Bình yên Cù Lao Chàm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mất 25 phút xuồng máy để đi từ biển Cửa Đại ra Cù Lao Chàm, tuy vậy, tôi vẫn thích đi thuyền cá của ngư dân hơn để tận hưởng cảm giác thong dong giữa biển, hít hà gió mặn mặn trên sống mũi.

Những con thuyền neo đậu ngoài đảo Cù Lao Chàm ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG
Những con thuyền neo đậu ngoài đảo Cù Lao Chàm ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG

Thuở nhỏ, hai chữ cù lao khiến tôi rất tò mò, vì tôi sinh ra ở vùng đồng bằng nên không hiểu khái niệm này. Rồi Chàm. Đường chân trời. Thật đáng khó chịu. Cho tới khi Cù Lao Chàm hiện lên trước mắt tôi, giống một quả bông xanh lá nằm giữa biển nhuộm màu xanh lam, trên đầu là từng tảng mây trắng đủ hình thù lượn vòng lượn quanh như điềm tiên giáng trần.

Cập bến đảo. Luồng không khí nội sinh từ cây cối làm tan rã cái ngột ngạt của đất liền. Tôi háo hức theo chân đoàn du lịch khi tìm nước giếng cổ Chămpa, giếng nước ngọt duy nhất trên đảo. Thiên nhiên ưu ái cho Cù Lao Chàm sinh quyển đa dạng, vì thế mà con người tìm ra đảo từ sớm, người Chăm lại có biệt tài tìm mạch nước ngầm giữa biển mặn vô cùng chuẩn chỉnh. Nghe nói, giếng có từ quãng 200 năm trước và chưa bao giờ bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, đôi vợ chồng nào cùng uống, cùng rửa tay bằng nước giếng sẽ có thể sinh con theo ý muốn.

Giếng nước ngọt của người Chăm trên đảo ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG
Giếng nước ngọt của người Chăm trên đảo ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG
Tôi vào thăm bảo tàng sinh vật biển, thấy muôn vàn sinh vật lạ được bảo quản kỹ càng, chú giải tỉ mỉ mà thêm tự hào về sự đa dạng sinh học của dải đất hình chữ S. Cù Lao Chàm là nơi đất lành chim đậu hiểu theo đúng nghĩa đen, anh tiến sĩ du lịch cộng đồng Chu Mạnh Trinh giải thích cho tôi về cơ chế xây tổ yến của chim yến trên đảo. Người dân đảo từ hàng trăm năm trước đã biết nâng tầm “của trời ban” yến sào thành đặc sản tiến vua.
Dải đất miền Trung hàng năm hứng chịu biết bao nhiêu cơn bão, sự thay đổi thất thường, nổi giận của ông trời. Nhưng họ luôn biết cách sống hòa hợp với thiên nhiên. Những ngôi nhà đá san sát nhau chẳng hề cửa giả, thậm chí còn chung sân, cứ thông thống đón gió đợi bão mà chẳng hề hấn gì. Xe cộ dựng mọi nơi, cắm cả chìa mà không ai lo mất, cái người dân đảo lo nhất là mất lòng tin với nhau. Người với người hơn thua với nhau rồi rốt cuộc cũng sẽ về chung một đích, lùi một nhịp tức là bao dung một lối.
Vậy là tôi đã đi đến chùa Hải Tạng lúc nào không hay khi đang mê mẩn nhìn các dòng nước lách cách chảy trên đá. Ngôi chùa thiêng “trấn yểm” linh khí trên đảo là nơi hành hương tâm linh không chỉ của cư dân đảo mà còn của thuyền buôn trước khi vào đất liền. Người ta nói, “phú quý sinh lễ nghĩa” không hề sai chút nào. Chùa Hải Tạng đơn sơ như một ngôi cổ tự hoang trong đất liền, chỉ một vài tượng chính, không vàng mã, điện đèn, không sư sãi… nhưng khách hành lễ vẫn nườm nượp. Người ta chẳng cầu nhiều, cầu giàu, cầu hơn mà cầu cho mọi thứ thật đơn giản, sự đơn giản tránh được những mâu thuẫn, nghi ngờ hoặc đố kỵ nhau, cũng như nhờ sự giản dị mà mấy trăm năm nay chùa tồn tại trong lòng dân đảo.

Chùa Hải Tạng - điểm tựa tâm linh của ngư dân đảo ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG
Chùa Hải Tạng - điểm tựa tâm linh của ngư dân đảo ẢNH: NGUYỄN VĂN CÔNG
Rất lạ là tôi chẳng tìm thấy thùng rác nào trên suốt quãng đường đi, bởi, dân đảo có quy định rằng, ai mang rác về nhà đó và tự xử lý, còn đối với du khách thì hãy mang về đất liền thứ mà bạn mang đến. Tôi nghe bác ngư dân nói, mỗi ngày đảo chỉ tiếp 3.000 lượt khách và cấm sử dụng túi nilon trên đảo để giữ gìn môi trường, nếu không “lại thành đảo rác của dân đất liền rồi!”, câu nói bông đùa mà như làm xấu hổ những ai xả rác bừa bãi, quen thói ăn sẵn tận nhà mà quên đi môi trường đang quằn quại bởi sự tự sướng.
Tôi thong dong trên hòn Dài, nơi mà tôi chuẩn bị được ngắm san hô. Tôi khá sợ nước vì chẳng biết bơi, nhưng không sao, áo phao và bác ngư dân cứu hộ mình bóng như lực sĩ thể hình luôn kè kè làm tôi yên tâm. Ụp mặt xuống “biển quê”, hiện lên trong tôi là rạn san hô rực rỡ màu sắc đang ngoe nguẩy, trêu đùa tôi rằng “có nín thở thêm được không”. Ực ực vài ngụm nước biển mặn chát, choáng vì thiếu oxy, loay hoay mãi tôi mới bíu chặt được cánh tay lực lượng của bác ngư dân mà lên bờ. Ngả mình trên đụn cát, mắt loa choa nhìn về phía đuôi đảo, từng đám mây chập chình như định đáp xuống rồi tan ra trong mơ màng…
Chiều xuống, lênh đênh trên thuyền cá về đất liền, tôi được ăn “khô khoai” của bác ngư dân tốt bụng, mái tóc bác bạc trắng, răng cũng trắng muôn muốt, có lẽ do nước biển mặn đã bảo vệ được hàm răng của bác cả cuộc đời. Nhìn về phía Cù Lao Chàm mà lòng tôi cứ rung rinh như Cù Lao Chàm đang thì thầm với tôi “còn thương thì hãy quay lại”.
Theo Nguyễn Văn Công (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm