Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng Công an đã gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng Công an trực tiếp gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ khả năng giải quyết công việc ngay từ cơ sở, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Nhân dịp 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2020), 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2020), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân, trong đó công tác xây dựng tổ chức, bộ máy Bộ Công an gần đây đã có chuyển biến rõ rệt theo hướng: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

- Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc. Bộ trưởng có thể khái quát những thành tích nổi bật đó của lực lượng Công an nhân dân?

Bộ trưởng Tô Lâm: Ra đời trong những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, được nhân dân hết lòng tin yêu, đùm bọc và giúp đỡ, 75 năm qua, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nhiều chiến công hiển hách, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, khi đất nước ta cùng lúc đối mặt với nhiều loại kẻ thù, cùng với nạn đói, nạn dốt, thiên tai, kiệt quệ tài chính diễn ra ở nhiều nơi.

Đồng thời, lực lượng Công an đẩy mạnh công tác đấu tranh chống phản cách mạng, phá chính quyền địch, bảo vệ hậu phương, căn cứ cách mạng và các vùng tự do, bảo vệ các chiến dịch quân sự trọng yếu, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến thực dân Pháp.

Từ những thành công, kinh nghiệm trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đánh bại chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc; đồng thời tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam; kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động “bình định,” “chiêu hồi” của địch; bảo vệ các phong trào cách mạng của quần chúng, tiếp quản vùng mới giải phóng, góp phần quan trọng giành thắng lợi trên các chiến trường, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước thống nhất, Công an nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ,” phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng, củng cố chính quyền; dũng cảm chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; truy quét, bóc gỡ, vô hiệu hóa nhiều tổ chức gián điệp, phản động, đập tan kế hoạch hậu chiến của các thế lực thù địch, khám phá nhiều vụ án nghiêm trọng.

Trước yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế, Công an các cấp đã chủ động đổi mới các mặt công tác, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.

Chủ động mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia sâu rộng, hiệu quả các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu, giải quyết các vấn đề quốc tế về phòng, chống tội phạm, phục vụ hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

- Vừa qua, lực lượng Công an nhân dân đã triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị đã tăng cường một bước rất quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an; tạo điều kiện để xây dựng tổ chức, bộ máy Bộ Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, điều chỉnh, bố trí lực lượng theo hướng tăng cường cho cơ sở, xây dựng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng các cục trực thuộc Bộ; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế; sáp nhập Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an tỉnh, thành phố; đặc biệt là xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (đây là 1 cấp Công an rất quan trọng nhưng trước kia mới chỉ bố trí lực lượng bán chuyên trách).

Do đó, lực lượng Công an gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình, giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở và kịp thời phục vụ nhân dân tốt hơn; khắc phục được chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu, phát huy tối đa nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ.

- Thưa Bộ trưởng, đến thời điểm này về cơ bản, Bộ Công an đã hoàn thành việc sắp xếp bộ máy, tổ chức, với mô hình “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở.” Đây được coi là “một cuộc cách mạng lớn” không chỉ riêng với ngành Công an mà còn đối với công tác tổ chức cán bộ nói chung. Xin Bộ trưởng đánh giá một số kết quả nổi bật đã đạt được trên lĩnh vực này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, đến nay tổ chức, bộ máy của Công an các cấp được đổi mới, sắp xếp tinh gọn hơn so với trước đây. Ở Bộ không bố trí cấp Tổng cục, đã giảm gần 60 đơn vị cấp Cục.

Ở địa phương sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Toàn ngành giảm hơn 800 đơn vị cấp phòng và hàng nghìn đơn vị cấp đội. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ đã cơ bản ổn định; thực hiện nghiêm túc quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương.

Bước đầu thực hiện điều chỉnh cơ cấu cán bộ theo hướng tăng cường cho cơ sở và lực lượng trực tiếp chiến đấu. Đến nay, số xã trên toàn quốc đã được bố trí Công an chính quy đạt 100%.

Song song với đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã kịp thời kiện toàn tổ chức Đảng các cấp trong Công an nhân dân, chuẩn bị chu đáo nhân sự Công an tham gia cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lãnh đạo Bộ Công an cùng các đại biểu dự hội nghị điển hình tiên tiến lực lượng Công an xã trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở ngày 4/8, tại Hà Nội.. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lãnh đạo Bộ Công an cùng các đại biểu dự hội nghị điển hình tiên tiến lực lượng Công an xã trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở ngày 4/8, tại Hà Nội.. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)


Công tác tài chính, hậu cần, trang bị được tổ chức lại phục vụ tốt yêu cầu công tác của lực lượng theo mô hình tổ chức mới.

