Thời sự - Bình luận

Cả ngàn người bỏ việc và nghĩ về đồng xu còn lại trong túi nhân viên y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Y tế là ngành có sản lượng thực (real) tăng cao nhất, với 13%; Giá dược phẩm, dịch vụ y tế cũng tăng đến 25%... Vậy tại sao nhân viên y tế vẫn bỏ việc vì “không sống được”.

 

 Nhân viên y tế Bệnh viện Thủ Đức trong những ngày dịch bệnh, và giờ, xin nghỉ việc khi mỗi cuối tháng 1 xu cũng không còn. Ảnh: Nguyễn Ly
Nhân viên y tế Bệnh viện Thủ Đức trong những ngày dịch bệnh, và giờ, xin nghỉ việc khi mỗi cuối tháng 1 xu cũng không còn. Ảnh: Nguyễn Ly



T, kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện Thủ Đức vừa nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do của anh rất đơn giản: "Cách đây hơn 2 năm, thu nhập ở Bệnh viện là hơn 10 triệu đồng/tháng. Còn bây giờ, chỉ còn 5 triệu đồng”.

Lương giảm một nửa, lương quá thấp, lương 5 triệu đồng, trong khi áp lực công việc, sự nguy hiểm phải đối mặt, và trong khi “phải sống” ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất cả nước... T, và những đồng nghiệp của anh không nghỉ mới thật là lạ.

Một con số trên báo Dân Việt: "Làn sóng nghỉ việc" ở nhiều khoa, phòng ở Bệnh Viện Thủ Đức đến mức như Khoa Truyền máu-Huyết học vốn có 40 nhân viên y tế, hiện chỉ còn 18 người.

Một tình trạng ở đầu tàu kinh tế: Nhân viên y tế thiếu đến mức có nơi phải đảm nhận công việc gấp 15,6 lần so với “chuẩn”.

Một tình trạng: Năm ngoái, gần 1.000 nhân viên y tế đã nghỉ việc.

Và một phát ngôn từ ông Tăng Chí Thượng, người đứng đầu ngành y tế TPHCM: "Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là có lý do... gần 8 tháng trôi qua, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp".

Từ 2017, viện phí đã “gánh” lương nhân viên y tế.

1.900 dịch vụ y tế cũng đã tăng giá, để tính đúng, tính đủ, tính giá trị thật. Và cũng là để khắc phục kiểu “Có vị giám đốc nói giá này (giá dịch vụ y tế khi chưa tăng) đang ăn mòn vào người chúng tôi, lấy gì trả lương, lấy gì mua thuốc, lấy gì bù vào vật tư tiêu hao... “ - lời bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế khi đó.

Trong quý I.2022 này, ngành có tốc độ tăng trưởng vượt trội nhất chính là ngành y tế. Vượt trội cả ở giác độ ngành có sản lượng thực (real) tăng cao nhất (13,2%) vừa có giá dược phẩm và dịch vụ y tế tăng vọt (khoảng 25%).

Vậy mà kể cả khi đã tăng giá, kể cả khi tăng trưởng vượt trội, mỗi năm vẫn 400-500 nhân viên y tế nghỉ việc, vậy  mà ngay ở TPHCM, năm ngoái gần 1.000, 3 tháng “tăng trưởng vượt trội” đầu năm nay thêm 400 người nữa xin nghỉ.

Năm 2019, trước ngày rời nhiệm sở, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự chạnh lòng khi nhắc tới hình ảnh “nhét đồng xu vào miệng Táo Y tế”… trong một chương trình Gặp nhau cuối năm.

Đúng là chạnh lòng với những hy sinh, cống hiến.

Thế giờ đây thì ai chạnh lòng cho những người lương tâm trách nhiệm cao quý tận tâm cống hiến thậm chí hy sinh… để rồi sau đó đến cuối tháng thì một xu cũng chẳng còn?!


 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ca-ngan-nguoi-bo-viec-va-nghi-ve-dong-xu-con-lai-trong-tui-nhan-vien-y-te-1031577.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm