Ngày 26-9, trước diễn biến dịch bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng với số người mắc tăng nhanh, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ.
Trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nên tỷ lệ trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ rất cao (Ảnh minh họa) |
Khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng nêu rõ, bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do virus nhóm Adeno và Picorna gây ra, với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ; cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều dịch rử mắt và chảy nước mắt.
Đau mắt đỏ là bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm virus hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Đặc biệt, bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người.
Để chủ động phòng bệnh, cộng đồng cần thực hiện tốt các biện pháp, bao gồm: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Theo Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu tháng 9 tới nay, dịch bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, trong đó số ca mắc nhiều nhất tập trung tại Hà Nội với trên 6.000 trường hợp mắc. Cùng với Hà Nội, một số tỉnh thành phía Bắc, số người mắc đau mắt đỏ cũng đang tăng nhanh, như: Bắc Ninh hơn 2.500 ca, Tuyên Quang 1.600 và Ninh Bình khoảng 1.200 trường hợp.
Theo sggp