Báo xuân

Nhà có 5 chàng cầu thủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đây chắc hẳn là gia đình đặc biệt nhất của làng túc cầu Việt Nam với 5 anh em là cầu thủ chuyên nghiệp.
Trên chặng đường gian nan theo đuổi đam mê bất tận, những cầu thủ xuất thân từ sân làng với trái bóng cũ sờn ấy luôn có sự đồng hành, chung sức của các thành viên trong gia đình. 
Gia đình “quần đùi áo số”
Ngày hạ màn V-League 2017, khán giả Phố núi ắt hẳn rất thất vọng khi Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) thúc thủ 0-1 trước đối thủ nhiều duyên nợ là SHB Đà Nẵng. Nói đến sự bế tắc của đội bóng chủ nhà hôm ấy, người ta sẽ phải nhắc đến Phan Đức Lễ-trung vệ của SHB Đà Nẵng. Cầu thủ 24 tuổi đã thi đấu rất xuất sắc trong màu áo cam của đội bóng sông Hàn, nhưng ít ai biết anh sinh ra và lớn lên ở núi rừng Chư Pah (Gia Lai), trong một gia đình có đến 5 cầu thủ chuyên nghiệp.
Phan Đức Lễ (phải) là trụ cột trong màu áo SHB Đà Nẵng. Ảnh: V.N
Phan Đức Lễ (phải) là trụ cột trong màu áo SHB Đà Nẵng. Ảnh: V.N
Cầu thủ Phan Đức Lễ: “Anh Thịnh vẫn luôn dặn dò tôi và các em rằng, với bóng đá chỉ thích thôi là chưa đủ mà phải đam mê thực sự. Bởi vậy tôi luôn dặn mình phải nỗ lực, cố gắng hết mình để không phụ lòng cha mẹ, phải làm những gì các anh đang làm dang dở và cũng là tấm gương để các em noi theo”. 

Phan Đức Lễ là người con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em ở thôn 3 (xã Hòa Phú, huyện Chư Pah). Ngoài 2 người chị gái thì cả 2 anh trai và 2 em trai của Lễ đều đã và đang là những người mang nghiệp “quần đùi áo số”. Người anh cả Phan Đức Vinh (SN 1979) từng là tiền đạo chủ lực trong màu áo Kon Tum vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trong khi đó, người anh Phan Đức Thịnh (SN 1986) cũng từng khoác áo các đội tuyển trẻ của Gia Lai thời 2005-2007. Đức Thịnh là cầu thủ tài năng của Gia Lai, cùng thời với Nguyễn Tăng Tuấn, Vũ Anh Tuấn, Khuất Hữu Long… Anh từng là trung vệ trụ cột của U21 HA.GL thi đấu ở các giải trong nước cũng như quốc tế. Năm 2007, Đức Thịnh cùng đồng đội giành ngôi Á quân Giải U21 Quốc gia và là đại diện cho Việt Nam tham dự Giải U21 Cúp Nhà vua tại Brunei. 

