(GLO)- * Kiến nghị: Đề nghị sửa đổi hoặc thay thế Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8-1-2010 của Chính phủ về khuyến nông vì: một số nội dung, phương thức hoạt động khuyến nông mới trong nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà Nghị định 02 còn chưa đề cập là: mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp; các hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông mới theo nhu cầu sản xuất... Những nội dung, phương thức hoạt động khuyến nông này cần được bổ sung, cập nhật kịp thời để phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
- Trả lời: Ngày 24-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông (Nghị định số 83/2018/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 02/2010/NĐ-CP, Nghị định có hiệu lực thi hành ngày 10-7-2018. Trong đó tại khoản 3 Điều 8 đã quy định nội dung và phương thức hoạt động khuyến nông như sau: (i) Mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; mô hình sản xuất có chứng nhận; mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; (ii) Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; (iii) Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững; (iv) Mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại, bảo vệ môi trường; (v) Mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; (vi) Các mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.
Ngoài ra, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP còn quy định các hoạt động tư vấn dịch vụ khuyến nông mới theo nhu cầu sản xuất (khoản 1, 2 Điều 9); hợp tác công tư (PPP) (khoản 11 Điều 2 và điểm a khoản 2 Điều 10).
* Kiến nghị: Theo quy định thì Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018, Nghị định 129/2017/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính có hướng dẫn các nội dung chuyển tiếp liên quan để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
- Trả lời:
1. Trong thời gian chuyển tiếp từ thủy lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của Luật Phí và Lệ phí năm 2015, kể từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-6-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2018/NĐ-CP ngày 2-5-2018 quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn quyết toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2017. Khi Luật Thủy lợi có hiệu lực, chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thực hiện theo quy định của Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
2. Luật Thủy lợi đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật Thủy lợi, gồm có:
- Các nghị định của Chính phủ: Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14-5-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16-5-2018 quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Riêng Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 4797/TTr-BNN-TCTL ngày 22-6-2018, sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng điều chỉnh hồ chứa nước thủy điện. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện quy trình ban hành nghị định.
- Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-5-2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; thông tư hướng dẫn sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn:
- Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 7-5-2018 hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
- Thông tư số 47/2018/TT-BTC ngày 15-5-2018 hướng dẫn xác định giá cho thuê, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi.
Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai xây dựng kế hoạch triển khai Luật Thủy lợi và các văn bản pháp luật về thủy lợi, để các quy định mới về thủy lợi thực hiện có hiệu quả tại địa phương.