Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cái nhìn về chiến tranh qua con mắt nữ nhà báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015), nhà thơ, nhà báo Trần Lệ Thu cho ra mắt cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” (Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân).

Tác giả Lệ Thu tâm sự: “Cuốn nhật ký này tôi cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỉ niệm buồn vui của riêng mình. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố!”.

Chỉ lật qua vài trang đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút vào câu chuyện của người cùng nghề nhưng tác nghiệp ở trong một thời kỳ vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

 

Nhà báo- nhà thơ Lệ Thu thời tác nghiệp ở chiến trường.
Nhà báo- nhà thơ Lệ Thu thời tác nghiệp ở chiến trường.

Lệ Thu là phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN từ 1964 đến 1972. Vào những năm cuối cuộc chiến, bà được điều động sang làm phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng (1973-1975).

Tháng 8-1973, nữ nhà báo 33 tuổi được phân công rời Hà Nội vào Nam, ban đầu với mục đích là để thành lập Ðài phát thanh Giải phóng khu V. Nhưng khi vào đến nơi, vì điều kiện khó khăn nên Ðài phát thanh đó  không thành lập được, đoàn cán bộ của Lệ Thu trở thành bộ phận “phóng viên thường trú”, có nhiệm vụ phản ánh tình hình thực tế, viết bài gửi ra Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng.

Cuốn Nhật ký đầy ắp những sự kiện diễn ra vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh ở các tỉnh Nam Trung bộ, chủ yếu là Bình Định.

Chân dung đẹp của những con người thời chiến

Lẽ ra được đi học ở nước ngoài, thì Lệ Thu lại trở thành nữ phóng viên rồi vào chiến trường. Nhưng chính đó là cơ hội để chị (xin được gọi nữ đồng nghiệp là “chị”, dù ngoài đời, bà đã ở vào tuổi bà của những phóng viên trẻ) có dịp đi, chứng kiến, trò chuyện với những người sống, chiến đấu để giành độc lập, thống nhất đất nước. Với cái nhìn sắc sảo của người làm báo, chị phát hiện và khắc họa chân dung của những con người bình thường nhưng lại rất đỗi phi thường.

Đó là chuyện của Lịch, cô gái y tá trẻ làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Một lần, cô bị địch bắt. Chúng tra khảo, bắt cô chỉ hầm bí mật giấu thương binh. Lịch quyết không khai, dù bị cưa chân từng đoạn tới 3 lần, chết đi sống lại. Khi được thả, cô chỉ còn 1 chân, lại tiếp tục làm y tá. “Mỗi lần đi giặt cho thương binh, em phải vừa ôm bọc quần áo đầy máu me, vừa lết qua các tảng đá để đến suối…”

Là chuyện của Lê Quang Lưu, người cậu họ của Lệ Thu, hy sinh khi mới 25 tuổi. “Một khuôn mặt vuông chữ điền, một đôi mắt sáng long lanh, một mái tóc đen lòa xòa trước trán, bộ quần áo quân nhân gọn ghẽ trên thân hình cân đối tầm trước. Cậu ít nói chỉ hay cười, nụ cười hiên độ lượng. Lòng cậu trắng trong như dòng sông quê mẹ chẳng bợn một chút bụi tần, chặng bợn một chút gì tính toán cá nhân…”.

Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về Lý, người xã đội trưởng du kích Phước Hưng. “Đêm xuất kích đầu tiên đánh vô vùng sâu Tuy Phước mình gặp Lý trong bộ quần áo thật sang: ga-ba-đin màu ô liu may theo kiểu quân giải phóng… Cầm tay hỏi Lý như nỗi băn khoăn về một đứa em sắp đi xa: - Em đi chiến đấu sao ăn bận sang thế này? - Em phải ăn bận đàng hoàng, lỡ có hy sinh bọn địch không khinh cộng sản nghèo khố rách áo ôm…”. Và người thanh niên ấy đã hy sinh dũng cảm, dọn đường cho thắng lợi sắp đến. Nữ nhà báo ghi vào trong nhật ký: “Vậy là trong mắt những người còn sống, em đẹp trọn vẹn như một thiên thần!”.

Thời kỳ đó, “sự sống và cái chết cách nhau không bằng chiều dài con muỗi trước mặt. Ngày nào chẳng nghe tin đồng chí mình ngã xuống, ngày nào chẳng thấy đạn nổ, bom rơi”. Thế mà ở những vùng quê chiến sự ác liệt, cuộc sống vẫn diễn ra khá bình thường. Dưới làn mưa đạn, pháo của kẻ thù người ta vẫn trồng hoa màu để lấy lương thực tiếp tế cho bộ đội, du kích. Không ai sợ cả. Pháo nổ rầm rầm thì xuống hầm. Yên yên thì lại ngoi lên trồng, tỉa, ươm những mầm xanh. Cuộc sống cứ thế sinh sôi.

Giữa lằn ranh sự sống và cái chết ấy, thật đẹp những câu chuyện đầy đầy tình người. "... Khi kết thúc trận đánh ở Hiệp Đức, có hai bé gái chạy lạc, một là con của cặp vợ chồng du kích vừa hy sinh, một là con của một gia đình ngụy quân, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai đứa bé chơ vơ ngơ ngác giữa khói lửa mù trời, đơn vị đã mang cả hai đứa bé về nuôi nấng, dạy dỗ, yêu thương như con đẻ… ".

Bom đạn, đau thương, đói rách, mệt mỏi… Nhưng vẫn không thiếu vắng tiếng cười. “Trưa nay khi ngồi nghỉ, thấy mấy cô gái xứ Quảng lôi thuốc rê ra hút, một anh chàng rất đẹp trai không biết ở đoàn nào, đọc mấy câu ca dao trêu chọc: “Tiếng đồn con gái Quảng Đà/Mất mùa thuốc là chết ba ngàn người/Bộ đội nghe nói tức cười/Đi xem ngộ độc chết mười phần trăm”… Mọi người cười ào ào, mấy cô gái Quảng Đà cũng cười, không hề tự ái”.

Tác giả cũng ghi lại những giai thoại buồn cười xung quanh chuyện đùa kiểu “nói lái” của người miền Trung. Hay câu chuyện một đêm chị bắt gặp 2 người chiến sĩ trẻ, một người Hoài Nhơn, một người Thái Bình, sôi nổi cãi nhau về chữ “bắt” trong “bắt tù binh”, “bắt xe tăng” là “t” hay “c” ở cuối. Họ kéo chị lại nhờ phân giải. “Cuộc thảo luận ngôn ngữ dưới ánh trăng mùa hạ sáng như ban ngày”.

Những gì được chứng kiến khiến chị nghĩ rằng: “Hình như cuộc sống và hành động của những con người nơi đây làm cho mình quên bớt nỗi đau riêng bé nhỏ của mình. Họ hy sinh, cao thượng và vĩ đạo quá. Họ làm cho mình cảm thấy rắn rỏi và lớn thêm lên”.

“… Khi ta hiểu thế nào là lẽ sống
Thì sự hy sinh cũng rất đỗi nhẹ nhàng…”

 

 

Tình mẫu tử

Cứ vài trang nhật ký, Lệ Thu lại nhắc đến đứa con nhỏ của mình. Nữ nhà báo, là Đảng viên, chấp hành mệnh lệnh, đi vào nơi gian khổ làm nhiệm vụ, không biết có ngày về hay không. Nhưng trên tất cả, chị là một người mẹ có con nhỏ. Chẳng phút nào chị ngơi nhớ về con. Cả cuốn nhật ký, cứ vài mươi trang lại rền rĩ nhớ con, mơ thấy con, gặp ai cũng muốn nói chuyện về con, thương xót con nhỏ phải xa mẹ...

“Lại bồn chồn nhớ con! Gặp ai cũng muốn nói chuyện về con! Trời lạnh quá, mình cứ ân hận đã không sắm sửa đầy đủ cho con trước khi lên đường. Bây giờ má ước gì được gặp lại con môt lúc, ước gì được vài ngày ở với con để dẫn nó đi mua sắm quần áo rét. Biết bao giờ mới được gặp lại con tôi!”

Nỗi nhớ con có khi khiến cho tâm hồn người mẹ trở nên bất an. “… Trong giấc  ngủ ngắn ngủi nặng nề và mệt nhọc đêm qua, tôi mơ thấy con- đứa con trai bé bỏng và tội nghiệp của tôi ở xa hàng ngàn dặm. Con mặc bộ quần áo màu xanh, ngồi ở một góc bàn cuối cùng trong lớp học, mấy đứa nhỏ xung quanh xúm vào trêu chọc. Chúng đánh và lấy bút chọc vào tay con chảy máu. Con khóc gọi “má ơi!”. Tôi hét lên và tỉnh giấc trong đầm đìa nước mắt…”.

“… Một phút lòng tôi yếu đuối, tôi khóc và nghĩ rằng rất có thể tôi sẽ hy sinh trong chuyến đi phía trước này. Trong đời hình như chưa bao giờ mình sợ chết. Nhưng giờ này tôi bỗng nghĩ đến con, bởi nếu tôi chết thì con tôi sẽ ra sao? Chắc hẳn là nó sẽ cô vùng cực khổ. Ôi con trai của má!... Phải chi con đã lớn hơn một chút cho má đỡ đau  lòng, bớt xót xa, ân hận”.

 “11-2-1974. Buồn quá! Một nỗi buồn lê thê giữa không khí đầu năm không có một nơi chốn để về. Lại nhớ con, nhớ má…”.

Mỗi lúc buồn, chị lại mở giấy bút viết thư cho cha đang ở miền Bắc. Nhưng thư viết rồi lại cất đáy ba lô chứ chưa biết có cách nào gửi được không. Tình mẫu tử cảm động trong cuốn nhật ký còn thể hiện ở những dòng chị viết về má chị. Trên đường công tác, về lại quê hương mình sau gần 20 năm, chị chờ được gặp má, gặp các em. Lần đầu, mặc dù tổ chức đã bố trí, chị vẫn không gặp được. Chị thất vọng kêu lên: “Cuộc đời sao mà tàn nhẫn, độc ác thế này!”. Lần sau đó, chị gặp được má trong nghẹn ngào nước mắt. Rồi đến tháng 11.1974, lại nghe tin dữ: má của chị bị giặc bắt tù đày (đến lúc gần giải phóng mới ra khỏi trại giam của địch).

Suốt những tháng năm len lỏi trong chiến trường, “nghĩa vụ làm con và làm mẹ luôn day dứt trong con…”- chị viết.

 

Sự nhạy cảm của một hồn thơ với sự kỹ càng sắc sảo của một nhà báo làm cho những trang nhật ký của bà có cái quánh bện của sự kiện và hồn người. Tôi ngạc nhiên về kỹ năng văn xuôi của Lệ Thu. Giữa sống chết, công việc với đủ sự va đập của chiến trường, bà chỉ chọn những gì nổi bật nhất trong ngày, rọi ánh sáng vào đấy, làm bật lên cốt lõi, thần thái của sự việc. Và không quên, không bao giờ quên cho ta biết nhịp đập tâm hồn của chị… (Nhà thơ Hữu Thỉnh)

Dấu ấn của tâm hồn thi sĩ và con người chính trực

Sự kết hợp giữa thông tin và cảm xúc tạo nên sức hấp dẫn của cuốn nhật ký. Trong cuốn sách nhiều những đoạn văn gợi tả, đẹp như thơ, bởi Lệ Thu vốn là nhà thơ.  

“Tôi ngồi trên chiếc võng dù nhìn ra sân đầy ánh sáng. Mùi hoa Vạn Thọ tỏa ngoài ngại. Làng Công Thạnh im lìm trong giấc ngủ, tôi bước ra sân. Rừng dừa Tam Quan mênh mông chỉ còn lại những thân cây cháy thui. Bên kia dòng sông trắng bạc là làng Thiện Chánh… Một cảm giác êm dịu tràn ngập trong lòng tôi. Ôi quê hương! Phút này sao yên tĩnh thế!...”.

Nữ nhà báo thể hiện là một người yêu ghét rõ ràng, không “gió chiều nào che chiều ấy”. Bà tâm sự những nỗi niềm riêng tư, sự oan ức khi bị đặt điều; nỗi đau khi có kẻ đi cùng đường nhưng lại không phải là đồng chí (ông H); sự uất sức khi các phóng viên TL và AT ra Hà Nội đã phản ảnh sai sự thật. “TL có mấy khi xuống đồng bằng gặp dân đâu, chỉ nằm trên căn cứ đợi mình gửi bài về thì cắt xén lấy những chi tiết có giá trị xào xáo lại thành bài mới, giờ ra ngoài đấy vỗ ngực ta tài giỏi anh hùng! Khi tự biết mình không cao mà lại muốn được trội hơn người thì phải hạ người khác xuống để mình đứng trên đầu người ta…”. Đau đớn khi trong cuộc họp chi bộ xét đối tượng kết nạp Đảng, khi người bí thư tỏ rõ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. “Than ôi, tai họa cho Đảng ta! Trong Đảng còn có những con người như thế này thì rồi đây sinh mệnh của Đảng sẽ ra sao? Sự vô tư, trong sáng không có trong một đồng chí bí thư thì làm sao có thể động viên quần chúng, dìu dắt anh em trong hoàn cảnh khó khăn này?”.

Cuốn nhật ký hấp dẫn bởi sự chân thực là thế, không chỉ phản ánh một chiều. Tuy có lúc ấm ức vì những tiêu cực bất công, có lúc buồn tủi bởi nhiều trớ trêu của số phận... nhưng lúc nào chị cũng giữ được tấm lòng trong sáng và thái độ tích cực, không bi lụy. Dù mệt, dù ốm, dù nhớ con, thương cha mẹ... vẫn lao vào công việc. Và luôn nhìn thấy xung quanh mình những con người chọn lẽ sống cao đẹp.

Cuối cùng, tác giả tâm sự: “Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng, đồng bào thoát khỏi những nhà lao độc ác, các gia đình thoát khỏi sự chia lìa, đất nước hoà bình thống nhất… là hạnh phúc vô biên, là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của mỗi cuộc đời, trong đó có cuộc đời tôi và cha mẹ, gia đình tôi”. Vâng, đó mới là điều lớn nhất.

Cuộc chiến qua đi đã 40 năm, thời gian đủ dài để người ta có thể xem xét, nhìn nhận, đánh giá những dữ liệu lịch sử. “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” chính là tiếng nói để nhắc nhở chúng ta hãy tôn trọng quá khứ, bảo vệ những giá trị mà nhân dân đã phải đổ bao xương máu mới giành được.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm