Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Bộ tột cùng hạnh phúc": Thiên sử thi về Ấn Độ tân thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phải đến hai mươi năm sau khi ra mắt tiểu thuyết đầu tiên, nhà văn Arundhati Roy mới dồn toàn lực cho ra cuốn tiểu thuyết thứ hai - Bộ tột cùng hạnh phúc (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành). Tác phẩm được giới phê bình hết mực ca ngợi.
Có thể xem Bộ tột cùng hạnh phúc là thiên sử thi về Ấn Độ tân thời: hỗn loạn, mâu thuẫn, bạo lực, bất công, điên rồ và vô lý. Chuốt những sợi tơ vò số phận của những con người bên lề xã hội, Arundhati Roy đã khéo léo dệt nên những câu chuyện lớp lang đan xen về đẳng cấp, tôn giáo, bản sắc giới tính, xung đột chính trị - cõi trần thế trần trụi và đầy khổ đau.
Ấn Độ dưới ngòi bút của Roy không chỉ là một quốc gia với vốn văn hóa lâu đời, đặc sắc; một vùng đất hoang sơ với cảnh quan ngoạn mục, những công trình nguy nga tráng lệ; chốn hoa lệ với những cô gái, chàng trai xinh đẹp khoác tấm áo sặc sỡ mà đó còn là đất nước của chênh lệch đẳng cấp, xung đột tôn giáo, bạo động chính trị, kỳ thị giới tính...
Những mặt tối của đất nước lớn thứ 7 về diện tích, đứng thứ 2 về dân số được Roy không ngần ngại soi tỏ trong tác phẩm của mình: Đó còn là nơi những người thuộc tầng lớp tiện dân sẽ chỉ được làm những công việc tay chân rẻ mạt, bẩn thỉu, các tầng lớp trên chạm vào họ sẽ bị ô uế. Những con người "lệch lạc" giới tính bị khinh rẻ đến cùng cực. Bạn có thể bị buộc tội giết bò đầy oan trái và bị hành hạ không thương tiếc. Bạn cũng có thể bị đối xử tệ bạc hay thậm chí mất mạng vì thứ tôn giáo bạn tôn thờ khác những người còn lại...
Bìa tiểu thuyết
Bìa tiểu thuyết "Bộ tột cùng hạnh phúc" của nhà văn Arundhati Roy.
Bộ tột cùng hạnh phúc có lượng nhân vật đồ sộ. Hết thảy đều là những thân phận bị hủy hoại với thế giới quan tan vỡ, những con người bên lề xã hội đang cố tìm một chốn “thiên đường” cho bản thân mình. Họ là những hijra (bán nam bán nữ), người nghiện, gái mại dâm, người Hồi giáo, trẻ mồ côi, chiến binh, quân phiến loạn... Nổi bật lên nhất là cuộc đời của hai “nữ” chính.
Anjum, một người phụ nữ chuyển giới, sợ hãi cuộc sống, vì thế chị tìm sự an bình bên những người chết - trong nghĩa trang.
Ban đầu chị trải thảm nằm cạnh những ngôi mộ, dần dà chị dựng lên một nếp nhà che nắng che mưa, rồi lại nối thêm vào những căn phòng và đặc biệt căn phòng nào cũng có một ngôi mộ (hoặc hai). Căn nhà chắp vá của Anjum trở thành Nhà trọ Jannat - Thiên đường. Lâu dần Nhà trọ Jannat trở thành tụ điểm cho dân hijra và những người lạc lối. Nơi ở tồi tàn ở chốn không ai muốn tới đã trở thành mái ấm không những cho Anjum mà còn cho vô số những con người khác - cũng chịu số phận bất hạnh không kém chị, trong đó có Tilo - nữ chính thứ hai.
Nhà văn Arundhati Roy nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014
Nhà văn Arundhati Roy nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014
Tilo là một kiến trúc sư, cô có mẹ nhưng không được nhận mẹ. Tilo nhặt được (hay đúng hơn là bắt cóc) một em bé bị bỏ rơi và đó cũng chính là mảnh ghép gắn cô vào cuộc đời của Anjum, một người “phụ nữ” luôn mong mỏi có một đứa con cho riêng mình. Những mảnh đời bị xã hội xô đẩy, giày xéo níu lại với nhau, nương tựa vào nhau. Những người lạ trở thành bạn bè, bạn bè trở thành gia đình. Họ tạo nên một chốn “thiên đường” cho riêng mình - nơi tột cùng hạnh phúc.
Giọng văn của Roy khi tỉ tê, khi lớn tiếng, khi nghẹn ngào, và có khi ngập tràn tiếng cười, cùng với thủ pháp khéo léo, bà đã nhặt những mảnh vụn tản mác, ghép thành một bức tranh lớn lao với những gam màu đối chọi của hiện thực bất ổn, xã hội rối ren nhưng vẫn lại đem cho người ta những hy vọng về tình yêu và hạnh phúc. Những ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ qua đi, ngày mai xán lạn bao giờ cũng tới, tình yêu sẽ đến với những ai vẫn hy vọng dù đã từng thất vọng, vẫn tin tưởng dù từng bị phản bội, vẫn yêu thương dù từng bị tổn thương.
 
Arundhati Roy (sinh năm 1961) là nhà văn, nhà hoạt động chính trị, xã hội tích cực người Ấn Độ. Bà nằm trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay The God of Small Things xuất bản năm 1997 đã giành giải Booker và giúp Arundhati Roy trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Sau đó, bà dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động chính trị, xã hội cùng các tác phẩm phi hư cấu.
Quỳnh Yên (sggp)

Có thể bạn quan tâm