Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Hiến định việc Thủ tướng báo cáo công tác trước dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quy định Thủ tướng và các bộ trưởng thực hiện báo cáo công tác trước dân theo đề xuất của Chính phủ đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu và sẽ đưa vào bản dự thảo mới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã cho biết như vậy tại buổi họp báo hôm qua 17-5, về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
 

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân về dự thảo Hiến pháp. Qua đó, Chính phủ đã hoàn thiện bản báo cáo chung gửi đến Ban soạn thảo, kiến nghị rõ 7 nhóm vấn đề của dự thảo Hiến pháp. Một trong những nội dung lớn được đề cập sâu là chương 7 (về tổ chức Chính phủ) đã được Chính phủ kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực của nhà nước; tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và các bộ trưởng. Cụ thể hóa mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với Quốc hội (QH), Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các thiết chế hiến định độc lập.

Giải thích rõ hơn về điểm này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng khi đã công nhận Chính phủ là cơ quan hành pháp, thì không nên coi đây là cơ quan chấp hành của QH. “Chính phủ muốn khi đã được thừa nhận là cơ quan thực hiện quyền hành pháp tức là phải quy định thẩm quyền của Chính phủ và các thành viên như thế nào để họ có một vị trí độc lập nhất định để điều hành đối phó tình hình rất phức tạp nhằm quản lý mọi mặt đời sống xã hội”-ông Liên nói.

Về tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, theo ông Liên, kiến nghị được đưa ra tại báo cáo của Chính phủ là xác định rõ vị trí của Thủ tướng và nhất là thành viên Chính phủ. Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước dân những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Báo cáo của Chính phủ thể hiện quan điểm tán thành với việc ghi nhận tại điều 4 về vị trí và vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân. Chính phủ cũng kiến nghị ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được đảm bảo thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật, và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.

Liên quan đến nội dung về chế độ kinh tế, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh vào các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường đất. Theo đó, trong mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất, thì người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá thị trường. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Không quy định nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm