Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cả nhà lãnh án vì phá rừng làm nương rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 15-1, Tòa án Nhân dân huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đưa ra xét  xử sơ thẩm vụ án “Huỷ hoại rừng” xảy ra tại xã Hà Tây, huyện Chư Pah và tuyên phạt 69 tháng cải tạo không giam giữ dành cho 4 bị cáo đồng thời buộc bồi thường thiệt hại do các đối tượng này gây ra trên 165 triệu đồng. Điều đáng nói là cả 4 bị cáo trong vụ án này đều là thành viên trong một gia đình.
Các bị cáo gồm: Bà Hmaih (SN 1960), hai con gái là Amanh (SN 1989), Vơi (SN 1997) và con rể Aman (chồng của Vơi, SN 1997), đều là dân tộc Bahnar, trú tại làng Đê Sơ Mei, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. 
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân huyện Chư Pah, khoảng giữa tháng 1- 2018, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có thu nhập ổn định và không có đất sản xuất, bà Hmaih đã bàn bạc với các con của mình đi tìm địa điểm để phá rừng làm nương rẫy. Sau khi bàn bạc, Aman đi lên khu vực rừng sản xuất tự nhiên tại lô 12, khoảnh 2, tiểu khu 191 lâm phần do Uỷ ban Nhân dân xã Hà Tây (địa giới hành chính xã Hà Tây, huyện Chư Pah) quản lý để chọn một khoảnh rừng phù hợp. Sau đó, Aman đã cùng Hmaih, Vơi và Amanh sử dụng cưa máy, dao rựa chặt phá và dùng lửa đốt cháy toàn bộ 8.776 m2 rừng sản xuất tự nhiên, dự định chờ mưa xuống sẽ trồng lúa và hoa màu. Ngày 20-4-2018, Công an xã Hà Tây phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tiến hành kiểm tra, phát hiện vụ việc và trình báo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Pah.
Từ trái sang HMaih, Vơi, AManh, AMan. Ảnh: Hồng Thuấn
Theo các kết luận giám định và định giá tài sản trong Tố tụng hình sự: Số gỗ mà Aman, Hmaih, Vơi và Amanh đã chặt phá và đốt cháy trái phép tại diện tích rừng này là 224 cây, thuộc gỗ nhóm III, IV, V, VI, với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 20,457 m3 và củi thiệt hại là 2,61 ster. Tổng giá trị thiệt hại về gỗ và thiệt hại môi trường do các đối tượng gây ra trên 165 triệu đồng.
Quá trình điều tra, các đối tượng của vụ án đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Xét thấy gia đình các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đều là người dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên Tòa án Nhân dân huyện Chư Pah căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 243 Bộ luật Hình sự đã tuyên phạt: Aman 24 tháng cải tạo không giam giữ, Hmaih, Vơi và Amanh mỗi người 15 tháng cải tại không giam giữ; buộc các đối tượng chia đều số tiền thiệt hại để bồi thường. Đây là bài học đắt giá cho những ai có hành vi xâm phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, xâm hại đến sự ổn định và bền vững của môi trường sinh thái. 
Hồng Thuấn

Có thể bạn quan tâm