(GLO)- Hội Nông dân tỉnh đã và đang nhận báo cáo tổng hợp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các cơ sở Hội. Đa số cán bộ, công chức, viên chức của các cơ sở Hội và những hội viên trong tỉnh đều thống nhất, đề nghị Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung 1 điều quy định cụ thể về địa vị pháp lý của giai cấp nông dân. Một số điều khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung, loại bỏ như sau:
- Lời nói đầu nên loại bỏ đoạn: “Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước”. Điều đó là đương nhiên, được rất nhiều người thừa nhận, không cần thiết phải nhắc lại. Hơn thế nữa, ý nghĩa này đã được khẳng định trong phần trên đoạn này.
- Khoản 1, Điều 4 đề nghị bổ sung hai từ “duy nhất” vào trước cụm từ “lãnh đạo” để nhấn mạnh và khẳng định rõ hơn về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, khoản 1, Điều 4 nên sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
- Khoản 2, Điều 4 đề nghị thêm 3 từ “trước pháp luật” vào trước cụm từ “về những quyết định của mình”, nên sửa thành: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật về những quyết định của mình”.
- Khoản 2, Điều 8 đề nghị thay từ “chống” bằng từ “không được”, nên sửa thành: “…Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu giám sát của nhân dân; không được tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
- Khoản 2, Điều 9 nên tách riêng phần: “… giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức” thành 2 ý: + Ý thứ nhất: “…giám sát đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức”. + Ý thứ hai: “Mặt trận, các tổ chức được phản biện, chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ ảnh hưởng đến đời sống và an sinh xã hội của nhân dân”.
- Khoản 3, Điều 9 đề nghị thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng cụm từ “đảm bảo”. Khoản 3 này nên chỉnh sửa thành: “Nhà nước đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.
- Điều 21 đề nghị bổ sung cụm từ: “trừ những đối tượng có hình phạt tử hình” vào sau cụm từ “Mọi người có quyền sống”. Điều 21 nên sửa thành: “Mọi người có quyền sống, trừ những đối tượng có hình phạt tử hình”; vì thực tế hiện nay vẫn có người phạm tội nghiêm trọng bị tước quyền sống.
- Khoản 1, Điều 43 đề nghị thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào sau cụm từ “nghệ thuật”; nên chỉnh sửa thành: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật theo quy định của pháp luật”.
- Điều 46 nên quy định ngắn gọn hơn là: “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường và có quyền được sống trong môi trường trong lành”.
- Điều 57, để khẳng định vai trò chủ thể của Nhà nước trong việc thống nhất quản lý đất đai, đề nghị đảo cụm từ “quản lý” lên trước cụm từ “đầu tư”. Điều 57 này nên sửa thành: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản… do Nhà nước quản lý, đầu tư là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân…”.
- Khoản 3, Điều 58 đề nghị tách bạch các quy định về các dự án phát triển kinh tế và các dự án xã hội. Vì các dự án kinh tế tính toán lỗ lãi rõ ràng hơn và thường là chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người trong xã hội nhất định; còn các dự án xã hội rất khó tính hết các giá trị thực tế, nhân văn và quy mô phục vụ là cho cả cộng đồng, cả an sinh xã hội lâu dài.
- Khoản 2, Điều 67 đề nghị thay cụm từ “hiện đại” bằng cụm từ “tiên tiến” và loại bỏ cụm từ “bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo khoa học, công nghệ”. Khoản 2, Điều 67 nên sửa thành: “Nhà nước thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ”.
- Khoản 3, Điều 68 đề nghị thay từ “nghiêm” bằng cụm từ “theo pháp luật”. Khoản 3 này nên sửa đổi thành: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý theo pháp luật và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Hoàng Minh (tổng hợp)