Báo xuân

Đak Pơ: Nhân rộng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc dồn điền, đổi thửa để phát triển cánh đồng mía mẫu lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Đak Pơ. Thành quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.
Liên kết dồn điền đổi thửa
Đak Pơ là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh với khoảng 8.399 ha, sản lượng mía mỗi năm ước đạt 477.425 tấn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng mía, Đak Pơ là địa phương đầu tiên của tỉnh vận động người dân (cả người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số) mạnh dạn dồn điền đổi thửa, liên kết với Nhà máy Đường An Khê tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mía lớn. Theo đó, Nhà máy Đường An Khê đầu tư phát triển sản xuất mía cho hộ hoặc nhóm hộ có diện tích liên vùng từ 5 ha trở lên theo hướng áp dụng cơ giới hóa đồng bộ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, hỗ trợ người trồng mía phân bùn, hướng dẫn quy trình chăm sóc khoa học, ký kết hợp đồng sản xuất, thu mua nguyên liệu. Đến nay, diện tích mía có ký kết hợp đồng liên kết sản xuất trên địa bàn huyện Đak Pơ đạt 7.345 ha, cao nhất so với các địa phương trồng mía trong tỉnh. Trong đó, gần 492,1 ha mía được thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn, sản lượng mía mỗi vụ ước đạt 51.568 tấn.
 Đưa phương tiện cơ giới vào trồng mía thay sức lao động mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Đức Thụy
Đưa phương tiện cơ giới vào trồng mía thay sức lao động mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Đức Thụy
Đặc biệt, niên vụ mía 2016-2017, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Nhà máy Đường An Khê và xã An Thành thực hiện mô hình cánh đồng mía lớn cho 22 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Bút (xã An Thành) với diện tích 32 ha. Tiếp tục đầu tư thêm 36 ha mía tại thôn Tân Hội, Tân Phong (xã Tân An), người dân tự liên kết mở rộng thêm diện tích 6,5 ha… Nhờ bước đi tiên phong này, năng suất mía sản xuất theo cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Đak Pơ đạt bình quân khoảng 100-110 tấn/ha; một số cánh đồng mía chăm sóc tốt năng suất đạt 130 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mía trên địa bàn huyện.
Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn
Thành công trong phát triển cánh đồng lớn những năm gần đây giúp nông dân huyện Đak Pơ phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định. Huyện cũng trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh giúp nông dân liên kết thực hiện quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Cách làm mới này đã thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, từng bước phát huy lợi thế vốn có, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hiệu quả của cánh đồng lớn rất thiết thực nên niên vụ 2017-2018, Đak Pơ tiếp tục nhân rộng thêm 7 ha cho 2 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Yang Bắc tham gia. Đặc biệt, nhiều địa phương trong tỉnh đã đến huyện Đak Pơ để học tập kinh nghiệm phát triển cánh đồng mía lớn.
Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, nói: “Cánh đồng mía lớn đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại nguồn nhập ổn định cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện. Phát huy thành quả này, thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bón phân cho cây mía... theo đúng quy trình. Củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các xã khảo sát các vùng để mở rộng cánh đồng mía lớn, vận động người dân dồn điền đổi thửa gắn với cơ chế cụ thể. Sử dụng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện để phát triển cánh đồng lớn theo hướng bền vững. Đây cũng là hướng đi nhằm từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong quá trình hội nhập”.
Để khuyến khích người dân tham gia, huyện Đak Pơ đã ban hành quy chế hỗ trợ kinh phí xây dựng cánh đồng mía kỹ thuật trên địa bàn. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha mía gốc năm thứ nhất và 5 triệu đồng/ha mía gốc năm thứ 2 khi phá bỏ để dồn điền. Đối tượng được hỗ trợ là những cá nhân, tổ chức tham gia liên kết trồng mía theo cánh đồng lớn đảm bảo diện tích từ 10 ha đến dưới 30 ha. Còn nếu là đồng bào dân tộc thiểu số thì từ 4 ha trở lên.
 Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm