Thời sự - Bình luận

Cải cách từ con người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lý giải phần nào cho việc chỉ số cải cách hành chính của TP.HCM liên tục tụt hạng, lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc Văn phòng Chính phủ) đưa ra hàng loạt con số liên quan...

Lý giải phần nào cho việc chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của TP.HCM liên tục tụt hạng, lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc Văn phòng Chính phủ) đưa ra hàng loạt con số liên quan đến tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn, số thủ tục làm trực tuyến, kết nối hồ sơ liên thông với T.Ư, số lượng phản ánh thái độ ứng xử công chức…

 

Công chức ở TP.HCM phải xử lý khối lượng lớn hồ sơ, như năm 2021 hơn 17,8 triệu hồ sơ. Ảnh: Nguyên Vũ
Công chức ở TP.HCM phải xử lý khối lượng lớn hồ sơ, như năm 2021 hơn 17,8 triệu hồ sơ. Ảnh: Nguyên Vũ



Theo đó, khoảng 20% lượng phản ánh tập trung ở TP.HCM là con số đáng báo động, cho thấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) giữa thực tế với khảo sát vẫn còn độ vênh lớn. Để hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, người dân phải tới lui các cơ quan từ 7 - 8 lần là khá phiền phức, cũng vì hồ sơ, dữ liệu không được liên thông.

Khối lượng hồ sơ của một “siêu đô thị” như TP.HCM rất lớn, như năm 2021 là 17,8 triệu hồ sơ, còn trong 3 tháng đầu năm 2022 cũng hơn 5,3 triệu hồ sơ. Mục tiêu cuối cùng của CCHC là phục vụ người dân và DN. Một đô thị có chỉ số CCHC nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng cho thấy người dân chưa thực sự hài lòng với nền hành chính và còn nhiều việc phải thực hiện để cải thiện vị trí này.

Ngoài quy trình thủ tục cần được rút ngắn nhưng thường mất nhiều thời gian, thì điều có thể làm ngay là tập trung nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Bởi theo đánh giá của Bộ Nội vụ, chất lượng đội ngũ CBCC có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết.

Xét cho cùng, dù công việc giản đơn hay công nghệ hiện đại đến mức độ nào cũng được vận hành bởi con người. Xử lý hồ sơ đơn giản hay phức tạp đều do một tay CBCC; muốn tìm cách tháo gỡ hay trả hồ sơ về làm lại cũng là CBCC thụ lý… Khi hồ sơ vướng mắc, nếu CBCC có tâm sẽ hướng dẫn và tìm giải pháp, còn vô tâm thì thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm dưới vỏ bọc “làm theo quy trình”. Sâu xa hơn, chính đội ngũ CBCC sẽ nhận ra bất cập của quy trình để rút ngắn, xóa bỏ những điều kiện vô lý, hành dân, từng bước hướng tới nền hành chính phục vụ.

Theo Nguyên Vũ (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm