Báo xuân

Cái Tết no của nhà Nay A Lĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nhà nhà đang tất bật chuẩn bị cho một cái Tết sung túc và tươm tất, thì đâu đó ở xã Ia Rsai (huyện Krông Pa), niềm vui cũng đã tràn về chỉ bởi Tết này, họ sẽ không phải chạy ăn từng bữa nữa. Với họ, một ngày no, thực sự đã là một ngày Tết.

Những ngày giáp Tết, trời Ia Rsai bỗng dưng se se lạnh. Không còn cái nắng oi ả nữa mà bầu trời đã khuất lấp sau đám mây mù. Gió men theo sườn núi cũng trườn về luồn lách vào trong từng mái nhà sàn. Ở cái chảo lửa này, cái lạnh trở nên vô cùng hiếm hoi và đang quý biết bao. Người Ia Rsai nhủ rằng, có lẽ ông trời đã ban cho cái lạnh ấy vào những ngày chuyển giao năm cũ, năm mới này để họ được trải nghiệm một cái Tết lạ lẫm như người thành phố. Ở trung tâm xã, những bộ quần áo mới sặc sỡ sắc màu đang được bày bán la liệt. Năm nay hàng nông sản rớt giá, thu nhập trong dân giảm trầm trọng, nhưng cái Tết thì vẫn cứ là cái Tết. Đó vẫn là một dịp sum họp quây quần, vẫn là nơi để họ cùng nhìn lại một năm với nhiều biến động đã trôi qua để hướng tới một mùa vụ mới với niềm tin sẽ bội thu. Cũng có những người, Tết là dịp ít ra họ sẽ được ăn no. Sẽ không còn là những bữa cơm dè xẻn mà vợ chồng nhìn mặt nhau buồn rười rượi, không còn những ngày xách tô đi vay gạo chạy ăn từng bữa.

 

Mùa xuân đã về trên ngôi nhà sàn nhỏ của Nay A Lĩ. Ảnh: Văn Ngọc

Buổi chiều, trong ngôi nhà sàn ở mé làng, những đứa trẻ nhà Nay A Lĩ (buôn Puh) đang ngủ ngon lành sau bữa cơm trưa. Anh cả Ksor Li Ba (10 tuổi) và cậu em đang vùi mình trong chăn còn cậu út mới chỉ 18 tháng tuổi đang say sưa vắt vẻo trên lưng mẹ. Chị Ksor H’Hoa (vợ anh A Lĩ) bảo rằng, lâu rồi chúng mới được ngủ ngon thế. Là bởi cái thời tiết se se lạnh lạ thường và quan trọng hơn cả là bởi cái nồi cơm nơi góc nhà. Cái nồi ấy vẫn còn sót lại một chút cơm - điều hiếm hoi không kém cơn gió lùa mang theo cái lạnh đang tấp vào mái tôn ngoài kia. Hóa ra, nhà chị H’Hoa là một trong hơn 500 gia đình nghèo có nguy cơ bị đói đươc nhận gạo cứu trợ của Chính phủ trong đợt giáp Tết vừa qua. Trước ngày nhận gạo cứu đói, đáy nồi cơm nhà chị Hoa thường xuyên nhẵn nhụi. Trong cái đợt cuối năm này, khi mấy sào mì vẫn chưa được thu hoạch, khi việc làm công ngày càng ít, người làm thì đông lên nên hai vợ chồng chị phải thường xuyên đi vay mượn để mua gạo.
 
Chị H’Hoa năm nay vừa bước qua tuổi… 23 nhưng đã có 3 mụn con. Chị bảo: “Người Jrai mình thế, cưới nhau sớm lắm. Người Jrai mình thích đẻ con gái lắm, vì con gái sau này sẽ ở với ama, ở với mí (bố, mẹ) chứ con trai nó lấy vợ là theo vợ nó về luôn. Nhưng mình chỉ đẻ ra con trai, cố đẻ thêm để có đứa con gái thì cũng vẫn chỉ ra con trai thôi”. Ngoảnh đi ngoảnh lại, người phụ nữ mới chỉ 24 tuổi ấy đã đùm đuề 3 đứa con nhỏ nên mọi công việc đồng áng đều rơi vào tay anh Nay A Lĩ. Hôm chúng tôi đến thăm nhà đã là ngày 27 Tết, nhưng anh Nay A Lĩ vẫn đang đi làm công mì với giá 100 ngàn đồng/ngày công. “Mình lo cho các con bận bịu lắm nên chủ yếu là chồng đi làm thuê kiếm tiền mua gạo thôi. Rẫy nhà mình được có mấy sào, trồng mì mà mì rẻ quá chưa nhổ được. Bữa giờ mình phải mượn gạo của hàng xóm, họ hàng rồi về cả nhà bố mẹ nữa” – chị H’Hoa than thở.

Nhưng Tết này chị đã nhận được 75kg gạo cứu đói. 3 bao gạo đầy ắp để ở góc nhà là tất cả những gì gia đình chị chuẩn bị cho Tết. Không có áo quần mới cho lũ trẻ, có chăng sẽ là chút bánh kẹo mà anh Nay A Lĩ mang về sau buổi chiều đi làm rẫy, nhưng với họ, hơn 500 hộ dân với 7,6 tấn gạo cứu đói, đây cũng là cái Tết đủ đầy. Với một cái bụng no, họ sẽ vượt qua được những ngày đói kém này để chợ đợi một mùa xuân mới sẽ mang lại nhiều điều khởi sắc hơn…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm