Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Các đại biểu chất vấn và trả lời kiến nghị cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ngày làm việc thứ ba (12-7) của Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, các đại biểu đã nghe lãnh đạo một số sở, ngành giải đáp những vấn đề còn tồn tại.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XI, lãnh đạo các sở, ngành đã tiến hành trả lời các nội dung có liên quan đến trách nhiệm của mình.

Trả lời vì sao chỉ số Cải cách hành chính (Par index) của tỉnh Gia Lai năm 2017 đạt 73,8 điểm, xếp thứ hạng 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2,36 điểm và tụt 25 bậc so với năm 2016, đại biểu Huỳnh Văn Tâm-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ lý giải: Về nguyên nhân khách quan, do Bộ Nội vụ ban hành Bộ chỉ số mới và áp dụng chấm điểm theo Bộ chỉ số mới dẫn đến việc tỉnh không chủ động trong việc triển khai thực hiện nên nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt yêu cầu hoặc không có tài liệu kiểm chứng.

Đại biểu Huỳnh Văn Tâm-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đều không đạt yêu cầu. Về nguyên nhân chủ quan, do tỉnh có nhiều sai phạm trong sử dụng kinh phí quản lý hành chính nhà nước, việc tuyển dụng, bổ nhiệm… dẫn đến nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần bị mất điểm. Mặt khác, các lĩnh vực mất điểm khác như: giải quyết hồ sơ quá hạn, công chức cấp xã đạt chuẩn không đạt yêu cầu của Bộ Nội vụ… Việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng là điều đáng bàn.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Trang- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Chỉ số cải cách hành chính luôn là vấn đề được nhắc đi nhắc lại tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Tại sao các tỉnh khác làm được mà Gia Lai lại không làm được? Cần phải làm rõ chỗ nào còn yếu? chỗ nào chưa đạt? Tôi đề nghị giám đốc Sở Nội vụ phải năng động và tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ này”.

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tâm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phê bình, kiểm điểm các cơ quan, đơn vị, địa phương đã để xảy ra nhiều sai phạm làm tụt giảm xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh. Trên cơ sở đó, chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan khắc phục kịp thời và đề xuất giải pháp cải thiện trong những năm tiếp theo. “Sở Nội vụ sẽ thường xuyên đôn đốc các cơ quan được UBND giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh những năm tiếp theo. Song song với đó, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương để vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; ịp thời đề xuất, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc của cơ quan để UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý”-đại biểu Tâm nêu giải pháp.

Đại biểu Võ Anh Tuấn- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa băn khoăn về việc bố trí việc làm cho các trường hợp được đào tạo theo hệ cử tuyển. Ảnh: Đức Thụy

Nhiều đại biểu chất vấn, yêu cầu Sở Nội vụ giải trình vì sao hiện toàn tỉnh có 41 sinh viên sau khi tốt nghiệp thuộc hệ cử tuyển nhưng chưa được bố trí việc làm, gây dư luận không tốt? Giải đáp vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tâm-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ xác nhận: Hiện còn 41 em sau khi được đào tạo theo hệ cử tuyển nhưng ngành học không phù hợp với vị trí việc làm so với nhu cầu thực tế hiện nay. Đặc biệt, đang trong giai đoạn thực hiện việc tinh giản biên chế nên các trường hợp này càng gặp khó khăn trong giải quyết việc làm. Để giải quyết những trường hợp này, đại diện Sở Nội vụ đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương thực hiện việc rà soát vị trí việc làm, còn biên chế hay không để Sở Nội vụ sớm tham mưu UBND tỉnh giải quyết”.

Thiếu biên chế trầm trọng trong ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh là một trong những vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận và làm rõ trong phiên thảo luận sáng nay. Nhiều đại biểu đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ làm rõ trách nhiệm của mình về việc hiện nay toàn tỉnh còn thiếu hơn 1.000 giáo viên, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy ở nhiều trường học trong tỉnh? Vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tâm cho biết: Cả tỉnh còn thiếu hơn 1.000 biên chế so với định mức, cần phải tuyển dụng. Sở đã báo cáo Bộ Nội vụ để xem xét. Việc tuyển công chức mất nhiều thời gian, nhưng đây là theo quy định của nhà nước, Sở Nội vụ nhận thiếu sót và sẽ rút kinh nghiệm, từ nay đến cuối năm sẽ khẩn trương triển khai vấn đề này.

Trao đổi về việc thu hút đầu tư doanh nghiệp sản xuất cồn khô từ mỳ tại Cụm Công nghiệp Phú An, huyện Đak Pơ, đại biểu Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy mỳ đang hoạt động gồm: nhà máy mỳ Ia Pa, nhà máy mỳ Phú Túc, nhà máy mỳ Mang Yang, nhà máy tinh bột mỳ An Khê. Hiện 4 nhà máy này có tổng công suất 750 tấn tinh bột/ngày, tương đương 962.500 tấn sắn tươi/năm. Theo quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt tại Quyết định số 681/QĐ-UBND thì đến năm 2020 diện tích mỳ khống chế 50.000ha, tương đương 1.022.000 tấn sắn tươi/năm. “Hiện nay diện tích sắn đã vượt quá quy hoạch. UBND tỉnh Gia Lai không có định hướng phát triển cây sắn. Việc này, Sở Kế hoạch- Đầu tư đã làm việc với các nhà đầu tư và gợi ý họ nên làm cồn từ mía và các sản phẩm từ mật đường”.

Đại biểu Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình 12 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cho rằng: vấn đề đầu ra sản phẩm của nông dân hiện nay đang còn bấp bênh, do đó Sở Kế hoạch-Đầu tư nên xem xét việc gì có lợi cho dân, tạo được nguồn thu cho địa phương thì nên cân nhắc để làm. “Huyện Đak Pơ hiện nay có hai loại cây chính là mía và mỳ. Trong khi giá cả nông sản còn chưa ổn định thì việc thành lập nhà máy sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm của người dân. Có nhà máy sẽ có nguồn thu thuế. Vì vậy, Sở Kế hoạch-Đầu tư nên tính toán nếu doanh nghiệp làm phải có lợi cho dân thì mới đầu tư”- Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang chỉ đạo.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc kêu gọi đầu tư hiệu quả chưa cao do sự phân công trách nhiệm các sở, ngành chưa rõ ràng. Đại biểu Hồ Phước Thành khẳng định: “UBND tỉnh đã có quyết định về việc thành lập Hội đồng xúc tiến đầu tư của tỉnh và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng xúc tiến đầu tư, trong đó đã có quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ của các sở, ngành. Căn cứ Quyết định các sở, ngành đã thực hiện nghiêm túc theo quy chế quy định”.

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã đề ra các giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, nội chính, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh nông thôn, giao thông… mà các đại biểu và cử tri tỉnh nhà quan tâm.

Chiều nay, kỳ họp tiếp tục phiên làm việc, nghe Chủ tịch UBND tỉnh trả lời một số vấn đề liên quan và tiến hành bế mạc.

Báo Gia Lai điện tử sẽ liên tục thông tin nội dung kỳ họp đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm