Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Cần bổ sung thêm chức năng của Viện Kiểm sát Nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (SĐHP) năm 1992. Báo Gia Lai trích đăng một số ý kiến tại Hội nghị.

- Lời nói đầu của Dự thảo SĐHP năm 1992 đã khái quát chặt chẽ hơn so với lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, việc xác định giá trị pháp lý của Dự thảo SĐHP năm 1992 trong lời nói đầu cần được làm rõ hơn. Bởi vậy, cần khẳng định trong lời nói đầu là: “Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là luật gốc, có giá trị pháp lý tối cao, là căn cứ để ban hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác”.

 

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Hoàng Cư
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Hoàng Cư

- Khoản 2, Điều 18 của Dự thảo SĐHP năm 1992 nêu: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”. Quy định như vậy chỉ phù hợp với trường hợp công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam, còn đối với trường hợp công dân Việt Nam mang nhiều quốc tịch, quá trình triển khai thực hiện quy định nêu trên sẽ gặp khó khăn, nhất là trong công tác ngoại giao.

Ví dụ: Một công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, có vợ con, có tài sản, có việc làm ở nước ngoài; nhưng vi phạm pháp luật nước bạn, rồi bỏ trốn về Việt Nam, bên nước bạn yêu cầu nước ta phải giao nộp công dân đó. Bất cập này cần nghiên cứu, quy định cho phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả của Hiến pháp, tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.

- Khoản 1, Điều 34 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” là chưa đầy đủ vì không nói rõ “trong phạm vi pháp luật quy định”. Bởi lẽ, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… thì không thể tự do kinh doanh. Vì vậy, đề nghị sửa đổi thành: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Cùng nội dung này, khoản 1, Điều 56 quy định: “…cá nhân được tự do kinh doanh” là trùng với khoản 1, Điều 34 nêu trên. Bởi vậy, cần thiết phải nghiên cứu, sắp xếp lại cho phù hợp, không trùng lắp.

-  Điều 45 của Dự thảo quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Quy định như vậy là chưa chặt chẽ, thiếu rõ ràng, rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm, tạo ra kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bởi vậy nên sửa đổi, bổ sung thêm là: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình theo dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ. Mọi người có quyền sử dụng ngôn ngữ dân tộc của cha đẻ, ngôn ngữ dân tộc của mẹ đẻ và tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.

- Khoản 7, Điều 75 và khoản 3, Điều 93 của Dự thảo quy định: Việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao phải do Quốc hội phê chuẩn; nhưng việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức kiểm sát viên nhân dân tối cao thì không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Cũng theo quy định tại khoản 3, Điều 93 của Dự thảo thì Chủ tịch nước còn thực hiện việc “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các Tòa án khác”.

Việc quy định nêu trên là không tương đồng về địa vị pháp lý của Thẩm phán và Kiểm sát viên cùng cấp, sẽ gây khó khăn trong công tác phối hợp và thực hiện các chức năng hoạt động tư pháp. Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng: Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên Viện KSND tối cao cũng phải thông qua sự phê chuẩn của Quốc hội và Chủ tịch nước cũng sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các Kiểm sát viên đồng cấp và Thẩm phán các Tòa án khác…

- Khoản 1, Điều 112 của Dự thảo SĐHP năm 1992 quy định: “Viện Kiểm sát Nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” là chưa đầy đủ. Bởi vậy, nên bổ sung cụm từ: “và kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở một số lĩnh vực do pháp luật quy định”.

Hoàng Cư (lược ghi)

Có thể bạn quan tâm