Tiếp bước 2 người anh, Phan Đức Lễ (SN 1993) cũng khăn gói xỏ giày lên ăn tập ở lớp năng khiếu của Gia Lai từ khi còn là cậu bé 8 tuổi. Đức Lễ sớm chứng tỏ được tài năng của mình và là người duy nhất ở lứa năng khiếu năm ấy vẫn còn đeo đuổi nghiệp túc cầu. Anh từng khoác áo Gia Lai thi đấu ở các giải U11, U15. Tuy nhiên, sau đó, khi bóng đá Gia Lai chuyển giao cho Tập đoàn HA.GL, lứa cầu thủ trẻ này bị giải thể. Sau 2 năm rời xa trái bóng, Đức Lễ quyết định đi tìm bến đỗ mới là đội bóng sông Hàn. Ở đây, tài năng của anh đã được ghi nhận. Cầu thủ trẻ này đã trúng tuyển ngay lần đầu thử việc và mang về chiếc cúp vô địch U17 Quốc gia lần đầu tiên cho U17 Đà Nẵng năm 2010. Trận đấu đó, anh là người ghi bàn thắng duy nhất giúp đội nhà hạ gục U17 Sông Lam Nghệ An-đội bóng thống trị các giải trẻ vào thời điểm đó.
Đức Lễ cũng từng khoác áo U21 Việt Nam tại Giải U21 Quốc tế tại Cần Thơ năm 2014 và được bầu vào đội hình tiêu biểu giải đấu này. Năm 2016, những nỗ lực của anh được ghi nhận khi sau một thời gian thử thách, HLV Lê Huỳnh Đức đã đôn anh lên đội hình 1. Hiện tại, ở tuổi 24, Đức Lễ đã là trung vệ không thể thay thế ở đội bóng chủ sân Hòa Xuân.
Không nổi bật như người anh nhưng Phan Đức Nhân (SN 1995) cũng đang miệt mài đeo đuổi đam mê với trái bóng dưới màu áo của đội bóng hạng nhì Kon Tum. Trong khi đó, cậu út Phan Đức Chung (SN 1996) lại là cầu thủ rất nổi bật trong màu áo của CLB Bóng đá Huế. Với khả năng của mình, Đức Chung đã được đội bóng này ký hợp đồng đến năm 23 tuổi. Tiếc rằng, khi vừa chính thức lên đội 1 thì anh lại mắc phải chấn thương đứt dây chằng chéo và rách sụn gối, hiện đang chờ được phẫu thuật.
5 anh em trai ở những đội bóng khác nhau nhưng cùng có chung niềm đam mê mãnh liệt với quả bóng tròn. Ít ai biết, đằng sau đó là cả những câu chuyện đầy cảm động.
Những sự hy sinh cao cả
Bà Trần Thị Mai-mẹ các cầu thủ trên-không giấu được sự tự hào xen lẫn bồi hồi khi nhìn những đứa con bé bỏng ngày nào bây giờ cao lớn, trưởng thành. Bà Mai cho biết, chồng bà-ông Phan Đức Trí cũng từng rất đam mê bóng đá và chơi rất hay. Nhưng từ ngày theo nghiệp gõ đầu trẻ, rồi có gia đình, phải vật lộn với cuộc mưu sinh nên ông đành từ giã trái bóng tròn. Bởi thế, khi những cậu con trai thể hiện tình yêu và ước mơ theo nghiệp “quần đùi áo số”, vợ chồng ông bà đều ủng hộ hết mình. “Các cháu được thừa hưởng gen từ ba nó, đã vậy nhà lại ngay sát sân bóng nên chúng đá bóng tối ngày. Có sẵn khả năng nữa nên tụi nó được người ta gọi đi đá ở giải huyện, giải tỉnh rồi đi đá cho các CLB chuyên nghiệp”-bà Mai chia sẻ.
 Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để các cầu thủ nuôi dưỡng giấc mơ. Ảnh: V.N
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để các cầu thủ nuôi dưỡng giấc mơ. Ảnh: V.N
Người anh cả Phan Đức Vinh là niềm hy vọng đầu tiên của gia đình đặc biệt này. Nhưng khi tài năng đã nở rộ ở tuổi 21 trong biên chế đội bóng Kon Tum, anh buộc phải treo giày vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Vợ chồng bà Mai phải lăn lộn làm đủ nghề để nuôi 8 miệng ăn trong gia đình. Bởi thế, dù được sự mời gọi của đội bóng Gia Lai nhưng Đức Vinh vẫn ngậm ngùi từ giã sự nghiệp để về nhà cầm cưa theo cha làm nghề xẻ gỗ kiếm tiền mua gạo nuôi các em. Giấc mơ cầu thủ bị gác lại, trong Đức Vinh vẫn còn đó những ưu tư của một thời dang dở nhưng anh chưa một lần hối hận. Với trách nhiệm của người anh cả, anh vẫn hạnh phúc và tự hào khi nhìn những đứa em viết tiếp ước mơ. 
Bà Mai cho hay, tuy gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông bà luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các con trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ông Trí không chỉ là một người cha mà còn kiêm luôn vị huấn luyện viên đầu tiên cho các con. Giữa trưa nắng oi ả, ông bắt các con phải tập tâng bóng đến khi nào quả bóng không thể rớt xuống đất. Ông cũng xếp gạch thành từng hàng rồi yêu cầu các con dùng chân lừa bóng đi qua. Anh Phan Đức Thịnh nhớ lại: “Ngày ấy ba khắt khe lắm, bắt phải rèn luyện cực kỳ vất vả, nhiều lúc chỉ muốn khóc vì mệt. Nhưng ba bảo rằng, nếu con muốn được lên tỉnh đá bóng, thì phải tập luyện, chỉ có khổ luyện mới thành tài được, năng khiếu cũng chỉ là một phần thôi”.  
Bà Mai thường xuyên phải bồi bổ cho các con ăn uống đủ chất dinh dưỡng để có sức tập luyện. Gia cảnh khốn khó, vợ chồng bà nhiều lần phải “nhịn” bớt khẩu phần để nhường cho các con. Bà bồi hồi: “Mình ăn khổ cực chút cũng được vì quen rồi nhưng lũ nhỏ phải ăn đủ để còn có sức”. Khi các con đi thi đấu, vợ chồng cũng không quản ngại đường xa để đến sân chỉ để nhìn cậu con trai bé bỏng của mình thoăn thoắt đôi chân trên mặt cỏ. “Có những lần Đức Lễ nó đá ở Quy Nhơn, vợ chồng tôi sáng đi xe máy gần 200 km, xem cháu đá xong cũng 7 giờ tối rồi chúng tôi lại chạy xe về. Vất vả lắm nên tôi luôn phải dặn các con, đi đá bóng không chỉ cần đá hay, đá giỏi, mà cần cả đạo đức, lễ phép, biết nỗ lực thì mới thành người. Giờ các con trưởng thành rồi tôi cũng mừng vì công sức 2 vợ chồng dồn tất cả cho các con theo đuổi đam mê, được như thế, chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi”-người mẹ của 5 cầu thủ tâm sự.  
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm