Phóng sự - Ký sự

Brang làng ba tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ít có ngôi làng nào ở Việt Nam này như làng Brang, xã Đak Pling, huyện Kông Chro. Hễ hú dài một tiếng, thanh âm vọng vào vách núi vang xa đến cư dân của 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên. Nhiều người tếu táo rằng, Brang là làng ba tỉnh. Vậy cũng chẳng ngoa!

Làng nghèo nằm chênh vênh quanh vách núi Kông Hnoi. Niềm vui, có chăng là những dịp hoan ca ngày hội làng. Vui đấy, say đấy rồi họ trở về mưu sinh lặng lẽ, khốn khó. Người làng Brang ít khi được ra huyện, chuyện ra phố thị Pleiku quả là trong mơ. Cả trăm năm nay cuộc sống cứ yên lặng như thế.

Tiếng hú vọng ba tỉnh

Trước kia, niềm vui hàng đêm của ngôi làng ngập tràn trong đêm tối u tịch là hình ảnh mọi người quây quần bên bếp lửa. Họ tập trung để nghe người già kể chuyện, để bớt cô quạnh giữa núi rừng đại ngàn và cả nỗi sợ thú dữ, đêm đen. Thế kỷ trước làng Brang chỉ có mươi nóc nhà lọt thỏm trong thung sâu, phía trên là ngọn Kông Hnoi ngút mắt. Nhiều người già còn nhớ: “Hồi đó hay có cán bộ ghé lắm. Họ đi vài người lội rừng phải cả vài ngày mới đến được đây. Cán bộ có muối, có chút thức ăn. Người làng có gạo hay mì, cá suối, ít thịt thú rừng bẫy được. Vậy là ăn chung!  Cứ nghe tiếng máy bay trực thăng từ phía An Khê nổ giòn là cả làng tấp vào sâu trong rừng. Trai gái trong làng hễ cán bộ cần là sẵn sàng giúp. Nghèo nhưng vui lắm!”.

 

Một góc làng Brang. Ảnh: T.H
Một góc làng Brang. Ảnh: T.H

Nhiều người già trong làng kể mỗi lần vào rừng sâu mưu sinh, hễ hú một tràng dài là vang vọng cả núi rừng. Người đi rừng ở các huyện Vân Canh, Đồng Xuân của 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên đều nghe thấy, hú đáp lại. Đó chưa hẳn như tiếng trống truyền tin ám ảnh giữa các làng trong tác phẩm Cội Rễ của nhà văn Mỹ Alex Haley từ ngôi làng Jufure hẻo lánh (ở Zambia tận châu Phi) hàng trăm năm trước. Song, đó là niềm vui từ thung sâu hiu quạnh. Họ chào nhau và đánh tiếng sự hiện diện của mình trong tiếng hú ám ảnh đó. Người già làng Brang chẳng thể quên.

Bên kia núi là những cư dân bản địa thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên. Già Phin, năm nay đã 70 tuổi vẫn nhớ như in: “Gần lắm à. Mình hú là họ nghe rõ và hú lại chào. Thỉnh thoảng có người vì mải trong rừng đã lạc sang tận bên này. Làng mình cho thức ăn, dẫn đường để họ về bên kia. Người làng mình lạc sang họ cũng như thế”.

Cách đây vài chục năm trước, mùa mưa đến là cả làng, cả xã bị cô lập vì nước ngập đường. Trai tráng trong làng lại đem các thứ sản vật của rừng vượt núi sang các huyện Vân Canh, Đồng Xuân đổi những thực phẩm thiết yếu. Phải đi hơn cả ngày trời mới đến. Đêm thì leo lên cây ngủ để tránh thú dữ. Phải vài người đi như thế cho một chuyến “gùi hàng”.

 

Bộ đội giúp người làng Brang dời làng. Ảnh: T.H
Bộ đội giúp người làng Brang dời làng. Ảnh: T.H

500 mét và 1/3 thế kỷ

Hòa bình, làng dời ra chỗ bằng phẳng để tiện dựng nhà, chăn nuôi, trồng cây. Khoảng 30 năm nay làng định cư quanh núi. Từ TP. Pleiku đến trung tâm huyện Kông Chro là 120 km, vào đến làng phải đi thêm chừng 40 km. Những ngày mưa to, 2 ngầm nước lớn vắt ngang đường lũ dữ cuồn cuộn đổ về. Làng biệt lập với bên ngoài, nhanh thì vài ngày nước mới rút, mưa lớn thì phải cả tuần. Mới hơn 2 năm nay con đường bê tông nối từ trung tâm huyện đến gần làng giúp lưu thông thông suốt.

Trong ký ức của nhiều giáo viên trẻ hơn chục năm trước vừa mới ra trường được phân công cắm làng, xã Đak Pling gắn với những đêm mưa rừng như dài vô tận, là tiếng côn trùng rỉ rả nao lòng. Chúng tôi đã có dịp ở lại với những giáo viên trong đêm buồn như thế. Đêm mùa đông ở đây lạnh lắm. Nhà ở là những vách nứa đập dập, thưng lại. Nhiều giáo viên nhớ nhà, lạnh không ngủ được, nghe rõ cả tiếng thở của nhau. Mùa mưa đường bị chia cắt không thể ra huyện được. Điện kéo vào, đường làm rồi nhà ở giáo viên được xây nên. Cái khổ cũng bớt.