Như vậy, có thể thấy, sau gần 2 năm thực hiện mô hình tổ chức mới, đã tạo điều kiện rất thuận lợi để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Công an địa phương đối với các mặt công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác, chiến đấu.

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an thể hiện sự chủ động, gương mẫu, đi đầu và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nỗ lực lớn của Đảng ủy Công an Trung ương, có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị về việc thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoan nghênh, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

- Qua thực tế tại một số địa phương việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã cơ bản xong. Tuy nhiên, nhiều địa bàn việc bố trí số lượng chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, ví dụ như có những địa bàn chỉ có 1 trưởng Công an xã chính quy hoặc 1 trưởng, 1 phó là Công an chính quy, như vậy thì việc thành lập cấp Công an mới chắc chắn sẽ chưa đáp ứng được, Bộ đã cập nhật thực tế này chưa, những giải pháp tiếp theo khắc phục thực trạng này là gì?

Bộ trưởng Tô Lâm: Việc tăng cường cho cơ sở, trong đó có bố trí Công an xã chính quy là một quá trình, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc: Không tăng biên chế, sử dụng nguyên biên chế hiện có, chỉ điều động bố trí lực lượng giữa các cấp trong Công an nhân dân.

Vì vậy, để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ từ Bộ đến cơ sở, chúng tôi xác định lộ trình, bước đi phù hợp. Đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu. Công an 63 địa phương đã bố trí tổng số hơn 28.000 Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (đạt tỷ lệ 100%), hình thành cơ bản bộ khung của Công an cấp xã và có tổ chức Đảng tương ứng.

Những kết quả, hiệu quả của việc bố trí Công an cấp xã chính quy và cả những khó khăn, thách thức đang đặt ra tại cơ sở luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an theo dõi, nắm bắt thường xuyên, có dự báo, dự liệu từ trước.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường cho cơ sở, đặc biệt là công an cấp xã (trước mắt dự kiến sẽ bố trí đủ trung bình mỗi xã từ 3-5 cán bộ Công an xã chính quy, 100% Trưởng Công an xã là công an chính quy) nhằm đảm bảo đủ lực lượng, phương tiện trang thiết bị, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng bán chuyên trách và các lực lượng tại chỗ khác.

Quá trình triển khai phải bảo đảm giải quyết chế độ, chính sách tương xứng với thành tích, cống hiến của lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Bộ Công an cũng đang khẩn trương hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; đồng thời tổ chức sơ kết quá trình triển khai chủ trương này để đánh giá tổng thể, toàn diện, tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương và định hướng chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

- Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng việc đưa Công an chính quy về xã là thực tế rất tốt để rèn luyện và đào tạo mỗi cán bộ toàn diện hơn, sát thực tế hơn, trưởng thành hơn, vậy quan điểm của cá nhân Bộ trưởng như thế nào về những đánh giá này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Đúng như vậy, thực tiễn ở cơ sở là điều kiện rất tốt để rèn luyện, đào tạo cán bộ. Thực tế thời gian qua cho thấy, đội ngũ công an chính quy được điều động về các xã, thị trấn rất nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn.

Được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao, đã khẳng định chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an trong tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” là rất đúng đắn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra đối với lực lượng này. Bản thân các đồng chí phải chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, am hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa, điều chỉnh phương pháp, cách làm cho phù hợp, nhanh chóng làm quen với cấp ủy chính quyền địa phương, bà con sở tại, vừa chứng tỏ sự chuyên nghiệp, bài bản của lực lượng chính quy nhưng cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý công việc và bảo đảm các yêu cầu pháp luật, kịp thời đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.

- Thưa Bộ trưởng, việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong chiến lược phòng, chống tội phạm hiện nay được hiểu thế nào qua mô hình tổ chức mới của ngành Công an, nhất là khi lực lượng Công an xã được chính quy hóa như hiện nay?

Bộ trưởng Tô Lâm: Vấn đề xây dựng thế trận “an ninh nhân dân” - “thế trận lòng dân” có vai trò hết sức quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

Việc bố trí Công an cấp xã chính quy là xây dựng một cấp Công an với đầy đủ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trang bị phương tiện nghiệp vụ để thực hiện công tác tham mưu, trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn xã.

Như vậy, lực lượng Công an trực tiếp gần dân hơn, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ khả năng giải quyết công việc ngay từ cơ sở, nhanh chóng nắm, bắt giải quyết những những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Công an vận động, hướng dẫn, tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia có chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở.

Khi người dân tin tưởng, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, cũng chính là góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững chắc.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm