Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Cán bộ mắc những vi phạm nào,dù về hưu nhiều năm vẫn không an toàn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ban soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức (viết tắt dự thảo Luật) đã có những đề xuất quan trọng trong xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật (Quốc hội) khi cho ý kiến về dự thảo Luật bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức (ảnh quochoi.vn).
Kéo dài thời hiệu xử lý vi phạm
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo Luật), Luật cán bộ, công chức hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Điều đó có nghĩa là kể từ khi có hành vi vi phạm nhưng sau 24 tháng mới phát hiện thì không thuộc diện bị xem xét xử lý kỷ luật.
Theo Ban soạn thảo, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ công chức thì đã hết thời hiệu.
Để đảm bảo tính nghiêm khắc cũng như phù hợp với quy định của Đảng, Ban soạn thảo đã đưa ra đề xuất thay đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ so với quy định hiện hành. Cụ thể thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Quy định này so với Luật hiện hành đã tăng thời hiệu thêm 36 tháng.
Ông Bùi Văn Xuyền cho rằng: Đối với cán bộ, công chức đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu thì vẫn đặt ra vấn đề xử lý kỷ luật khi phát hiện vi phạm trong quá trình công tác trước đó.
"Đề xuất trong dự thảo Luật lần này thể hiện sự nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe hơn đối với vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình công tác. Đã là cán bộ công chức thì phải giữ gìn, phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Cán bộ là người hiểu biết đường lối, chính sách, phải là người gương mẫu trong việc chấp hành, khi phát hiện vi phạm thì việc xử lý phải nghiêm khắc hơn. Tinh thần đặt ra của Luật là như vậy nên mới đề xuất kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật”, ông Bùi Văn Xuyền nói.
Những vi phạm không tính thời hiệu
Bên cạnh đó điểm rất mới so với Luật hiện hành là quy định đối với một số hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, bao gồm như vi phạm sau:
- Cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ khỏi đảng.
- Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận  giả, không hợp pháp.
 Theo ông Bùi Văn Xuyền việc đề xuất quy định này giống như tinh thần của Luật phòng, chống tham nhũng. Nghĩa là lúc nào phát hiện vi phạm là xử lý lúc đó chứ không căn cứ theo thời hiệu. Việc Luật nêu chi tiết các hành vi giúp cho cán bộ, công chức dễ soi rọi, tránh phạm phải trong quá trình công tác.
"Nếu cán bộ, công chức nào phạm phải những điều như nêu trên dù chưa bị phát hiện nhưng cái sai đó vẫn đeo đẳng suốt đời. Không còn chuyện cán bộ mắc phải những sai phạm nhưng khi đã nghỉ hưu từ 5 năm trở lên là ung dung hưởng sự an toàn", ông Xuyền cho biết.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho biết thêm, khi thảo luận về quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm trong Ủy ban Pháp luật có 2 luồng ý kiến. Loại ý kiên thứ nhất đồng tình với soạn thảo của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần phải phân loại những hành vi vi phạm để đưa ra thời hiệu xử lý khác nhau, chẳng hạn mức 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng, 60 tháng và vi phạm không tính thời hạn.
"Việc chia mức như vậy sẽ đảm bảo tính khoa học hơn, sai phạm gì cần phải răn đe, cần xử lý nghiêm khắc thì áp dụng thời hiệu dài hoặc không tính thời hiệu, còn vi phạm gì không quá nghiêm trọng thì có thể áp dụng thời hiệu xử lý ngắn hơn", ông Xuyền nói và cho biết thêm, sắp tới dự thảo Luật sẽ được đưa ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Theo Ban soạn thảo, về hình thức xử lý kỷ luật cán bộ công chức gồm các mức sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Cách chức; Buộc thôi việc. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đối với cán bộ công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Tại điều 3 của Quy định 102 -QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có quy định:
1- Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.
a) Thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định như sau:
- 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
b) Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới.

2- Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Lương Kết (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm