30 tuổi, khi tỉnh dậy bạn muốn hôn nhân. 40 tuổi, khi tỉnh dậy bạn muốn thành công. 50 tuổi, khi tỉnh dậy bạn muốn giàu có. 60 tuổi, khi tỉnh dậy bạn muốn sung túc. 70 tuổi, khi tỉnh dậy bạn muốn sức khỏe. Nhưng 80 tuổi, bạn chỉ muốn được tỉnh dậy”.
Thật đáng suy ngẫm!
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm