Thời sự - Bình luận

Cán bộ làm giàu chân chính cũng là nêu gương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong nhiều nội dung của Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì nội dung “chống chủ nghĩa cá nhân” và thực hiện nêu gương ở mỗi cán bộ, đảng viên đang đặt ra những nhiệm vụ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bản chất chủ nghĩa cá nhân là lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân “...việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể: “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”; là “thứ vi trùng độc hại” sinh ra hàng trăm thói hư, tật xấu, những căn bệnh trong Đảng, nhất là khi Đảng cầm quyền.

Nhắc lại một số ý trong tư tưởng chống chủ nghĩa cá nhân của Bác, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sáng ngày 12.6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những phẩm chất cao quý của người cách mạng là Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần: Là cần cù, chăm chỉ, tận tuỵ, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Kiệm: Là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công. Liêm: Là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính: Là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ luỵ, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách. Chí công vô tư: Là làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng.

Cần phải hiểu rõ rằng, chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là triệt tiêu lợi ích chính đáng của cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh, đề cao vai trò lợi ích chính đáng của cá nhân, coi đây là nguyên nhân quyết định chủ yếu cho sự tồn tại, phát triển của mỗi con người, dẫn đến quá trình phát triển không ngừng của đất nước.

Có nghĩa là, chống chủ nghĩa cá nhân không hề đối lập với khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lại càng không hề đối lập với việc khuyến khích tư duy đổi mới, làm giàu chân chính của cán bộ Đảng viên.

Đảng, Nhà nước khuyến khích đảng viên làm giàu, nhưng phải là làm giàu chân chính.

Trong vấn đề nêu gương, người cán bộ không chỉ gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; không chỉ kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… mà trong bối cảnh hiện tại, người cán bộ, đảng viên còn phải nêu gương về tư duy, phương cách làm giàu chân chính, làm giàu chính đáng.

Bác dạy, cán bộ là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng”.

Chỉ khi cái “tầm công bộc” được nâng lên thì người cán bộ mới trở thành gương sáng, dẫn dắt, nhân rộng để mọi người noi theo, cùng tiến bộ, cùng làm giàu chân chính để đưa đất nước ta ngày càng phát triển.

 


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/can-bo-lam-giau-chan-chinh-cung-la-neu-guong-920069.ldo

Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm