Bình Thuận: Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trụ cột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Bình Thuận đặt quyết tâm cao nhất để phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch; bên cạnh đó cũng mở ra giai đoạn phát triển mới cho du lịch với nhiều kỳ vọng.
 
Những du khách đầu tiên đến tham quan Centara Mirage Resort, thành phố Phan Thiết, trong giai đoạn bình thường mới. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Những du khách đầu tiên đến tham quan Centara Mirage Resort, thành phố Phan Thiết, trong giai đoạn bình thường mới. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Nhằm khẳng định vị thế du lịch Bình Thuận và định hướng giai đoạn mới cho phát triển du lịch, Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Nghị quyết Số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Nghị quyết, Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy tỉnh ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.
Ngành du lịch Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế từ 10-12%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 18-20%/năm; du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh 10-11%.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 từ 20-22%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch, định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… cao cấp.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc.
Tỉnh cũng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để phục vụ công trình phát triển du lịch; đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh.
Bình Thuận định hướng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch dựa trên các loại hình du lịch: du lịch biển, thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng (MICE); du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng-biển-đồi cát; du lịch cộng đồng…
Tỉnh định hướng xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận và phát triển thương hiệu du lịch Mũi Né, hình thành hệ sinh thái du lịch Bình Thuận; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng nhiều phương thức khác nhau. Đồng thời tỉnh nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, giai đoạn 2016-2020, du lịch tỉnh Bình Thuận có sự phát triển tích cực. Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, lượng du khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm, thương hiệu và uy tín được giữ vững, từng bước trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng; số ngày lưu trú của du khách còn ngắn.
Khả năng kết nối, liên kết vùng trong phát triển du lịch còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh du lịch Bình Thuận chưa được đầu tư đúng mức. Du lịch chưa thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với việc ban hành Nghị quyết Số 06-NQ/TU về phát triển du lịch, tỉnh Bình Thuận đặt quyết tâm cao nhất để phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; bên cạnh đó cũng mở ra một giai đoạn phát triển mới cho du lịch với nhiều kỳ vọng. Trong đó, định hướng chiến lược là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nguyễn Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm