Bình Dương: Du lịch sinh thái "đánh thức" những vườn cây ăn trái đặc sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc xây dựng các vườn cây ăn trái gắn với mô hình du lịch sinh thái là nỗ lực cần thiết, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống một vùng đất ven sông Sài Gòn, và phục hồi bản sắc du lịch miệt vườn riêng có của Bình Dương.
Vùng đất Thuận An có những vườn cây ăn trái đặc sản trăm năm đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng người Bình Dương.
Những vườn cây huyền thoại
Địa danh Lái Thiêu đã có từ khá sớm, dải đất nằm nép mình bên dòng sông Sài Gòn, trải dài qua các xã Bình Nhâm, An Thạnh, Hưng Định, Vĩnh Phú của TP.Thuận An ngày nay.
Chuyện kể rằng, vùng đất Lái Thiêu còn gắn liền huyền thoại về mối tình chung thủy giữa một cô gái Việt với chàng trai người Hoa. Bị gia đình hai bên ngăn cấm vì không chấp thuận tình yêu ngoài chủng tộc,  hai người vẫn quyết tìm đến với nhau.
 
Nông dân Bình Dương chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Khánh
Nông dân Bình Dương chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Khánh
Khi cô gái mang thai, người cha nổi giận đã giết chết con gái mình. Chàng trai hay tin đã tìm đến bên nấm mộ của nàng mà tự tử theo. Về sau, giữa nấm mồ hai người mọc lên 1 loại cây cho trái rất lạ. Vỏ trái đầy gai nhọn nhưng bên trong lại có múi ngọt, thơm đến lạ thường.
Người dân địa phương đặt tên là cây sầu riêng để tưởng nhớ mối tình chung thủy. Bi kịch tình yêu vượt qua định kiến đã làm nên trái ngọt, tạo thành danh thơm cho vùng đất.
Tất nhiên, đó chỉ là giai thoại. Nhưng đối với nhà vườn ở Bình Dương, nhiều người vẫn tin rằng, sầu riêng Lái Thiêu là giống riêng, khác hẳn với sầu riêng ở những miền cây trái khác.
Măng cụt – "Nữ hoàng trái cây" đất Thủ lại là một đặc sản khác mang đầy niềm kiêu hãnh của cây trái Bình Dương. Cứ độ tháng 5 âm lịch, những vườn măng cụt khắp vùng Thuận An lại đơm hoa kết trái như một lời ước hẹn.
Bà Trần Thủy Lâm Trưng, ngụ xã An Sơn, TP.Thuận An là người đã gắn bó với cây măng cụt đã hơn 10 năm nay. Bà Lâm Trưng kể, hiện nay măng cụt được trồng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, măng cụt Bình Dương có hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Trái măng cụt vùng này ráo cơm hơn, thịt trắng, thơm ngọt, ít bị hư trong khi măng cụt các nơi khác, cơm bị nhão và chua.
 
Măng cụt là một đặc sản khác, mang đầy niềm kiêu hãnh của cây trái Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh
Măng cụt là một đặc sản khác, mang đầy niềm kiêu hãnh của cây trái Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình tiêu thụ trái cây nói chung gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với trái cây đặc sản Thuận An mà chủ lực là trái măng cụt vẫn có giá bán ổn định.
Bà Lâm Trưng tin rằng: "Nhờ uy tín thương hiệu được gầy dựng và giữ gìn qua hàng trăm năm đã giúp cho măng cụt trên đất Thuận An luôn được khách hàng yêu mến lựa chọn". 
Hồi sinh vùng cây ăn trái đặc sản
Ông Nguyễn Văn Dội, chủ nhà vườn 99 ở phường Hưng Định (TP.Thuận An) kể, nhờ có hệ thống kênh rạch tiếp giáp với sông Sài Gòn, địa bàn phường có điều kiện chuyên canh cây ăn trái. Vườn cây ăn trái 2ha với đủ loại sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, dâu... của gia đình đã có từ thời cha ông. Ngày nay, những cây măng cụt hơn trăm tuổi vẫn còn ở xanh tốt trong vườn. 
Bên cạnh các vùng trồng cây ăn trái đặc sản thuận lợi để phát triển du lịch vườn, Bình Dương còn có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: nghề gốm sứ, sơn mài, điêu khắc và nghề mây tre lá… Với các sản phẩm nổi tiếng đã có thương hiệu từ lâu như gốm sứ Minh Long, Cường Phát, Nam Việt, lò lu Đại Hưng, làng sơn mài Tương Bình Hiệp,… Ngoài ra, tỉnh có hơn 60 di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận và xếp hạng.
Ông Dội cho biết, những năm qua, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp người dân có điều kiện cải tạo vườn cây, cho năng suất và chất lượng cao và giữ được thương hiệu cây ăn trái Lái Thiêu.
Người dân cũng triển khai nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn cây ăn trái và đạt được một số kết quả. Nổi bật nhất là vực dậy được khu du lịch Cầu Ngang đã từng nổi tiếng một thời. Công tác này vừa giúp cho nhà vườn tiêu thụ được nông sản với giá cao, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
 