…Hơn chục năm nay bỗng nhiên trên núi trổ ra hai ngách lớn tạo nên hai con suối tự nhiên băng ngang làng. Người làng gọi là suối Ông Queo và Đak Dơm. Cứ mưa lớn là nước trên núi ồ ồ theo hai con suối này đổ về suối Xà Nần cách làng gần 1 cây số. Dòng nước dữ kéo theo cả đá núi, cây cối nhiều phen làm khổ người làng Brang. Nhắc đến trận lũ quét kinh hoàng cuối năm 2009, người làng khiếp hãi. Lúc đó nước từ trên núi ào về. Người làng nghe như động rừng đã hò nhau chạy lên chỗ cao. May sao mười mấy con bò của làng đang ở trong rừng nên thoát chết. Qua ánh đèn pin loang loáng, người làng thấy heo, gà chới với trong lũ dữ. Nếu không chạy kịp, vài chục con người đã mất mạng.

Buồn nhất là Đinh Vênh. Anh vừa dắt con bò về buộc ở nhà để làm đám cưới thì lũ dữ về cuốn trôi mất, phải 3, 4 hôm sau người làng mới tìm thấy xác bò trương phình phía hạ du. Vênh đành đập mấy con heo mời làng ngày cưới.

Mới đây, nhờ sự quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, khi chỉ đạo dời làng khẩn trương, người làng Brang đã ra làng mới cách làng cũ chỉ 500 mét. Mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng kèm hơn 300 m2 đất ở ổn định cuộc sống. Việc di dời đã có thanh niên, bộ đội giúp. Hơn 60 hộ với tròm trèm 300 nhân khẩu thoát cảnh lo âu mỗi mùa mưa đến.

Người “thiểu số” hiến đất xây trường

 

Những trò chơi tự chế của trẻ em trong làng. Ảnh: T.H
Những trò chơi tự chế của trẻ em trong làng. Ảnh: T.H

Khoảng hơn 3 ha đất trống được chuẩn bị sẵn để 60 hộ làng Brang có thể yên tâm định cư. Vùng đất cũ của làng được dùng để canh tác các loại cây ngắn ngày. Chính quyền huyện Kông Chro đã làm sẵn 2 cái cống lớn, tiện cho người dân đi lại. Người làng Brang như cất được gánh nặng nguy hiểm đến tính mạng trong những ngày mưa lũ.

Ông Lê Văn Cảnh là một người dân ở thị xã An Khê vào định cư hơn 20 năm qua và mở một quán nhỏ cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân. Nhiều người nói vui rằng ông là người “thiểu số” ở đây vì người dân trong làng toàn bộ là dân tộc Bahnar. Biết tin dời làng nhưng thiếu đất làm trường học, ông đã tự nguyện hiến 1.200 m2 đất của gia đình đã khai phá từ lâu để chính quyền dựng trường.

Ông Cảnh nói: “Mảnh đất có giá vài chục triệu đồng không sá gì so với việc học của các cháu. Đất này mình khai phá từ hơn 20 năm nay để trồng mì. Mong các cháu có chỗ học rồi học lên nữa để thoát khỏi cảnh khổ. Cuộc sống của người trong làng còn khó khăn lắm. Hầu hết họ đều nghèo, mỗi khi có việc cần đến tiền bạc không biết xoay xở ra sao. Nhà có người đau là bán bò, bán heo. Khổ lắm!”.

Brang, một trong những ngôi làng xa nhất tỉnh giờ đã phần nào yên tâm về nơi ở mới. Ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND Kông Chro cho biết: “Quan trọng nhất là di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước mùa bão lũ. Hơn 300 người gồm thanh niên, chiến sĩ quân đội đã giúp dân trong 10 ngày để hoàn tất công việc di dân. Huyện xây dựng kế hoạch đầu tư công trình điện, nước sạch hoàn chỉnh. Hiện nơi ở của người dân đã sát đường bê tông, chỉ cách trung tâm UBND xã Đak Pling chừng 5 km. Huyện sẽ có thêm những chương trình tạo sinh kế cho người dân, giúp họ an cư và cả lạc nghiệp”.

Kông Chro, một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất Gia Lai. Và xã Đak Pling, có 274 hộ sống ở 4 làng là nơi nghèo của huyện với hơn 70% hộ nghèo. Những ngày đủ đầy vẫn là ước mơ của người bản địa nơi đây. Chúng tôi rời làng lúc cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Gió mùa thông thốc thổi tứ bề mang theo cái lạnh heo hút nơi núi rừng. Đâu đó, vẳng lại tiếng người í ới gọi nhau ra suối lấy nước cho kịp sáng mai lên rẫy...

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm