Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bước đột phá chống chạy chức, chạy quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa qua, nhiều đơn vị ở Trung ương và địa phương đã tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp huyện, sở, vụ, cục để chọn cán bộ lãnh đạo được xem là bước đổi mới trong công tác cán bộ. Trao đổi với PV Lao Động, ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - nhấn mạnh: Đây là giải pháp cụ thể chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường (giữa) tại buổi giới thiệu thành tựu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: PV
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường (giữa) tại buổi giới thiệu thành tựu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: PV




Đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ

Thưa ông, cán bộ được xem là cái gốc của mọi công việc. Việc lựa chọn cán bộ có ý nghĩa quyết định rất quan trọng trong điều hành công việc. Vậy, đâu là cơ sở để tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc đổi mới thi tuyển chọn cán bộ này?

- Để thực hiện việc thi tuyển này, chúng ta căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; Thông báo Kết luận số 2020 ngày 26.5.2015 của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”; Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16.1.2017 của Văn phòng Trung ương Đảng, thông báo kết luận của Ban Bí thư về “chủ trương thí điểm thi tuyển lãnh đạo quản lý”.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã có công văn hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở cấp phòng. Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ cũng đã có công văn hướng dẫn, “cho ý kiến về đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc tiếp tục thi tuyển lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng và đổi mới cách tuyển chọn Bí thư cấp ủy, cấp huyện”.

Trên cơ sở các văn bản nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định về thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở và Quy chế về “thí điểm tuyển chọn bí thư cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện”.

Vậy, việc thi tuyển chọn Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ được tổ chức như thế nào để biết ai là người có sáng kiến, ý tưởng hay, đóng góp cống hiến cho công việc, thưa ông?

- Trước hết, chúng ta thực hiện đúng các quy chế, quy định của Đảng về công tác cán bộ, không thay đổi quy trình, quy định, chỉ đổi mới một khâu quan trọng là tuyển chọn cán bộ. Theo đó, đối với chức danh cán bộ cấp sở, cấp phòng thì tổ chức thi tuyển theo quy định tại văn bản số 2424 của Bộ Nội vụ và kinh nghiệm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp cục của Ban Tổ chức Trung ương.

Đối với chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, chúng ta lựa chọn ít nhất từ 3-5 đồng chí đủ điều kiện tiêu chuẩn theo đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, có trong quy hoạch tương đương.

Sau đó, những cán bộ này bố trí thời gian để làm chương trình hành động, cho trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chọn đồng chí có năng lực nổi trội, giới thiệu để tiến hành quy trình công tác cán bộ theo đúng quy định. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ phân tích đánh giá và bỏ phiếu chọn ra 1 đồng chí xuất sắc thứ nhất, thứ hai… cho 1 vị trí để giới thiệu tiến hành quy trình cán bộ theo đúng quy định hiện hành.

Việc đổi mới cách tuyển chọn này chỉ ở khâu quan trọng nhất là lựa chọn cán bộ, còn quy trình cán bộ vẫn phải thực hiện đúng quy định hiện hành của Trung ương và tỉnh.

Giải pháp chống chạy chức, chạy quyền

Việc đổi mới tuyển dụng theo hình thức thi cử như thế này có những ưu điểm gì? Việc này có khắc phục được lỗ hổng, khuyết gì trước đây, thưa ông?

- Việc đổi mới cách tuyển chọn cán bộ này giúp Ban Thường vụ chọn được cán bộ thực tài. Chúng ta đánh giá cán bộ qua hồ sơ, qua quá trình công tác, nay thêm bước trình bày đề án, chương trình hành động, trả lời câu hỏi xử lý tình huống do Ban Thường vụ đặt ra sẽ chính xác hơn khi đánh giá, chọn được người có đức, tài hơn để bố trí vào vị trí công tác. Thứ hai, việc này giúp cán bộ tự nghiên cứu, nâng cao trình độ. Khi cán bộ chuẩn bị chương trình hành động nếu được chọn làm bí thư sẽ phải đọc, nghiên cứu nâng cao trình độ bản thân.

Đồng thời, việc thi tuyển như vậy sẽ chắt lọc được các giải pháp hay, khâu đột phá để xây dựng, phát triển huyện. Mặt khác, việc này nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều người để cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch, chọn người tài, đức nhất. Loại bỏ tâm lý không phục nhau vì không có căn cứ để đánh giá ai giỏi hơn ai.

Đây là giải pháp cụ thể chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ sẽ phân tích, bỏ phiếu cho điểm. Nếu điểm đồng chí nào cho ai đó chênh lệch 20% so với điểm trung bình chung thì phiếu đó sẽ bị loại ra.

https://laodong.vn/thoi-su/buoc-dot-pha-chong-chay-chuc-chay-quyen-788836.ldo

VƯƠNG TRẦN (thực hiện)

(Dẫn nguồn Báo Lao Động)

Có thể bạn quan tâm