Nông dân xã An Sơn, TP.Thuận An thu hoạch trái măng cụt. Ảnh Trần Khánh
Nông dân xã An Sơn, TP.Thuận An thu hoạch trái măng cụt. Ảnh: Trần Khánh
Thêm một thuận lợi khác đối với người trồng ăn trái ở Bình Dương chính là sự đồng hành của các hợp tác HTX.
Thời gian qua, nhiều HTX đã hướng dẫn nông dân nhiều kinh nghiệm xây dựng chứng nhận VietGAP, tập huấn kỹ thuật canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả năng suất vườn cây và ổn định thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX An Sơn (TP.Thuận An) cho biết, để khôi phục và bảo tồn phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đối với người làm vườn.
Từ Quyết định số 45 được thực hiện kể từ năm 2013 và hiện nay là Quyết định số 63, đã có hàng trăm hộ làm vườn ở Thuận An được hỗ trợ phân bón và tiền công chăm sóc vườn cây.
Từ những chính sách này, nhiều gia đình trồng cây ăn trái ở Thuận An đã mạnh dạn đầu tư trồng mới, thâm canh và chăm sóc tốt vườn cây, góp phần giúp cho vườn chuyên canh cây ăn trái Thuận An ngày càng sinh sôi, phát triển.
"HTX cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm những đối tác tác có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch sinh thái để đưa vườn cây đặc sản ở địa phương phát triển ổn định lâu dài", ông Viễn nói.
Thúc đẩy du lịch sinh thái vườn
Trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, thúc đẩy du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của Bình Dương. Các giải pháp thực hiện tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, và phát triển sản phẩm du lịch mới ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn bưởi Bạch Đằng (TX Tân Uyên),...
 
Những vườn cây ăn trái ở Thuận An, Bình Dương luôn quyến rũ du khách. Ảnh: Phương Lê
Những vườn cây ăn trái ở Thuận An, Bình Dương luôn quyến rũ du khách. Ảnh: Phương Lê
Đề án xác định nhiệm vụ trước mắt sẽ tập trung tạo tháo gỡ khó khăn với các dự án như: Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh, quy hoạch cảng Bà Lụa phục vụ phát triển du lịch...
Để gia tăng giá trị cho vùng chuyên canh cây ăn trái, từ năm 2020, Bình Dương đã triển khai dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam của tỉnh. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình du lịch vườn cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nhằm nâng cao thu nhập cho nhà vườn, và quảng bá du lịch sinh thái địa phương.
Với vườn cây ăn trái, đến nay vùng Thuận An đã phát triển lên gần 1.500ha chủ yếu là các loại cây sầu riêng, măng cụt.
Ông Đỗ Thanh Sử - Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An chia sẻ, Thuận An  có lợi thế lớn khi nằm trong hệ thống vùng du lịch sinh thái Nam Bộ. Nơi đây có phần lớn diện tích vườn cây nằm dọc theo sông Sài Gòn thơ mộng, hiền hòa; chỉ cách TP.HCM khoảng 25km.
Những vườn cây đặc sản Thuận An được coi là lá phổi xanh, với không khí trong lành, không gian mát dịu, thoáng đãng, rất phù hợp cho việc kinh doanh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Ông Sử nhận định, thông qua tuyến du lịch đường sông, du lịch sinh thái vườn có thể đồng thời kết hợp du lịch tâm linh, du lịch lịch sử để kết nối Thuận An đến các địa phương khác. Tất cả tạo thành tuyến kết nối chung trên địa bàn du lịch tỉnh Bình Dương. 
Nhưng trước hết, muốn người dân có động lực duy trì vườn cây thì phải giúp tăng được hiệu quả gia tăng từ vườn cây. Việc hỗ trợ người dân tăng thu nhập từ vườn cây, gắn vườn cây với phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp đô thị là 3 nhiệm vụ phải thực hiện song song.
"Các nhiệm vụ này được kết hợp với kinh tế hợp tác để xúc tiến. Từ mô hình HTX, địa phương sẽ xác định, chọn ra những mô hình điểm để đưa phát triển du lịch sinh thái vào những vườn cây", ông Sử chia sẻ.
Trong kế hoạch phát triển tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của nhân dân địa phương. Khai thác hiệu quả lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang đặc trưng văn hóa địa phương.
Phát triển du lịch, sử dụng nguồn thu từ hoạt động du lịch để góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, các giá trị môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái.
Theo Trần Khánh (Dân Việt)
https://danviet.vn/binh-duong-du-lich-sinh-thai-danh-thuc-nhung-vuon-cay-an-trai-dac-san-20210802121904097.htm

Có thể bạn quan tâm