Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đã đến lúc cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm sát để xử lý việc trục lợi BHYT.
Vừa qua chúng tôi đã liên tiếp thông tin về những hiện tượng xảy ra tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên, tỉnh Gia Lai. Đó là tổ chức khám mắt tốc hành, mổ phaco nước rút, với nhiều ca mổ cả 2 mắt rồi tách đôi chứng từ để nâng khối lượng thanh toán BHYT.
Đáng chú ý, Sở Y tế Gia Lai đã lập đoàn kiểm tra, nhưng không phát hiện sai phạm. “Dấu hiệu” sai cũng không được tìm thấy.
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, phụ trách mảng BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, phụ trách mảng BHYT.
PV: Tại khu vực Tây Nguyên, việc triển khai chính sách BHYT đang có những thuận lợi, khó khăn gì thưa ông?
Ông Phạm Lương Sơn: Trước hết nói về thuận lợi, Tây Nguyên là vùng tập trung nhiều đối tượng được Đảng và Nhà nước quan tâm và ưu đãi. Đó là người đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo. Vì thế, chính sách mua thẻ BHYT từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ đóng BHYT từ nhiều nguồn khác nhau giúp việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh của người dân Tây Nguyên ngày càng tốt hơn.
Khó khăn hiện nay là chúng ta chưa thực sự kiểm soát được việc phân bổ dự toán đáp ứng nhu cầu hợp lý. Cho nên, một số cơ sở khám chữa bệnh đã phát sinh việc tăng chi vượt nguồn phân bổ.
PV: Hiện nay không ít cơ sở y tế đang tìm cách để trục lợi từ nguồn quỹ BHYT, gây tình trạng lãng phí và giảm đi tính nhân văn của chính sách này. Thực trạng này đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Lương Sơn: Lạm dụng, trục lợi, gian lận quỹ BHYT không phải vấn đề mới. Gần đây, tình trạng lạm dụng, trục lợi lại có những biểu hiện khác tinh vi hơn. Núp dưới hình thức là tuyên truyền pháp luật về BHYT, khám chữa bệnh, khám chữa bệnh nhân đạo, nhưng thực chất, thông qua đó để thu gom bệnh nhân, để có nhiều người bệnh nhất, thu được nguồn tiền lớn nhất. Chưa tới mức phải mổ, đã mổ; chưa tới mức cần thiết phải điều trị nội trú, đã chỉ định điều trị nội trú. Điều đó đang là hồi chuông cảnh báo, báo động không những với Tây Nguyên mà với cả nước mà chúng tôi đang rất quan tâm.
Bệnh viện Mắt Cao Nguyên (Pleiku, Gia Lai).
PV: Nội dung ông vừa nhắc đã được VOV đề cập ở bệnh viện Mắt Cao Nguyên (Pleiku, Gia Lai). Ông đánh giá như thế nào về sự việc này?
Ông Phạm Lương Sơn: Đó là dấu hiệu rõ nét nhất, cụ thể nhất của việc trục lợi BHYT. Trong quy định, 1 hồ sơ sẽ được thanh toán 1 lần. Bộ Y tế cũng đã có những khuyến cáo, quy định là không được tách dịch vụ kỹ thuật, không được tách hồ sơ nhiều lần để thanh toán. Rất cảm ơn sự phản ánh rất cụ thể của VOV.
Một lần nữa tôi khẳng định đó là biểu hiện rõ nét của việc trục lợi BHYT. Cần có những giải pháp hết sức mạnh mẽ để đưa về đúng giá trị thực của nó. Chúng tôi khuyến khích việc khám nhân đạo, rất ủng hộ việc đó. Nhưng chúng tôi cũng rất phản đối việc thông qua, lợi dụng chính sách nhân đạo đó để tăng lợi nhuận một cách vô lý. Và có lẽ đã đến lúc cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như là công an, thanh tra, kiểm sát.
Bệnh nhân Nguyễn Đức Hải, thôn 1, xã Đăk Hlơ, Kbang, Gia Lai được kê đơn thuốc sau điều trị mổ phaco vào ngày 18/3.
PV: Theo ông, trong vụ việc này, có những nguyên nhân nào khiến việc trục lợi BHYT xảy ra mà chức năng giám định BHYT của BHXH Gia Lai không phát hiện được?
Ông Phạm Lương Sơn: Trước hết nói về nguyên nhân về mặt cơ chế. Một số cơ sở y tế cố tình lạm dung BHYT thì họ nghiên cứu rất kỹ để lách các quy định của pháp luật. Vì thế, chúng ta cần phát hiện kịp thời hoàn thiện thể chế, cố gắng bịt kín những lỗ hổng đó để làm sao người ta muốn lách luật không lách được.
Nguyên nhân thứ hai là mặt tổ chức thực hiện. Quy trình giám định đã chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế khách quan cho thấy đội ngũ làm công tác giám định ở một số nơi, đặc biệt tại Gia Lai thì đang thiếu về số lượng, việc phát hiện ra cũng chưa kịp thời. Vì thế mà để hiện tượng này đã xảy ra rồi nhưng chưa có giải pháp kịp thời ngăn chặn.
Nhưng hồ sơ bệnh án giấy của ông Hải được trình BHXH Việt Nam thanh toán thành 2 ca mổ phaco độc lập vào ngày 20/3 và 21/3.
PV: Với tư cách người phụ trách chính mảng BHYT của BHXH Việt Nam, ông có hướng chỉ đạo, xử lý như thế nào đối với vụ việc như ở Bệnh viện Mắt Cao Nguyên?
Ông Phạm Lương Sơn: Trước hết, chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hoàn thiện, đưa ra kịp thời những giải pháp, chế tài, thậm chí là chế tài mạnh xử lý không những với bệnh viện Mắt Cao Nguyên mà với một số cơ sở khám chữa bệnh khác đã có đủ bằng chứng về việc trục lợi. Thậm chí phải tính đến chuyện tạm dừng thanh toán BHYT, tiến tới dừng hợp đồng ở những cơ sở đó, bảo vệ chính sách an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ; đồng thời tích cực góp phần vào chống lãng phí, chống những biểu hiện tiêu cực. Và đây chính là tham nhũng.
Đối với BHXH tỉnh Gia Lai, chúng tôi đã có những buổi họp trực tiếp, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan BHXH. Chúng tôi yêu cầu có sự phối hợp với sở Y tế mà có báo cáo với UBND tỉnh để đề ra những giải pháp đồng bộ. Từ giải pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác giám định, thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở y tế; tuyên truyền để định hướng đúng cho người dân, để người dân hiểu đúng, không bị lôi cuốn cùng cơ sở y tế lạm dụng BHYT.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!.
PV (VOV.VN)